Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 1 năm 2021 | 13:37

Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP: Nền tảng thúc đẩy phát triển

Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5% (cao hơn mức khoảng 6% Quốc hội giao).

t11.jpg
Mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5%.

 

Ngay từ những ngày đầu năm mới 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP (NQ 01/2021) về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết 02/NQ-CP (NQ 02/2021) về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây chính là nền tảng thúc đẩy sự phát triển bền vững và  nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Theo đó, Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5% (cao hơn mức khoảng 6% Quốc hội giao).

“Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, cho biết, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Với ý nghĩa như vậy, yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra là rất lớn.

Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực. Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp; yêu cầu cho đầu tư phát triển, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế. Các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, khoa học công nghệ… vừa là thời cơ, vừa là thách thức, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan với những kết quả đã đạt được mà cần phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong năm 2021 và thời gian tới.

Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển của Việt Nam trong năm 2021 (WB dự báo tăng trưởng 6,8%; ADB dự báo 6,3%; IMF dự báo 6,7%, Standard Chartered dự báo 7,8%; Goldman Sachs dự báo 8,1%...). Để hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng như đánh giá của các tổ chức quốc tế, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết 01, 02 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể.

 

Để kịp thời triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 có hiệu quả, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2021 và Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019, 2020), xây dựng Kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể triển khai nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2021 (có thể lồng ghép với Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2021).

Trong đó, xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện và phân công đơn vị chủ trì, ban hành trước ngày 20/1/2021, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để theo dõi.

 

Thông tin về Nghị quyết 01, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Nghị quyết tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Theo đó, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” với 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Những công tác trọng tâm

Về 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành, Chính phủ tập trung chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để phục vụ tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Quyết liệt hành động, có chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ.  Cùng với đó, tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới…

Trong năm 2021, Chính phủ cũng quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển nhanh, bền vững; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế…

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, nhằm tập trung hoàn thành mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể năm 2021 Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp. Theo đó, yêu cầu các đơn vị nêu trên, tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019 và năm 2020).

Đáng chú ý, Nghị quyết 02 yêu cầu tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị theo hướng: Xác định rõ cơ quan, đơn vị đầu mối chủ trì; phân định minh bạch, cụ thể quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đầu mối và các cơ quan, đơn vị phối hợp; tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số; tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều, phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, chúng ta phải có tham vọng thì mới có được các giải pháp phù hợp, vì thế, về quyết tâm tăng trưởng 6,5% trong năm nay là phù hợp. Mặt khác, nhìn vào những hành động của Chính phủ trong thực tiễn năm 2020 cho thấy, nhiều biện pháp mới đã liên tục được Chính phủ bổ sung. Ví dụ, Chính phủ đã có NQ 02/2020 về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19; đến giữa năm, Chính phủ tiếp tục ban hành NQ 68 với phạm vi, đòi hỏi cải cách mạnh mẽ hơn rất nhiều. Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh nhiều lần, khó gấp đôi thì nỗ lực phải gấp ba, gấp bốn.

 

Theo Phó viện trưởng Phan Đức Hiếu, trong bối cảnh hiện nay, để đạt mục tiêu tăng trưởng, việc cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh đặc biệt quan trọng, do đó, điểm mới của NQ 02/2021 là trọng tâm giải quyết tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết một cách triệt để. Tập trung vào những điểm mà DN vướng rất lâu, đơn cử như thủ tục đầu tư. Trong năm 5 gần đây,  việc cải cách đã cơ bản đạt chuẩn quốc tế, nhưng nay vấn đề khúc mắc hơn rất nhiều. Ví dụ một dự án đầu tư trong một số trường hợp có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, vậy thì lợi ích, cơ hội kinh doanh sẽ bị mất đi, chính điều đó là những vật cản và lần này, Chính phủ tập trung giải quyết liên ngành chứ không khu trú một bộ, ngành, một lĩnh vực. Một đơn vị chủ trì, tăng cường sự phối hợp của các đơn vị khác.

Thứ hai, trong bối cảnh của tình hình mới thì vấn đề chuyển đổi số là rất quan trọng. Đây là một cuộc chơi mà chúng ta không thể đứng ngoài. Trước đây, DN “không chơi” thì vẫn còn chỗ để hoạt động, nhưng nay mà đứng ngoài thì sẽ bị đào thải ra khỏi cuộc chơi. Nên trong bối cảnh hiện nay, bắt buộc phải chuyển đổi số. Đây cũng là vấn đề mà Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta không thể không làm, buộc phải làm. NQ 02/2021 có thể coi là nghị quyết về thể chế. Chính phủ xác định rất rõ tiếp tục cải cách các thể chế để thúc đẩy chuyển đổi số.

Thứ ba, đẩy mạnh Chính phủ số, không ai khác, Chính phủ phải là người tiên phong trong vấn đề này. Chính phủ điện tử thì đơn giản là chúng ta gửi một văn bản qua e-mail, nhưng Chính phủ số là mọi sản phẩm, dịch vụ, mọi hoạt động được tương tác trên môi trường số, từ văn bản đến chữ ký đều số. Sau 5 năm, chúng ta đã hoàn thành Chính phủ điện tử, nay buộc phải chuyển sang Chính phủ số. Chính phủ số tạo nền tảng mạnh mẽ, tạo động lực buộc DN phải chuyển đổi. Khi thực hiện Chính phủ số thì cũng tạo ra thị trường cho các DN cung ứng các dịch vụ số, đó chính là sự thúc đẩy và lan tỏa.

Năm 2020, chúng ta chứng kiến đại dịch Covid-19. Vì thế, năm 2021, Chính phủ cũng đặt mục tiêu phòng chống dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu kép. Do đó, trọng tâm thứ 4 của Chính phủ trong năm 2021 là ứng phó với dịch Covid-19. Ở đây có 2 giải pháp vượt tầm của NQ 02 theo thông lệ: Chính phủ nhấn mạnh cải cách thể chế là một trọng tâm để giúp DN linh hoạt hơn trong việc ứng phó với sản xuất kinh doanh. DN có thể mất rất nhiều thời gian để tái cơ cấu, phá sản, mua bán, sáp nhập, chuyển đổi, trong bối cảnh dịch Covid-19 thì điều đó đòi hỏi phải rất nhanh chứ không thể đợi vài năm mới có thể phá sản xong DN.

“Tôi cũng cho rằng, cần tính đến giải pháp dài hơi hơn. Vừa qua, chúng ta mới chỉ tính đến giải pháp hỗ trợ DN giảm thiểu khó khăn với tinh thần chia sẻ, nhưng chúng ta buộc phải tính đến việc kiểm soát khó khăn và hướng đến phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới, bởi không phải cứ khó khăn là chúng ta đóng cửa. Do đó, tôi cho rằng, những giải pháp trong NQ 01 và NQ 02 của Chính phủ ngay đầu năm 2021 là những giải pháp căn cơ, có tính đến dài hạn. Điều đó thể hiện một nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng”, Phó viện trưởng Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

 

Mục tiêu phấn đấu năm 2021 của Chính phủ:

  1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Khoảng 6,5% (kế hoạch năm 2021 Quốc hội giao là khoảng 6%).
  2. GDP bình quân đầu người: Khoảng 3.700 USD
  3. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân: Khoảng 4%
  4. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng: Khoảng 45-47%
  5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội: Khoảng 4,8%
  6. Tỷ lệ lao động qua đào tạo: Khoảng 66% (trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%)
  7. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế: Khoảng 91%
  8. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều: 1 - 1,5 điểm %
  9. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung: Trên 90%
  10. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Trên 87%
  11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: Khoảng 91%
  12. Tỷ lệ che phủ rừng : Khoảng 42%.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top