“Khuyến cáo chuyển đổi cây trồng vùng thiếu nước tưới vào thời điểm cuối mùa vụ; các địa phương cần phải điều chỉnh lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa một cách linh hoạt nhằm đảm bảo năng suất và sản lượng…”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Hội nghị thông qua báo cáo sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, vụ mùa 2020 và kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; đánh giá tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất trồng trọt trong mùa khô 2020 - 2021 và giải pháp phòng chống hạn cho sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021; tình hình sâu bệnh hại vụ hè thu, vụ mùa 2020 và dự báo sâu bệnh vụ đông xuân 2020 - 2021, các biện pháp phòng chống; diễn biến khí tượng thuỷ văn trong vụ hè thu, vụ mùa 2020 - 2021 và dự báo vụ đông xuân 2020 - 2021. Theo đó, tình hình thời tiết vụ hè thu, vụ mùa năm 2020 diễn biến bất thường, nắng nóng, khô hạn xảy ra gay gắt ngay đầu vụ trên diện rộng tại hầu hết các tỉnh thành Duyên hải Nam Trung và Tây Nguyên. Từ đó đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất một số cây trồng cũng như một số diện tích đất lúa hè thu ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Ninh Thuận, Phú Yên… Kết quả sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020, tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 300.600 ha, giảm 19.600 ha; năng suất bình quân đạt 65,76 tạ/ha, tăng 0,53 tạ/ha; sản lượng ước đạt gần 2 triệu tấn, giảm 112.000 tấn so với vụ đông xuân 2018 - 2019. Tổng diện tích gieo trồng vụ hè thu năm 2020 ước đạt 162.000 ha, giảm 17.000 ha; năng suất ước đạt 60,97 tạ/ha, tăng 1,04 tạ/ha; sản lượng ước đạt 987.000 tấn, giảm 85.000 tấn so với vụ hè thu năm 2019. Tổng diện tích gieo trồng vụ mùa năm 2020 ước đạt 266,8 ha, giảm 5.300 ha; năng suất ước đạt 52,47 tạ/ha, tăng 1,09 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1.400 tấn, tăng 2.000 tấn so với vụ mùa năm 2019.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, tổ chức các hội nghị trực tuyến, ra các văn bản, chỉ thị để chỉ đạo; đồng thời lãnh đạo bộ và các cục thường xuyên thăm đồng, kiểm tra chỉ đạo sản xuất tại một số địa phương. Tỉnh ủy, UBND các tỉnh quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt. Các cấp ủy, chính quyền địa phương và nông dân đã nỗ lực vào cuộc, cố gắng trong điều kiện vừa sản xuất vừa chống dịch Covid-19. Chính vì sự phối hợp chặt chẽ các cơ quan thuộc bộ và các địa phương trong công tác nắm bắt tình hình, chỉ đạo sản xuất, đưa ra các giải pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả góp phần chủ động trong khắc phục diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết, đại dịch và đảm bảo kế hoạch sản xuất.
Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hoà, cho biết, khánh Hòa có tổng diện tích gieo trồng trên 100.000 ha, cây hàng năm trên 80.000 ha; trong đó diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 45.000 ha, sản lượng trên 260.000 tấn. Riêng năm 2020, do tình hình hạn hán nghiêm trọng, diện tích trồng lúa còn 33.000 ha, sản lượng 195.000 tấn; cây mía diện tích 16.000 ha; cây lâu năm khoảng 25.000 ha; diện tích còn lại là cây công nghiệp và các loại cây ăn quả khác... Mặc dù chỉ chiếm tỉ trọng không lớn với 10,56% (năm 2019) trong cơ cấu tổng giá trị sản xuất hàng năm của tỉnh nhưng ngành Nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong việc ổn định an sinh xã hội. Tỉnh có hơn 60% dân số đang sinh sống và làm việc ở khu vực nông thôn, miền núi và thu nhập chính từ lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển những cây, con mà địa phương có thế mạnh. Tỉnh đã thực hiện có hiệu quả đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2016 - 2020. Sau 4 năm, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 3.865 ha, trong đó có 852 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, không chủ động nước sang cây hàng năm khác và 3.013 ha đất trồng cây khác sang trồng cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Tỉnh đã hình thành và mở rộng 3 vùng chuyên canh lớn: 6.000 ha xoài ở huyện Cam Lâm, 1.600 ha sầu riêng huyện Khánh Sơn, 600 ha bưởi huyện Khánh Vĩnh; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, xóa đói giảm nghèo nhất là ở những vùng đặc biệt khó khăn.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.