Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 6 năm 2018 | 14:11

Ngành mía đường bao giờ hết “đắng”?

Trong bối cảnh thị trường đường thế giới được dự báo cung tăng nhanh hơn cầu, giá đường trên sàn giao dịch liên tục giảm, tiêu thụ đường trong nước chậm, đường nhập lậu chưa được chặn, nông dân và DN mía đường trong nước đang đối mặt với cảnh thua lỗ.

tr7.jpg

Nông dân Cù Lao Dung thu hoạch mía. Ảnh: Trung Hiếu

 

Trước bối cảnh hội nhập, đòi hỏi ngành mía đường trong nước phải nỗ lực và tích cực tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh. Theo giới phân tích, bên cạnh thách thức thì mía đường Việt Nam có cơ hội tăng trưởng rất lớn trong thời gian tới, nhưng trước hết, để “trụ vững”, doanh nghiệp trong lĩnh vực mía đường phải có tiềm lực mạnh.

“Vị đắng” mía đường

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, bước sang tháng 5/2018, đã có ít nhất 10 nhà máy đường kết thúc niên vụ sản xuất 2017-2018, 4 nhà máy đường đã ngưng hoạt động do sản xuất kinh doanh không hiệu quả. Và cảnh nhiều nhà máy sẽ tiếp tục đóng cửa là rất gần trong áp lực cạnh tranh khốc liệt.

Thời điểm hiện tại, các nhà máy trong nước đã ép được khoảng 12 triệu tấn mía, sản xuất hơn 1,1 triệu tấn đường. Lượng đường tồn kho của doanh nghiệp khoảng 680.000 tấn (hơn 1/2 sản lượng sản xuất ra), tăng gấp đôi so với cách đây 2 tháng.

Giá thu mía nguyên liệu giữa các vùng có sự chêch lệch khá cao, như: mua tại ruộng ở Bến Tre 800 đồng/kg, Sóc Trăng, Trà Vinh 820 đồng/kg; trong khi đó tại Lam Sơn, Nông Cống (Thanh Hóa) là 1.150 đồng/kg...

Người trồng mía từ vùng đất trù phú phù sa Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đến vùng đất khó Phú Yên, Khánh Hòa đều khóc ròng vì mía nguyên liệu tụt giá, mà kiếm người mua mía cũng khó khăn. Tại Cù Lao Dung, nông dân phải bán mía với giá 500 đồng/kg nhưng công thuê đốn mía đã 200 đồng/kg, tính ra lỗ 2 triệu đồng/ha.

Lý giải về nguyên nhân khiến lượng đường tồn kho cao, ông Hà Hữu Phái, Trưởng đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam tại Hà Nội cho biết, thị trường đường thế giới đang gặp nhiều khó khăn, giá xuống thấp. Lượng đường thế giới tăng cao kỷ lục với 178 triệu tấn, hơn năm ngoái 10 triệu tấn, dư thừa trên 5 triệu tấn so với nhu cầu, khiến giá đường giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

Ngoài những nguyên nhân nêu trên thì ngành mía đường Việt Nam còn vô số khó khăn, bất cập khác như: diện tích nhỏ lẻ, manh mún nên việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn, dẫn đến năng suất, chất lượng kém. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy đường có công suất ép nhỏ, trang thiết bị lạc hậu, làm giá thành sản phẩm tăng lên, gây khó khăn trong việc cạnh tranh với đường của một số nước có thế mạnh hơn.

Nhiều nhà máy đường trong nước phải bấm bụng bán đường tồn kho thấp dưới giá thành sản xuất! Chưa “kết toán” niên vụ sản xuất nhưng chuyện nhiều nhà máy đường đã cầm chắc thua lỗ tiền tỷ. Đây được xem là đỉnh điểm của “vị đắng mía đường” khi bước vào sân chơi hội nhập.

Khó khăn chồng chất

Trong khi đường trong nước ế ẩm, nhiều nhà máy sản xuất đường rơi vào cảnh “sống dở chết dở”, ngành mía đường còn thêm lao đao vì đường lậu, đường giả. Ông Hà Hữu Phái cho biết, ngành mía đường Việt Nam đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn nạn đường lậu. Năm nay, lượng đường sản xuất của Thái Lan khoảng 12 triệu tấn, tăng hơn 2 triệu tấn so với vụ trước. Do lượng đường Thái Lan lớn nên đã xuất lậu sang các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar…

Ngoài đường lậu, thời gian qua, một lượng lớn đường lỏng được nhập khẩu  vào Việt Nam. Hiện, có 3 quốc gia đang xuất khẩu tới 80% lượng đường lỏng vào Việt Nam với thuế suất 0% là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan. Thông thường, đường lỏng Trung Quốc nhập về Việt Nam phải chịu mức thuế 13%, thế nhưng, để “lách” khoản thuế này, đường lỏng Trung Quốc được tuồn qua các nước ASEAN, sau đó mới xuất vào Việt Nam để được miễn thuế.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2015 có 67.384 tấn đường lỏng vào Việt Nam; năm 2016 tăng lên 70.090 tấn; đến năm 2017 tăng vọt lên 89.434 tấn… Điều đáng nói là, loại đường này được bán với giá thấp và khó kiểm soát về chất lượng, không chỉ ảnh hưởng đến ngành mía đường trong nước mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam.

Ông Phái cho rằng, trong bối cảnh đó, Việt Nam lại vẫn ưu ái thuế nhập khẩu đường lỏng, gây thêm khó khăn cho ngành mía đường trong nước. Để giảm bớt khó khăn cho ngành đường, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị cần đưa ra các giải pháp để hạn chế nhập khẩu mặt hàng đường lỏng. Đồng thời, kiến nghị Cục Quản lý Thị trường, Tổ công tác đặc biệt, Ban chỉ đạo 334, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thuộc Ban chỉ đạo 389 Quốc gia triển khai có hiệu quả các giải pháp chống buôn lậu hàng giả, gian lận thương mại mặt hàng đường.

Đâu là cơ hội?

Mặc dù ngành mía đường đang chịu nhiều áp lực về giá cũng như vấn đề tiêu thụ, thế nhưng, trong Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt, cơ quan này không chỉ đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, tận dụng các phế phẩm để sản xuất điện, cồn, phân vi sinh… mà còn từng bước tiến tới xuất khẩu.

Trong đó, mục tiêu toàn ngành đến năm 2020, sản xuất ổn định 300.000ha mía, đạt sản lượng trên 20 triệu tấn, cho sản lượng đường 2 triệu tấn. Đến năm 2030, toàn ngành giữ ổn định diện tích nhưng năng suất được tăng lên với mục tiêu đạt sản lượng 24 triệu tấn mía, cho sản lượng đường 2,5 triệu tấn.

Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, cần đặc biệt quan tâm chú trọng đến giải pháp về giống. Phấn đấu đến năm 2020, đảm bảo 100% diện tích mía được trồng bằng giống từ cơ sở nhân giống của doanh nghiệp chế biến mía đường cung cấp.

Bên cạnh đó, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, cần xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu; theo dõi chặt chẽ tình hình cung - cầu để đề xuất biện pháp điều hành sản xuất, tiêu thụ đường phù hợp, hiệu quả. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà máy, công ty mía đường liên kết xây dựng các bạn hàng chiến lược, xây dựng thương hiệu, nhãn mác hàng hóa và tăng cường xúc tiến thương mại mía đường.

Mặt khác, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cần thực hiện mối liên kết, chia sẻ lợi ích giữa sản xuất với tiêu dùng, giữa sản xuất với lưu thông phân phối, nhằm giảm chi phí trung gian, người tiêu dùng được hưởng lợi với giá tiêu dùng hợp lý. Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện các hình thức liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp sản xuất với thương nhân, thương gia sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp, thương gia bán lẻ dưới hình thức hợp tác đầu tư, mua bán sáp nhập, liên doanh liên kết.

Theo các chuyên gia lĩnh vực mía đường, một trong những thuận lợi đối với ngành đường Việt Nam là, cơ cấu dân số trẻ và mức tiêu thụ đường bình quân tại Việt Nam mới là 16kg đường/người/năm, thấp hơn so với Thái Lan là 37kg đường/người/năm, Indonesia 23kg đường/người/năm, Philippines 25kg đường/người/năm; Mỹ 48kg đường/người/năm; EU 38kg đường/người/năm.

Theo dự báo, mức tiêu thụ đường của thị trường Việt Nam đến năm 2026 đạt khoảng 2,6-3 triệu tấn/năm.

Nhưng thị trường sẽ sàng lọc doanh nghiệp mía đường có năng lực cạnh tranh thấp và loại bỏ khâu trung gian trong hoạt động phân phối đường. Làn sóng M&A (mua bán - sáp nhập) nóng dần trong lĩnh vực mía đường để tạo nên những doanh nghiệp lớn, như vậy mới có thể tồn tại, phát triển và có thể cạnh tranh để vững mạnh hơn.

Bài học kinh nghiệm từ việc Vinamilk mua 65% cổ phần của Nhà máy đường Khánh Hòa cần được nghiên cứu vận dụng.

 

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Về làng Sen, xã Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) mùa này, du khách không chỉ thưởng ngoạn sắc hồng của sen. Vẫn lối cũ ấy, nhưng lại được ấp ôm bởi những vườn mẫu, vườn chuẩn NTM, những homestay với mục tiêu chính không phải để kinh doanh mà cốt yếu để tỏ tấm chân tình người dân quê Bác với du khách thập phương...

  • Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

    Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

    OCOP thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn, là hướng đi đúng, kịp thời và nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân.

  • Thanh Hoá dự kiến có thêm 3 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao

    Thanh Hoá dự kiến có thêm 3 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao

    Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hoá thống nhất đề xuất nâng hạng 5 sao đối với 3 sản phẩm OCOP 4 sao từ cây cói của Công ty Cổ phần sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh.

Top