Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 23 tháng 9 năm 2019 | 22:9

Nghệ An: Khắc phục cảnh báo của EC, gỡ “Thẻ vàng” khai thác hải sản

Ủy ban châu Âu sẽ quay lại kiểm tra quá trình khắc phục các khuyến nghị, để xem xét gỡ thẻ vàng, hoặc nâng mức cảnh báo lên thẻ đỏ, đối với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An, đã họp bàn giải pháp, tăng cường việc thực hiện một số nhiệm vụ, để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

 

the-69691.jpg

 Nghệ An đang tập trung mọi nỗ lực, để  gỡ bỏ Thẻ vàng, trong hoạt động khai thác hải sản. Ảnh: Phú Hương

 

Như vậy là, đã sau 2 năm, kể từ ngày Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), của Việt Nam và đưa ra 9 khuyến nghị chính thức, để Việt Nam triển khai, nhằm cải thiện công tác quản lý nghề cá.

Thời gian thực hiện 16 tháng, kể từ khi EC kiểm tra, và đề nghị Việt Nam tiếp tục khắc phục 4 nhóm khuyến nghị, để chống khai thác IUU gồm: Khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật; truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, đến nay, Nghệ An đã đạt được một số kết quả tích cực.

Đó là, bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích cực, về mặt ý thức chấp hành của ngư dân, trong hoạt động khai thác thủy sản. Công tác phối hợp giữa các đơn vị được tăng cường, thường xuyên giám sát tàu cá ra, vào tại các cửa lạch/cảng cá; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Qua đó, đã kiểm soát chặt chẽ hoạt động nghề cá, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, và không theo quy định của tàu cá trong tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra. Ngư dân vẫn sử dụng các phương pháp khai thác mang tính hủy diệt, làm ảnh hưởng tới môi sinh, khai thác sai vùng, tranh chấp ngư trường.

Mặt khác, ý thức và năng lực của ngư dân trong chấp hành các quy định của nhà nước còn hạn chế; công tác kiểm tra thực tế, cấp giấy phép khai thác thủy sản… chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt là sự vào cuộc của chính quyền cấp huyện, xã chưa quyết liệt, công tác phối hợp chưa cao.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng, nêu rõ: Theo dự kiến, tháng 11/2019, Ủy ban Châu Âu sẽ quay lại kiểm tra, quá trình khắc phục các khuyến nghị, trên cơ sở đó, sẽ xem xét để gỡ thẻ vàng, hoặc nâng mức cảnh báo lên thẻ đỏ, đối với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam.  

Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, và cấp ngành liên quan, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân.

Tăng cường sự phối hợp trong kiểm tra, giám sát  việc ra vào cửa lạch của các tàu cá, cũng như tuần tra, kiểm soát hoạt động nghề cá, tại các vùng cửa sông, lạch trên biển, và xử lý nghiêm các vi phạm.

Tập trung cao nhất, để khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, góp phần vào nỗ lực gỡ bỏ thẻ vàng, trong hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam.

Hà Tĩnh: Vào mùa, chim trời lại bày bán la liệt ở chợ quê  

Mới đầu mùa thu, nhưng hiện nay, một số vùng chợ quê ở Hà Tĩnh, đã xuất hiện tình trạng, các loại chim như: cò, cói, vạc.. được bày bán la liệt, và trở thành món hàng đắt khách.

 

chim-999.jpg

 Chim trời bị săn bắt mỗi khi vào mùa, khiến cho số lượng bị suy giảm nhanh chóng

 

Tại tuyến tỉnh lộ 22, đoạn đi qua chợ Cầu Trù (xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà) có chừng 8-10 người đang ngồi chào bán chim trời. Các loại chim, hoặc là để cả con còn sống, chưa vặt lông, hai là đã được làm lông sạch sẽ.

Khu vực bán chim này, thu hút đông đúc người đến chọn, mua, trả giá. Qua tìm hiểu, giá cho mỗi cặp cò, cặp cói trung bình khoảng 50.000 đồng, còn vạc thì đắt hơn nhiều.

Số lượng chim bày bán ở khu vực này rất lớn, mỗi người bán hang, ngoài vài ba đôi chim cầm ở tay để chào hang, còn chở theo từng chuồng, mỗi chuồng nhốt vài ba chục con. 

Nhiều người bán hàng cho biết, những chú cò, cói, vạc... được họ săn bắt, ở các vùng bãi ngang ven biển, hoặc, huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân.

Không chỉ ở chợ Cầu Trù, chim trời còn được mang đi khắp các khu chợ khác trong huyện, trong tỉnh, hoặc nhà hàng, quán ăn, quán nhậu để bán.

Có thể nói, tình trạng tận diệt chim trời, thường xuyên được cơ quan truyền thông, và cơ quan chuyên môn, lên tiếng cảnh báo. Tuy vậy, cứ đến mùa, chim tìm về các cánh đồng bãi bồi ven sông, để tránh bão, các “sát thủ” lại vào mùa làm ăn, và các khu chợ lớn, nhỏ lại có thêm sản phẩm đắt hàng.

Sự việc trên cho thấy, dù việc săn bắt chim trời đã bị pháp luật cấm, và đã có chế tài xử phạt, tuy nhiên, các ngành chức năng chưa có giải pháp quyết liệt, để ngăn chặn tình trạng tận diệt chim trời, đảm bảo sự cân bằng cho hệ sinh thái.

Nghệ An: Lại bắt được cá lệch dài 1,6m

Con cá lệch “khủng”, dài 1,6m, nặng 16 kg, do một người dân đánh bắt được trên sông Lam, thuộc địa phận eo Vực Bồng, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông.

 

ca-33.jpg

Con cá lệch 16 kg nặng, do cư dân huyện Con Cuông đánh bắt được, với giá 15 triệu đồng. Ảnh: Bảo Hân

 

Chiều 22/9, một chủ nhà hàng ở thị trấn Con Cuông cho biết, nhà hàng này vừa mua được con cá lệch “khủng” dài 1,6 m, nặng 16 kg, của một người dân đánh bắt được trên sông Lam. Con cá lệch này, được nhà hàng mua với giá, gần 15 triệu đồng.

Cá lệch được xem là đặc sản của vùng miền Tây xứ Nghệ. Thịt của cá lệch bùi và dai, thơm ngon, ít xương, giá trị dinh dưỡng cao, nên được thực khách ưa chuộng, mua với giá cao từ 900.000 - 1 triệu đồng/kg.

Cá lệch là loài cá nước ngọt có da trơn, thân dài thuôn, mình tròn, đầu có râu dài. Loài cá này thường sống trong các hang, ngách nơi dòng nước chảy xiết. Để bắt được cá lệch lớn, người ta phải dùng câu vương, lưới, hoặc dùng ngạnh để xiên mới bắt được.

Nghệ An: Thả cá thể rùa nặng 11kg về biển  

Đồn BP Quỳnh Thuận, phối hợp với xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, và các cơ quan liên quan, thả cá thể rùa biển quý hiếm về biển.

 

tha-r-6666.jpg

Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu (Nghệ An) phối hợp với ngư dân thả cá thể  rùa về biển. Ảnh: H.T

 

Ngày 21/9, anh Trần Văn Lưu, ngư dân xóm 1 xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, khi đang khai thác thủy sản trên biển, phát hiện 1 cá thể rùa biển nặng 11 kg, trên bãi bồi tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, và đã báo cho Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, bộ đội biên phòng Nghệ An. 

Sau khi tiếp nhận, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, đã phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình ngư dân, tiến hành thả cá thể rùa biển về với tự nhiên. 

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top