Nếu Covid-19 kéo dài, người chăn nuôi thua lỗ, nhiều nhà máy sản xuất thức ăn vừa và nhỏ có thể bị phá sản, mất cân đối cung cầu và chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy.
Đây là một trong hai kịch bản dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn và định hướng phát triển ngành chăn nuôi ngày 1/9.
Trang trại chăn nuôi heo của Vissan. Ảnh: Vissan
Ngoài ra, một kịch bản khác cũng được Bộ này đưa ra là người chăn nuôi lỗ nặng, sức mua thị trường giảm dẫn tới nguy cơ ngừng tái đàn dẫn đến nguồn cung thiếu hụt.
Cho rằng 2 kịch bản trên hoàn toàn có thể xảy ra, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi đánh giá, ngành này đang đối diện với muôn vàn khó khăn. Cụ thể, ảnh hưởng của Covid-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng nên giá vật tư đầu vào của sản xuất tăng cao, đặc biệt là giá nguyên liệu thức ăn, làm cho giá thành sản phầm chăn nuôi tăng rất cao.
Với các nhà máy, cơ sở sản xuất, giết mổ, chế biến theo ông Trọng đang có tình trạng ngưng sản xuất vì thiếu hụt lực lượng lao động do bị nhiễm Covid-19. Các chuỗi cung ứng vật tư đầu vào cũng như phân phối sản phẩm đầu ra bị gián đoạn, do đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống hay các cửa hàng thực phẩm...
Ngoài việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, theo Cục, khâu lưu thông khiến ngành này "khó chồng khó". Nhiều sản phẩm quá lứa, ứ đọng sản xuất nên người nuôi khó tái đàn.
Theo đó, giá tiêu thụ sản phẩm rất thấp đặc biệt là gà công nghiệp trắng khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ dao động 6.000-10.000 đồng một kg (giá thành 27.000-29.000 đồng một kg). Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn nuôi gà công nghiệp trắng chỉ tiêu thụ khoảng 5-10%, và 50% số gà này quá lứa trên 3,8 kg một con; gà lông màu tiêu thụ được khoảng 50-70%, lợn tiêu thụ khoảng 70-80%.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, Nghệ An, Phú Thọ... cũng cho rằng, khó khăn đang bủa vây ngành chăn nuôi tại các tỉnh này. Ngoài những vướng mắc trong sản xuất và tiêu thụ, khâu lưu thông đang khiến doanh nghiệp tăng chi phí và ách tắc hàng hoá.
Hiện một số địa phương vẫn chưa thống nhất với quy định về lưu thông hàng hoá. Nhiều nơi còn quy định người ngồi trên phương tiện vận chuyển bắt buộc phải có kết quả phân tích PCR, không chấp nhận test nhanh, và chỉ chấp nhận kết quả trong 24 hoặc 48 giờ. Nhiều cơ sở thực hiện '3 tại chỗ' thì thiếu lao động trầm trọng do người lao động lo ngại dịch bệnh nên nghỉ làm.
Trước những thách thức trên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho rằng, ngành này đang đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung, khả năng sẽ xảy ra sớm hơn vào 3 tháng cuối năm nay.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi đưa ra loạt giải pháp. Trong đó, ông đề nghị các cơ quan chức năng tổ chức kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã, trang trại, công ty chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có nhanh và mạnh hơn.
Song song đó, đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, đẩy mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Trước mắt, là trang bị thêm xe bán hàng lưu động để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, đồng thời đảm bảo yêu cầu phòng dịch; nghiên cứu mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối. Uu tiên tiêm phòng vaccine Covid 19 cho các đối tượng hoạt động trong ngành chăn nuôi...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, nếu không có lưu thông, phân phối, công sức của nông dân sẽ uổng phí. "Họ sẽ ngưng tái đàn và nguồn cung sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Do đó, cần kết nối tạo đầu ra cho nông dân và giúp họ tăng giá trị nông sản, thực phẩm", ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chăn nuôi cần vay vốn để tái sản xuất và duy trì kinh doanh cần có phương án cụ thể để Bộ tổng hợp. Sắp tới, Bộ này sẽ có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước để đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.