Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 11 năm 2017 | 8:22

Nghệ An cần tăng cường khu tránh trú bão cho tàu thuyền

Năm nay, nước ta có đã có 13 cơn bão, cơn bão số 2 đổ bộ trực tiếp vào Nghệ An, cơn bão số 10 mặc dù không đổ bộ trực tiếp vào Nghệ An nhưng lại thiệt hại rất nặng nề.

Những năm gần đây, số lượng đội tàu đánh bắt xa bờ của Nghệ An tăng mạnh, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền không theo kịp đã tất yếu bộc lộ nhiều  khó  khăn, bất cập

Ngư dân Nghệ An cần nâng cấp các khu neo đậu tàu để tránh bão

Khu neo đậu còn nhiều bất cập

Để tìm nơi tránh trú bão an toàn là điều rất khó khăn, thậm chí còn có nhiều điều tranh dành chỗ neo đậu. Anh Hồ Viết Kỳ-khối  Tân Tiến phường Quỳnh Phương - TX. Hoàng Mai trăn trở, để tìm nơi trú cho con tàu công suất gần 900CV nhiều khi là việc không hề đơn giản, nhất là vào mùa mưa bão. Trước khi bão số 10 vừa qua, do khu neo đậu của phường bị  cản trở bởi chiếc cầu Cờn nên  tàu của anh  phải đậu ngay đầu cửa lạch, dù vẫn biết đó là vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu có gió giật trên cấp 10. “Tàu đông, khu neo đậu chật nên phải đậu ép sát vào nhau. Gặp gió bão mạnh, bị va đập nên tàu bị hỏng hóc khá mạnh phải sửa chữa, hiện tôi đã bị chậm mất 5 ngày so với lịch trình đi biển”.

Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi, huyện Quỳnh Lưu, mặc dù đã được đầu tư nâng cấp cải tạo nhưng vài năm nay, sự phát triển nóng đội tàu đánh bắt xa bờ của huyện đã gây áp lực rất lớn cho việc neo đậu khi bão đến. Bên cạnh đó, cầu Sơn Thọ được xây dựng cũng khiến cho tàu công suất lớn không thể vào tránh trú tại khu vực neo đậu. Ngay trong cơn bão số 10 vừa  qua  hàng trăm chiếc tàu công suất lớn đã buộc phải neo trú ngay tại cửa lạch, rất nhiều tàu bị hư hỏng do va đập.

Ông Trần Văn Hùng, chủ tịch UBND xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Bình thường việc tránh trú bão đã khó khăn, vào mùa mưa bão càng áp lực, nếu gặp gió trên cấp 10 tàu sẽ rất dễ bị lật. Để có thể đảm bảo an toàn, chúng tôi buộc phải tuyên truyền các chủ tàu dỡ bỏ một phần thiết bị để đỡ chật chội.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu thông tin, năm 2016 đến nay trên địa bàn huyện đã đóng mới 40 tàu công suất 700-1000 CV, tăng trưởng khoảng 25% so với đầu năm 2016, nâng tổng số tàu thuyền toàn huyện lên gần 1.300 cái, trong đó gần 700 tàu công suất lớn.

Theo ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, trước sự phát triển nóng tàu công suất lớn như hiện nay, năng lực của khu neo đậu tránh trú bão mới chỉ đáp ứng 50% lượng tàu thuyền. Để  giảm áp lực bến bãi, đảm bảo an toàn khu neo đậu tránh trú bão, địa phương đang xây dựng hệ thống kè để mở  rộng diện tích cảng Lạch Quèn; nạo vét khu neo đậu Lạch Thơi, với tổng kinh phí 50 tỷ đồng. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Chú trọng và nâng cấp hệ thống hạ tầng nghề cá

Nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền cũng  là một trong những giải pháp giúp ngư dân vươn khơi bám biển

Đến năm 2020 Nghệ An sẽ phấn đấu có lượng  tàu thuyền đánh bắt xa bờ, chiếm  gần 30% tổng lượng tàu thuyền. Điều đó cũng có nghĩa, áp lực về nơi tránh trú sẽ càng tăng. “Đón đầu” tất yếu đó, những năm qua, Nghệ An là một trong những địa phương nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà nước trong đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng nghề cá. Các dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Cửa Hội, Nâng cấp cảng cá Lạch Vạn… là những công trình khi hoàn thành đã giải quyết được rất nhiều vấn đề, như tạo điều kiện để tàu lớn ra vào được dễ dàng, sản phẩm đánh bắt được bảo quản tốt.

Ngoài ra, một số khu neo đậu khác như Cảng cá Lạch Quèn, Lạch Cờn, khu neo đậu tránh trú bão Lạch Quèn, Lạch Vạn cũng đã được đầu tư xây dựng.

Theo ông Vũ Tuấn Dũng, phó chủ tịch UBND TX. Hoàng Mai, địa phương đang được tỉnh cho đầu tư nâng cấp cảng Lạch Cờn và khu neo đậu tránh trú bão với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành. “Tuy nhiên, hiện rất nhiều tàu công suất lớn của Hoàng Mai vẫn đang phải tránh trú tại Thanh Hoá và một số tỉnh phía Nam, chúng tôi đang đề nghị tiếp tục được hỗ trợ nạo vét cảng Lạch Cờn và một đoạn khúc sông Nhà Lê, tạo điều kiện để đội tàu này có thể tránh trú bão ở địa phương”, ông Vũ Tuấn Dũng cho hay.  

Nghệ An hiện có 3 cảng cá và 6 bến cá với tổng công suất đáp ứng gần 25 nghìn lượt tàu/năm. Đây là nơi thường xuyên neo đậu của tàu thuyền khai thác hải sản, nhiều cảng cá đã được đầu tư xây dựng cầu cảng và kè bờ. Tuy nhiên, do nhu cầu nguồn vốn quá lớn, trong khi ở các vùng biển đều có đặc thù đất đai chật hẹp, luồng lạch thường xuyên bồi lắng… nên nên để đáp ứng tốt nhu cầu của tàu thuyền ra khơi vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, giám đốc BQL Cảng cá Nghệ An, hầu hết các cảng cá trên địa bàn đều khá nông, diện tích nhỏ trong khi đội tàu có công suất lớn lại khá lớn và ngày càng tăng theo xu thế phát triển đánh bắt xa bờ. Số lượng tàu cá của Nghệ An không phải nhiều nhất nước nhưng công suất bình quân lại lớn nhất, thời vụ đi biển lại tập trung nên thường xuyên gây ra tình trạng dồn ứ.

Ông Trần Hữu Tiến, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An, phụ trách thủy sản và an toàn vệ sinh thực phẩm cho hay: Theo kế hoạch đầu tư của TW và của tỉnh, cùng với việc tiếp tục nâng cấp và hiện đại hoá các cảng cá và bến cá, đến năm 2020 Nghệ An sẽ có 4 cảng cá và năm 2030 có 5 cảng với tổng chiều dài cầu cảng khoảng 4.560m. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục nâng cấp các bến cá hiện có, đến năm 2020 giữ ổn định 10 bến với tổng công suất đáp ứng là 105.000 lượt/năm. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống khu neo đậu tránh trú bão, nạo vét hệ thống luồng lạch trong toàn tỉnh để đến năm 2020 đảm bảo cho tàu cá có công suất 1.500 CV ra vào thuận tiện.

Sỹ Thăng

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top