Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP (Nghị quyết 19) về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Theo nhận định của giới chuyên gia, Nghị quyết 19 năm nay rất khác biệt và có vai trò, tác dụng hoàn toàn thay đổi, tạo được những kết quả triển khai trên thực tế khá tốt, góp phần cơ bản vào cải thiện môi trường kinh doanh của nước ta. Nghị quyết đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng hơn, tạo áp lực hành động lên các bộ, ngành và địa phương cùng thực hiện.
Điểm nhấn mới
Sau 4 năm ban hành và đưa vào thực hiện (bắt đầu từ năm 2014 đến nay), Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh đã đạt được những thành công đáng kể.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những chuyển động tốt hơn, với những cải thiện rõ hơn. Với tiềm năng và dư địa lớn hiện nay, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu tin rằng, Nghị quyết 19/2018 sẽ ngày càng tạo ra được nhiều làn sóng đầu tư, kinh doanh mạnh mẽ hơn.
“Đây có thể nói là một trong số những nghị quyết thiết thực và hiệu quả nhất trong số các văn bản chính sách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Điểm lại kết quả cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh giai đoạn 2014-2017, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết, 4 chỉ số có sự cải thiện mạnh là, tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, tiếp cận tín dụng. Trong khi đó, 4 chỉ số đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giải quyết phá sản doanh nghiệp (DN), khởi sự kinh doanh, phá sản DN đứng cuối bảng xếp hạng không có cải thiện, giảm điểm, tụt hạng hoặc ở vị trí thấp.
Điều đó dẫn đến “bức tranh” cải cách quy định về điều kiện kinh doanh đạt một số kết quả, chuyển động tích cực, nhưng không đồng đều về quy mô, tốc độ và tính quyết liệt. Hiện mới chỉ có Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng đã “vào ga cuối” từ rà soát, đề xuất phương án, đến thực hiện bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh. Nhiều bộ mới qua “chặng đầu”, thậm chí chưa “xuất phát”.
Đây cũng là tình trạng của quá trình cải cách các quy định về kiểm tra chuyên ngành. Hầu hết các bộ, ngành mới tập trung xử lý một số vụ việc cụ thể, gây bức xúc cho DN. Do đó, kết quả đạt được về cải cách quản lý chuyên ngành mới chỉ bước đầu, chưa mang tính hệ thống và còn xa so với mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 19 là giảm 20% số lượng và 50% danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành.
Vì vậy, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Bãi bỏ, đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh chính là một trong những trọng tâm mới của Nghị quyết 19/NQ-CP 2018”.
Những điểm mới trọng tâm
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, từ 2014 đến nay, mỗi năm, Chính phủ đều ban hành một Nghị quyết 19 về việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với các nhiệm vụ, mục tiêu rất cụ thể. Năm nay là năm thứ 5 nên tinh thần của Nghị quyết có được sự kế thừa của các nghị quyết 4 năm trước, mỗi năm lại lên một bậc mới của các vấn đề mang tính trọng tâm. Nghị quyết 19/2018 đặt ra những mục tiêu có tính tham vọng hơn, cụ thể hơn nhưng cũng áp lực hơn để đốc thúc các cơ quan thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
“Nếu nói điểm mới của Nghị quyết 19 theo kiểu mới hoàn toàn từ trước đến nay chưa hề có thì là không có, nhưng mới theo điểm nhấn trọng tâm hơn thì đó chính là hai mảng rất quan trọng, đó là bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và đặt mục tiêu năm nay phải hoàn thành việc bãi bỏ hơn 1 nửa điều kiện kinh doanh hiện nay. Đấy là điểm tưởng rằng dễ dàng nhưng qua thực hiện thì thực sự khó,” TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá.
Lấy dẫn chứng về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung nêu rõ, cho đến hôm nay, đã gần sang tháng Sáu nhưng chỉ có Bộ Công Thương thực sự bãi bỏ khoảng 600 điều kiện kinh doanh, trong khi thực tế chúng ta cần bãi bỏ có trên 2.000 điều kiện kinh doanh và nhiều bộ hiện nay đang “xếp hàng” để ra Nghị định trình Chính phủ ban hành các nghị định liên quan. Thực sự mà nói, về mặt tốc độ tương đối chậm, khi còn hơn 6 tháng nữa là kết thúc năm 2018.
Mặt khác, về mặt nội dung, thực sự có bãi bỏ cái đang cản trở hay không hay là bỏ một cách hình thức? Bãi bỏ số lượng nhưng thực chất của vấn đề là cần chú trọng bãi bỏ thực sự. Đây chính là “điểm nghẽn” trong hoạt động kinh doanh nội địa của DN Việt Nam. Cho nên, Nghị quyết 19/2018 tạo một áp lực rất lớn đối với các Bộ trưởng về mặt thời gian phải hoàn thành bãi bỏ một nửa các điều kiện kinh doanh.
Thứ hai là, yêu cầu về tạo thuận lợi thương mại, trong đó nhấn mạnh tới các hoạt động quản lý kiểm tra chuyên ngành. Chỉ tiêu giảm số lượng kiểm tra thông quan từ 30% xuống còn 10% là rất lớn, đầy tham vọng; bởi để làm được điều này sẽ phải cắt bỏ hơn 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành. Nhưng điều này nếu làm được sẽ giúp DN tiết kiệm được nhiều chi phí, đồng nghĩa là tăng được giá trị gia tăng, tăng được hiệu quả đồng nghĩa với việc đóng góp vào tăng trưởng GDP và nâng cao được năng lực cạnh tranh của các DN.
Thứ ba là phải kết nối cơ chế một cửa, bởi hiện nay số lượng thủ tục được kết nối rất ít so với số thủ tục đang làm, thậm chí còn hiện tượng DN phải vừa làm trực tuyến, vừa làm thủ công khiến chi phí càng gia tăng. Các cơ quan nhà nước vì nhiều lý do vẫn còn “ngập ngừng” trong cải cách vấn đề này, nên Nghị quyết năm nay bắt buộc phải kết nối dịch vụ công ở cấp độ 4, hoàn toàn thông qua điện tử, bỏ các hồ sơ bằng giấy. Phải ép buộc như vậy thì mới hy vọng thay đổi, cải cách.
Cuối cùng, trong khi các Nghị quyết 19 trước, phần trách nhiệm địa phương hơi mờ nhạt thì Nghị quyết 19 năm nay đã nhấn mạnh tới vai trò của địa phương. Nghị quyết có những chỉ dẫn tốt hơn cho địa phương để gắn việc thực hiện Nghị quyết 19 với cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh (chỉ số PCI). Một trong những yêu cầu là thúc đẩy việc đánh giá năng lực cạnh tranh đến các cấp quận, huyện, sở, ban, ngành. Với cách làm này sẽ tạo ra “trên nóng, giữa và dưới ấm”, hy vọng đây là một công cụ đốt nóng từ trên xuống dưới để cùng nhau thực hiện.
Tạo sức ép hành động
Những điểm mới trên đã tạo áp lực cải cách mạnh mẽ để các cơ quan phải thực hiện, nhưng vẫn cần sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan đánh giá độc lập, DN, báo chí… Sức ép luôn nóng thì mới thúc đẩy các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố… hành động, thúc đẩy các bộ phận bên dưới vận động theo. Ngoài ra, theo TS. Cung, nên có một sự thay đổi nữa là nếu cá nhân nào thực hiện không đạt kết quả thì không nên chỉ kiểm điểm mà nên thay thế hẳn bằng người khác, để tạo áp lực tốt hơn cho các khâu ở giữa. Bởi, các khâu ở giữa này mới thực sự là “điểm nghẽn” trong việc thực thi Nghị quyết 19 nói riêng và những vấn đề cải cách khác nói chung.
Đồng quan điểm, Phó viện trưởng Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, về cơ bản, Nghị quyết 19/2018 vẫn giữ mục tiêu như Nghị quyết 19/2017, bởi tuy chúng ta có những cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, chất lượng chỉ số môi trường kinh doanh vẫn chưa bằng mức trung bình của 4 nước ASEAN, do đó, Nghị quyết 19/2018 vẫn tiếp tục những mục tiêu này.
Theo ông Hiếu, điểm mới ở đây là tập trung vào những chỉ số trong các năm qua chưa đạt hoặc chưa tăng hạng, chậm cải thiện hoặc chưa cải thiện như khởi sự doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp hợp đồng. Bên cạnh đó, cũng mở rộng phạm vi cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực cụ thể mang tính lan tỏa như du lịch và logistics… Đối với ngành du lịch, đây là lợi thế của Việt Nam và Chính phủ cũng xác định du lịch sẽ tiến tới là ngành công nghiệp mũi nhọn.
Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là, thay đổi về phương thức quản lý. Nếu như các bộ, ngành chỉ đơn thuần cơ học bãi bỏ các rào cản pháp lý, nới lỏng quy định pháp luật mà không áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến thì sẽ không thực hiện tốt chức năng quản lý của mình. Đặc biệt là ở các địa phương, vai trò của người đứng đầu lại càng quan trọng. Cần phải có cơ chế để các địa phương có sự thay đổi, cạnh tranh tốt hơn, thi đua tốt hơn.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đánh giá cao những đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng DN và các tổ chức quốc tế trong cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Qua kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết 19 giai đoạn 2014-2017, năm nay việc thực hiện sẽ phải khắc phục tình trạng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương và “trên nóng, dưới lạnh” ở ngay trong một bộ, ngành, địa phương.
“Trước đây, chúng ta chỉ tập trung cải thiện những chỉ số chính, nên những bộ, ngành nào liên quan thì có sức ép, động lực để thực hiện như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài chính được nhắc đến rất nhiều, rất nóng. Năm nay, những bộ chưa được chú ý lắm, dù chỉ 1-2 quy định, cũng phải chuyển động mạnh hơn, nóng hơn”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng lưu y: Thực hiện Nghị quyết 19 cần phối hợp chặt chẽ với việc kiểm tra, đôn đốc nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho các bộ, ngành. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành không phải là ra văn bản đúng thời gian, đúng hạn, mà nội dung văn bản đó giải quyết được vướng mắc của DN, người dân. Tinh thần đổi mới phải từ trên gương mẫu xuống. Các bộ, ngành cần sát vào thực tế các địa phương, lựa chọn một số việc giải quyết đến cùng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.