Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh khu vực miền Trung bằng hình thức trực tuyến.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tổng năng lực sản xuất nông lâm thủy sản cả nước khoảng 140 triệu tấn/năm, trong đó: Lúa, ngô đạt 48,63 triệu tấn/năm; rau, quả đạt 26,8 triệu tấn/năm; cây công nghiệp lâu năm đạt 4,58 triệu tấn/năm; thịt, sữa đạt 6,5 triệu tấn/năm; trứng đạt 13,8 tỷ quả/năm; thủy sản đạt 8,4 triệu tấn/ năm; gỗ đạt 20,5 triệu m3/năm.
Sản lượng trồng trọt của miền Trung chiếm 20,1% tổng sản lượng cả nước, sản lượng chăn nuôi của miền Trung chiếm 21,2% tổng sản lượng cả nước, sản lượng thủy sản của miền Trung chiếm 22,1% tổng sản lượng cả nước, sản lượng gỗ của miền Trung chiếm 57,5% tổng sản lượng cả nước.
Riêng tỉnh Nghệ An, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tập trung hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với những sản phẩm chủ lực, có lợi thế gắn với việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Bà con nông dân và các doanh nghiệp, HTX đã luôn chủ động xây dựng và quảng bá thương hiệu, áp dụng giống mới, nâng cao chất lượng, mẫu mã, đăng ký sở hữu trí tuệ và dán tem truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân đã sản xuất.
Hiện nay, nhiều sản phẩm đã trở thành thương hiệu nức tiếng gần xa như: Cam Vinh, gừng Kỳ Sơn; dứa Quỳnh Lưu, bò sữa, dê Tân Kỳ, gà Thanh Chương, nước mắm Vạn Phần, nước mắm Quỳnh Dị… Toàn tỉnh, hiện sản lượng cam quýt năm nay ước đạt trên 50.000 tấn; toàn tỉnh có gần 250 ha rau, củ sản xuất VietGAP và theo tiêu chuẩn hữu cơ; 165 nhà lưới, nhà màng với tổng diện tích trên 27 ha. Ngoài ra, nguồn cung sản phẩm thủy sản, chăn nuôi rất chất lượng và dồi dào. Trong 2 năm 2019 - 2020, Nghệ An có 106 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Tuy nhiên, một số sản phẩm nông nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn trong tiêu thụ như: Chè chế biến, các sản phẩm cây có múi (Cam, Quýt) đang vào vụ thu hoạch. Dù đã nỗ lực nhiều giải pháp mở rộng và tìm kiếm thị trường, nhưng tiêu thụ sản phẩm nông sản của Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, nhất là trong thời điểm nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19; nhiều sản phẩm giá trị thấp, xuất bán thô.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đánh giá đây là dịp để các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp của địa phương gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp các tỉnh bạn để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, các đặc sản của địa phương; tạo điều kiện cho các đơn vị, bà con nông dân liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, mong muốn các bộ, ban, ngành Trung ương và các nhà phân phối, bán lẻ lớn hỗ trợ, kết nối đưa nông sản vào các hệ thống phân phối, siêu thị lớn và các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước để nông sản Nghệ An có nguồn tiêu thụ ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm.
Tại Diễn đàn, Bộ NN&PTNT cũng đã đưa ra các giải pháp để cơ cấu lại sản xuất, chế biến và thị trường nông sản theo chuỗi ba nhóm sản phẩm. Thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp theo hướng “Nông dân – Hợp tác xã – Doanh nghiệp – Quản lý nhà nước – Nhà khoa học; Tăng chất lượng – Giảm chi phí – Chế biến sâu – Phát triển thị trường”. Đề xuất xây dựng hệ thống cung ứng nông sản theo chuỗi dựa trên nền tảng logistics hiện đại. Hoàn thiện các chính sách về sản xuất, chế biến, quản lý chất lượng và phát triển thị trường nông sản hài hòa với các cam kết quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài và mở cửa thị trường.
Đối với các địa phương cần xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung được cơ giới hóa đồng bộ, theo nhu cầu và khả năng tiêu thụ của thị trường. Đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao; tăng chế biến từ các phụ phẩm của sản phẩm nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng. Phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic phục vụ nông nghiệp. Phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tại một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản…
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.