Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 2 tháng 12 năm 2020 | 19:53

Mùa cà phê buồn ở Tây Nguyên

Lại một mùa cà phê buồn ở Tây Nguyên, năng suất giảm, giá nhân công tăng; đổi công thu hái cà phê…

Gia Lai: Năng suất cà phê kém, giá nhân công cao

Người dân phía Tây tỉnh Gia Lai đang bước vào vụ thu hoạch cà phê với tâm trạng kém vui. Nguyên nhân do năng suất cà phê vụ này giảm mạnh, nhân công khan hiếm trong khi giá mặt hàng này vẫn giữ nguyên như năm ngoái.

 

cf-gl-19.jpg

 Người dân thu hái cà phê tại xã Ia Phìn (huỵện Chư Prông). Ảnh: Nguyễn Diệp

 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện Gia Lai có trên 97.000 ha cà phê; trong đó, diện tích trong giai đoạn kinh doanh khoảng 83.148 ha, còn lại đang kiến thiết cơ bản và tái canh.

Diện tích cà phê tập trung chủ yếu ở các huyện: Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Đak Đoa, Chư Sê, Mang Yang. Dù mới thu hoạch được khoảng 40%, nhưng phần lớn người dân đều cho rằng, năng suất cà phê năm nay giảm khá mạnh so niên vụ trước.

Do thời tiết gặp nhiều bất lợi, ảnh hưởng lớn đến năng suất cà phê hộ ông Nguyễn Văn Thành (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai). Ông Thành nói: “Gia đình tôi trồng 1 ha cà phê và nhận khoán thêm 2 ha của Công ty Cà phê Ia Sao 2. Dù mới thu hoạch được gần một nửa nhưng dự kiến sản lượng cà phê năm nay giảm hơn 30% so niên vụ trước.

Thời tiết năm nay rất thất thường, mùa mưa đến muộn, lượng mưa thấp đã gây khó khăn trong việc chăm sóc, bón phân dẫn đến cây ra hoa đậu quả ít.

Năm ngoái, trung bình mỗi ha, tôi thu được 18-20 tấn cà phê tươi, thì nay chỉ được khoảng 12-13 tấn. Với mức giá hiện tại từ 31.000 – 33.000 đồng/kg cà phê nhân, trừ chi phí, nộp sản lượng cho Công ty, không còn lãi bao nhiêu”.

Cũng theo ông Thành, rất nhiều vườn cà phê trong vùng năng suất còn thấp hơn, thu không đủ bù chi. Vì thế, không khí thu hoạch cà phê vụ này khá ảm đạm.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu (thôn Hoàng Ân, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) cho hay: “Giai đoạn cà phê ra hoa và nuôi quả, lượng mưa rất ít. Cơn bão số 9 vừa rồi gây mưa lớn, gió mạnh cũng làm vườn cây rụng quả rất nhiều. Vì vậy, năng suất năm nay giảm rất mạnh.

Dự kiến, 2 ha cà phê của gia đình chỉ thu khoảng 15 tấn tươi, giảm khoảng 40% sản lượng so vụ trước. Không riêng gia đình tôi, hầu hết các vườn cà phê trong khu vực cũng chung cảnh ngộ. Với mức giá như hiện tại, nhiều hộ không những không có lãi mà còn lỗ vốn”.

Không chỉ cà phê của người dân mất mùa mà cả với các công ty thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Ông Vũ Văn Đại-Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 2-cho biết: “Công ty có 464 ha khoán cho người dân, hiện đã thu hoạch được khoảng 40% diện tích.

Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố thời tiết như mùa mưa đến muộn, mưa ít, ảnh hưởng của bão số 9… khiến năng suất cà phê giảm mạnh so niên vụ trước.

Bên cạnh đó, nhiều diện tích cà phê của Công ty đã già cỗi, xuống cấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất. Dự kiến, vụ cà phê 2020-2021, tổng sản lượng của Công ty chỉ đạt khoảng 6.000 tấn tươi, giảm 20% so  vụ trước”.

Ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-thông tin: “Do ảnh hưởng nhiều yếu tố bất lợi của thời tiết, nên một số vùng cà phê của huyện năng suất giảm so năm ngoái.

Song, cũng có một số khu vực người dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, theo tiêu chuẩn 4C và UTZ, áp dụng công nghệ tưới  nhỏ giọt… năng suất vẫn cao.

Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo ngành Nông nghiệp, chính quyền xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê nói riêng, và nông nghiệp nói chung nhằm thích ứng biến đổi khí hậu”.

Ngoài ra, Tình trạng khan hiếm nhân công thu hoạch cũng nan giải. Những năm trước, đến mùa thu hái cà phê, hàng ngàn lao động từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi... đổ về Gia Lai.

Song, vài năm trở lại đây, các khu công nghiệp mở ra đã thu hút nguồn lao động tại chỗ, cộng với việc người dân Gia Lai đi các tỉnh làm việc khiến các chủ vườn “đỏ mắt” tìm nhân công hái cà phê.

Bà Thu cho biết: “Giờ khó tìm nhân công hái cà phê lắm. Tôi thuê 900 ngàn đồng/tấn, cao hơn 500 ngàn đồng/tấn so năm ngoái, nhưng tìm không ra người.

Nhiều người đến nhận, dạo một vòng thấy cà phê ít quả, lại bỏ đi vì sợ ngày công thấp. Nhìn cà phê chín rụng đầy gốc mà thấy xót, nếu thu hoạch không kịp, sẽ ảnh hưởng đến chăm sóc, năng suất trong vụ tới”.

Nhân công khan hiếm nên nhóm của anh Kpuih Thế (thôn Plei Thơ Ga A, xã Chư Don, huyện Chư Pưh) gồm 10 người đến huyện Chư Prông hái  thuê hơn 10 ngày nay khá “đắt hàng”.

Anh Thế cho hay: “Những ngày qua có nhiều người gọi điện, thậm chí tìm đến để thuê nhưng chúng tôi đã nhận hái cho các hộ quen biết từ vụ trước, với mức 900 ngàn đồng/tấn.

Nếu vườn sai quả, mỗi ngày nhóm hái được khoảng 2,5 tấn tươi, chia đều mỗi người được hơn 200 ngàn đồng. Hái xong chỗ này, chúng tôi đi chỗ quen khác, hết mùa cà phê mới về nhà”.

Năng suất cà phê giảm, giá nhân công tăng trong khi giá bán giữ nguyên khiến người trồng không có lời, thậm chí lỗ. Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Năng suất cà phê năm nay giảm, nguyên nhân do nắng hạn kéo dài dẫn đến vườn cây bị suy kiệt, kém phát triển.

Cùng với đó, giá cà phê những năm qua khá bấp bênh, người dân gặp khó nên đầu tư chăm sóc vườn cũng giảm, dẫn đến năng suất thấp. Những năm tới, bên cạnh giữ ổn định diện tích, tỉnh sẽ tái canh cà phê, sử dụng các giống năng suất, chất lượng cao, đầu tư thâm canh tăng năng suất.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp sẽ cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: tưới tiết kiệm nước, xây dựng chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ, chế biến sâu sản phẩm cà phê...

Định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, VietGAP để cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Gia Lai để xuất khẩu sang châu Âu”.

Lâm Đồng: Hàng trăm Đoàn viên thanh niên tham gia ''Đổi công thu hái cà phê''

Cùng với huyện Di Linh, Bảo Lâm là 1 trong 2 địa phương có diện tích cà phê lớn nhất Lâm Đồng, với hơn 38.000 ha. Hiện, người dân đang thu hoạch cà phê năm 2020 – 2021.

 

đoi-c-9.jpg

Đoàn viên, thanh niên huyện Bảo Lâm tham gia mô hình “Đổi công thu hái cà phê” giúp nông dân.

 

Trong khi giá cà phê thấp, giá nhân công thu hái cao 300 – 350 ngàn đồng/ngày, hoặc 1.000 – 1.200 đồng/kg (hái khoán kg). Vì vậy, Huyện Đoàn Bảo Lâm đã triển khai mô hình “Đổi công thu hái cà phê” tới các tổ chức Đoàn xã, thị trấn, thu hút hàng trăm đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia. 

Anh Lê Thái Sơn – Phó Bí thư Huyện Đoàn Bảo Lâm, cho biết: Sau gần 2 tuần triển khai, Mô hình “Đổi công thu hái cà phê” đã được tổ chức Đoàn tại nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả như Lộc Thành, Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Ngãi, Lộc Lâm… thu hút hơn 500 ĐVTN tham gia.

Qua đó, giúp người dân giảm đáng kể chi phí, thu hái đúng thời vụ. Ngoài ra, còn thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong mùa thu hoạch cà phê; xây dựng tình đoàn kết, giúp đỡ nhau của tuổi trẻ địa phương.

Cùng với việc đổi công thu hái cà phê, các bạn trẻ còn giúp thu hái cà phê miễn phí cho các gia đình khó khăn, gia đình chính sách, người già neo đơn.

ĐắK Nông: Thu nhập khá nhờ trồng xen cam canh trong cà phê

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, ông Lê Văn Tươi, thôn Quảng Hợp, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đã đưa các loại cây ăn quả như cam, bưởi để trồng xen canh vào vườn cà phê. Mô hình bước đầu đem lại hiệu quả, giúp tăng thu nhập, được nhiều hộ học tập, áp dụng.

 

xen-cf-36.jpg

 Trồng xen cây ăn quả trong cà phê cho thu hoạch cao.

 

Đến vườn cà phê của ông Tươi, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi xen giữa  cà phê là màu vàng tươi của những cây cam trĩu quả. Theo ông Tươi, từ năm 2015, khi đến xã Quảng Sơn lập nghiệp, ông đã mua đất có sẵn cà phê để tiện việc canh tác, có ngay nguồn thu nhập.

Tuy nhiên, không dừng lại ở việc chăm sóc cà phê, ông bắt đầu trồng xen 300 gốc cam canh vào vườn cây. Giống cam canh được ông đặc biệt chọn lựa cẩn thận, đem từ quê Hưng Yên vào.

Ông Tươi cho biết: "Khi thấy giá cà phê lên xuống thất thường, không ổn định, tôi quyết định trồng xen thêm cây cam canh để có nguồn thu ổn định. Việc trồng xen cam canh vào cà phê cũng giúp cây dễ phát triển nhờ được che chắn gió, tiết kiệm công chăm sóc, phân bón".

Ông Tươi còn học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc từ các nhà vườn ở Hưng Yên, Lâm Đồng và qua tài liệu. Sau 3 năm, 300 gốc cam canh đã bắt đầu cho thu hoạch.

Mỗi cây đạt năng suất 50-70 kg trái, có giá bán 25.000 – 35.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu khá.

Hiện tại, vườn cam đang đã thu vụ thứ hai. Từ hiệu quả 300 gốc cam, ông Tươi còn trồng thêm 700 gốc nữa, cộng với 1.000 cây cam Vinh, 2.000 cây bưởi.

Theo ông Tươi: "Trồng cam đầu tư không cao, quan trọng phải học hỏi kỹ thuật:  điều hòa sinh trưởng, thời điểm khoanh gốc, kỹ thuật tỉa cành… Nếu chăm sóc không đúng kỹ thuật cam sẽ không ra trái hoặc rụng trái non, quả không đẹp, không ngọt".

Thấy ông có nguồn thu khá từ cây ăn quả, nhiều người đã đến học tập. Ông không giấu nghề, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chăm sóc cây ăn quả cho bà con.

Đến nay, ông đã hỗ trợ 5 hộ trên địa bàn trồng cây ăn quả với diện tích gần 10 ha.

Mô hình trồng xen cây ăn quả trong cà phê của ông Tươi cho hiệu quả kinh tế khá, là hướng phát triển tốt bà con có thể học hỏi áp dụng.

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top