Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 2 tháng 3 năm 2020 | 20:37

Nâng cao hiệu quả đầu tư nguồn vốn để gia tăng năng lực TC của BHTGVN

Năng lực tài chính, mà cụ thể là mức vốn hoạt động cần thiết của tổ chức BHTG là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng hoạt động của tổ chức đó.

unnamed.jpg

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Với những đặc thù như vậy, đòi hỏi BHTGVN cần có năng lực tài chính đủ mạnh, tương xứng với quy mô và tốc độ phát triển của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG).

Năng lực tài chính là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng hoạt động

Năng lực tài chính, mà cụ thể là mức vốn hoạt động cần thiết của tổ chức BHTG là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng hoạt động của tổ chức đó. Việc đảm bảo nguồn vốn hoạt động giúp tổ chức BHTG kiểm soát tốt yêu cầu vốn và lập kế hoạch đầu tư hiệu quả; cung cấp nguồn tiền sẵn có phục vụ chi trả kịp thời và đảm bảo an toàn tiền gửi của người gửi tiền, củng cố niềm tin công chúng.

Theo quy định của Luật BHTG, nguồn vốn hoạt động của BHTGVN bao gồm: Vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng do ngân sách nhà nước cấp; nguồn thu từ phí BHTG; nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi (NVTTNR); và các nguồn thu khác. Như vậy, nguồn vốn hoạt động của BHTGVN được hình thành chủ yếu từ nguồn thu phí BHTG và nguồn thu từ hoạt động đầu tư NVTTNR hàng năm. Trên thực tế, sau khi để lại hạn mức dự phòng chi trả tiền bảo hiểm và mức vốn đảm bảo cho chi hoạt động, toàn bộ NVTTNR đã được BHTGVN đem đầu tư để sinh lời và tăng quy mô quỹ BHTG. Do đó yêu cầu quan trọng nhất của hoạt động đầu tư là phải đảm bảo nguyên tắc an toàn và phát triển vốn.

Đối với tổ chức BHTG, đầu tư NVTTNR hiệu quả không chỉ giúp bảo toàn và duy trì giá trị thực của nguồn vốn mà còn giúp nâng cao năng lực tài chính để bảo đảm thanh khoản cho dự phòng chi trả BHTG, xử lý và tham gia hỗ trợ quá trình tái cơ cấu các TCTD. Tổ chức BHTG có năng lực tài chính đủ mạnh là tổ chức có đủ nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu chính sách công về BHTG và thực hiện đầu tư nhằm bảo toàn và phát triển vốn. Như vậy, vốn là điều kiện cần cho hoạt động đầu tư giúp gia tăng nguồn vốn và củng cố năng lực tài chính của tổ chức BHTG.

Hoạt động đầu tư NVTTNR của BHTGVN được triển khai ngay từ khi thành lập, và thực hiện đầu tư vào các danh mục theo quy định ở từng thời kỳ. Cụ thể:

Trước năm 2013, danh mục đầu tư của BHTGVN gồm: Trái phiếu Chính phủ (TPCP); tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN); gửi tiền tại Kho bạc Nhà nước và NHNN; gửi tiền, mua trái phiếu, tín phiếu của các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước và các Ngân hàng TMCP được NHNN xếp loại A. Trong giai đoạn này, NVTTNR của BHTGVN được đầu tư chủ yếu dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn tại các NHTM (chiếm trên 95% tổng số tiền đầu tư); TPCP chiếm tỷ lệ nhỏ do lãi suất tiền gửi tại NHTM cao hơn lãi suất TPCP.

Từ năm 2013, Luật BHTG có hiệu lực thi hành, danh mục đầu tư gồm: TPCP, tín phiếu NHNN và tiền gửi tại NHNN; NVTTNR của BHTGVN lúc này được tập trung chủ yếu mua TPCP do lãi suất TPCP cao hơn lãi suất tín phiếu và tiền gửi tại NHNN (lãi suất tiền gửi trước đây là 1,2%/năm nhưng từ ngày 1/12/2019 là 0,8%/năm). Xét đặc thù của tổ chức BHTG và quy định của pháp luật, TPCP đang là kênh đầu tư an toàn và duy nhất mang lại hiệu quả cho BHTGVN. Việc đầu tư vào TPCP được thực hiện trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp theo định hướng và quy định của BHTGVN. Việc mua TPCP trên thị trường sơ cấp an toàn nhưng phụ thuộc vào lịch phát hành của Kho bạc Nhà nước; kỳ hạn, khối lượng gọi thầu; diễn biến lãi suất trên thị trường và nhu cầu đầu tư của các NHTM. Trên thị trường thứ cấp, điều kiện để thực hiện đầu tư còn khá chặt chẽ; giá cả trên thị trường không thống nhất; hàng hóa khan hiếm, phụ thuộc vào người bán, nhu cầu và kỳ vọng của thị trường.

Ngoài ra, Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2018 cho phép BHTGVN được mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ theo quyết định của NHNN. Tuy nhiên, Luật Các TCTD sửa đổi chưa được hiện thực hóa do chưa có hướng dẫn và chỉ đạo của NHNN.

Nguồn thu từ hoạt động đầu tư luôn là nguồn thu chủ yếu của BHTGVN

Trải qua 20 năm hoạt động, hoạt động đầu tư NVTTNR đã có những đóng góp tích cực vào việc tích lũy và gia tăng nguồn vốn của BHTGVN: Từ nguồn vốn điều lệ ban đầu được cấp 1.000 tỷ đồng và tăng lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2015, Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của BHTGVN gần 60 nghìn tỷ đồng. Số tiền đầu tư lũy kế hằng năm (giai đoạn 2013-2018) ghi nhận sự tăng trưởng rất ấn tượng với tốc độ tăng trung bình trên 25%. Đặc biệt, nguồn thu lãi từ hoạt động đầu tư NVTTNR hàng năm cũng tăng trưởng tích cực, hỗ trợ đắc lực cho việc quay vòng nguồn vốn để tái đầu tư. Khả năng sinh lời giai đoạn sau khi Luật BHTG có hiệu lực thi hành giảm so với giai đoạn trước khi Luật BHTG có hiệu lực thi hành: Từ mức hơn 11% vào năm 2012 giảm xuống còn khoảng 5-6% vào năm 2018 do có sự thay đổi danh mục đầu tư.

Hàng năm, nguồn thu từ hoạt động đầu tư luôn là nguồn thu chủ yếu của BHTGVN (chiếm trên 99% tổng doanh thu), giúp tích lũy và gia tăng nguồn vốn bên cạnh nguồn thu phí BHTG, góp phần nâng cao năng lực tài chính, thực hiện tốt chính sách BHTG, đồng thời nâng cao tỷ lệ vốn mục tiêu (đạt 0,98% tính đến 30/9/2019). Với năng lực tài chính hiện tại, BHTGVN chưa đủ năng lực để sẵn sàng giải cứu các TCTD có quy mô vừa và lớn, chưa đủ khả năng đối phó với tình trạng rút tiền hàng loạt và có thể cùng NHNN tham gia xử lý khủng hoảng hệ thống ngân hàng. Do vậy, trong thời gian tới BHTGVN cần có kế hoạch cụ thể để tiếp tục nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng cường nguồn vốn cho hoạt động đầu tư và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, cụ thể:

Tăng cường nguồn vốn: Đối với BHTGVN, NVTTNR được sử dụng để đầu tư là nguồn thu phí BHTG và thu khác gồm các khoản đầu tư đáo hạn, thu lãi từ hoạt động đầu tư… Để tăng cường hiệu quả hơn nữa nguồn lực đầu vào từ thu phí BHTG, BHTGVN cần nâng cao chất lượng quản lý phí thông qua việc (i) xây dựng kế hoạch thu phí sát thực tế để đảm bảo công tác tính và thu phí được kịp thời, đầu tư theo quy định và tăng tính hiệu quả; (ii) BHTGVN cần kiến nghị với NHNN quy định và thực hiện chặt chẽ việc gia hạn kiểm soát đặc biệt (KSĐB), tránh kéo dài quá mức thời hạn kiểm soát nhằm trốn tránh việc nộp phí BHTG để không ảnh hưởng đến chính sách phí BHTG và nguồn thu phí của BHTGVN; (iii) Nâng cao chất lượng giám sát, ứng dụng các mô hình giám sát tiên tiến kết hợp kiểm tra tại chỗ, kiểm tra chuyên sâu nhằm phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn và xử lý sai phạm đối với tổ chức tham gia BHTG, nhất là các tổ chức đang trong tình trạng KSĐB; và (iv) Cải tiến quy trình nghiệp vụ, giảm bớt thủ tục không cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức tham gia BHTG và BHTGVN thực hiện tốt trách nhiệm nộp, tính và thu phí.

Quản lý các khoản thu từ đầu tư, theo dõi và quản lý sau đầu tư: Các khoản lãi thu được từ hoạt động đầu tư góp phần không nhỏ trong việc tăng trưởng nguồn vốn. Quá trình đầu tư của BHTGVN do vậy phải đảm bảo được mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn và tăng trưởng doanh thu cao. Việc theo dõi và quản lý vốn sau đầu tư (từ các khoản thu lãi đến các khoản đầu tư đáo hạn) phải được thực hiện sát sao, đảm bảo thu đúng, đủ, đúng hạn gốc lãi vốn đầu tư - cơ sở quan trọng bổ sung nguồn lực tài chính sẵn có để duy trì, thúc đẩy tái đầu tư và quay vòng vốn.

Quản lý chi phí tiết kiệm, hiệu quả: BHTGVN cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, đảm bảo sát thực tế hơn; đồng thời quản lý và giám sát các chi phí hiệu quả, tiết kiệm. Cần xây dựng kế hoạch chi chính xác theo hướng đảm bảo có dự trù và dự phòng tốt nhất nguồn vốn phục vụ đầu tư, tránh để ảnh hưởng đến nguồn tiền nhàn rỗi sẵn có ở từng thời điểm.

Đa dang hóa danh mục đầu tư: BHTGVN cần đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và các văn bản liên quan cho phép được bổ sung danh mục đầu tư: mua, bán trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; mua và bán TPCP nhằm tối ưu hóa danh mục đầu tư; gửi tiền và mua trái phiếu của các NHTM Nhà nước và các Ngân hàng TMCP được NHNN xếp loại A; mua trái phiếu chính quyền địa phương; mua trái phiếu doanh nghiệp...

Lựa chọn thị trường đầu tư linh hoạt, hợp lý: Việc mua TPCP được thực hiện trên cả 2 thị trường sơ cấp và thứ cấp, tuy nhiên tỷ trọng đầu tư trên thị trường sơ cấp luôn lớn hơn (86% so với 14% - tính đến 30/9/2019) vì các điều kiện để đầu tư trên thị trường thứ cấp còn khá chặt chẽ sẽ làm mất cơ hội đầu tư và giảm hiệu quả đầu tư. Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư, BHTGVN cần sửa đổi, bổ sung Quy chế đầu tư theo hướng nới lỏng điều kiện đầu tư trên thị trường thứ cấp để có thể lựa chọn đầu tư linh hoạt giữa 2 thị trường nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, cụ thể: (i) Được phép mua của 3 đơn vị có chào giá tốt nhất trong số các đơn vị chào bán cùng thời điểm, lãi suất của 3 đơn vị có thể chênh lệch nhau từ 1-5 điểm; (ii) nếu đơn vị chào bán có lãi suất chào bán cao hơn lãi suất trúng thầu trên thị trường sơ cấp (cùng mã trái phiếu ở phiên đấu thầu gần nhất) là đủ điều kiện mua.

Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ góp phần tạo nguồn vốn ổn định và tăng trưởng cho hoạt động đầu tư, giúp BHTGVN đầu tư NVTTNR an toàn, hiệu quả và tăng cường hơn nữa năng lực tài chính để thực hiện chính sách BHTG và nhiệm vụ chính trị được giao.

 

 

P.N.V
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top