Sau 20 ngày bám biển xuyên Tết, buông mẻ lưới đầu năm ở ngư trường Hoàng Sa, ngư dân miền Trung đã trở về, “hái” đầy lộc biển.
Quảng Nam: Ngư dân đón “lộc biển” đầu năm ở đảo Hoàng Sa
Sau 20 ngày bám biển, khai thác hải sản xuyên Tết, ở biển Hoàng Sa, ngư dân Quảng Nam đã thu được rất nhiều“lộc biển”.
Đó là những mẻ lưới đầy cá ngừ, cá nục, cá dũa... của ngư dân xã Tam Quang, huyện Núi Thành.
Thuyền đầy ắp cá, sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển.
Ngư dân Nguyễn Thanh Tiến, xã Tam Quang cho biết, đã cập bờ bán hải sản sau 20 ngày bám biển ở ngư trường Hoàng Sa. với 15 tấn hải sản loại 1, 2, anh đã bán được hơn 600 triệu đồng, chủ tàu thu được gần 200 triệu đồng, mỗi bạn biển được chia xấp xỉ 15 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.
“Bám biển những ngày Tết dễ thu được luồng cá lớn. Dịp này, do nước lạnh, cá tập trung trú ở các vùng nước sâu ở biển Hoàng Sa. Nhờ có máy dò đứng, máy dò ngang xác định vị trí đàn cá nên chúng tôi vây bắt hiệu quả” - anh Tiến nói.
Nghỉ tay sau khi hăng hái vận chuyển cá lên bờ bán cho tư thương, ngư dân Vũ Thanh Lâm - bạn biển lâu năm trên tàu cá QNa-91327 tỏ ra rất phấn khởi vì chuyến biển đầu năm thắng lợi sẽ mở ra rất nhiều kỳ vọng cho 1 năm mới.
“Chúng tôi bám biển không chỉ vì sinh kế, mà còn là sứ mệnh giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - anh Lâm nói.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Quang, cho biết, bám biển xuyên Tết đã thành truyền thống quý báu của ngư dân trên địa bàn.
Khi tàu cá của ngư dân Nguyễn Thanh Tiến vào bờ, các tàu cá của ngư dân Nguyễn Thanh Thành, Nguyễn Thanh Vương, Huỳnh Văn Khả, Đỗ Nhựt... cũng đang trên đường vào bờ, sau chừng 20 ngày đánh bắt hải sản ở các vùng biển xa.
“Ngày Tết, ngư dân không quản ngại vất vả, bám biển, đón Tết trên biển là sự thể hiện tuyệt vời của tình yêu biển đảo quê hương. Trong thời khắc biển trời giao thoa năm cũ, năm mới, họ là những “cột mốc sống” giữ biển vững vàng” - ông Dũng nói.
Vào ngày 17.12 Âm lịch của năm qua, khi trăng đã bắt đầu lặn, hàng loạt tàu cá của ngư dân Quảng Nam hối hả vươn khơi, mang theo kỳ vọng cá, mực đầy khoang, sản xuất an toàn.
Trên những con tàu, ngoài lương thực, thực phẩm, đá cây, còn có bánh mứt, thịt heo, thịt gà, bánh chưng, giác trầm để cúng biển thời khắc Giao thừa.
Chị Nguyễn Thị Linh - vợ ngư dân Nguyễn Thanh Vương, cho biết, lúc giao thừa là anh Vương dùng Icom tầm xa gọi về nhà, báo đã cúng giao thừa xong, sẵn sàng các công đoạn vây bắt cá tại chỗ, vì đã chọn được tọa độ có luồng cá lớn hoạt động.
“Năm nào chồng con cũng đón Tết trên biển. Ảnh nhắn nhủ về hãy yên tâm. Nghiệp biển của chồng con tôi là vậy” - chị Linh nói.
Là ngư dân gắn bó gần chục năm qua với tàu cá QNa-91327, anh Huỳnh Văn Quảng quen thuộc với các thời khắc đón Tết trên biển. Anh bảo, khi giao thừa, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tiến bật hệ thống liên lạc, mở hết công suất âm thanh, lời Chủ tịch nước chúc Tết toàn quân, toàn dân nghe rất da diết, thấm đượm, kết tinh tình yêu nước.
Đó là động lực để ngư dân luôn gắn bó với biển đảo, không lúc nào nguôi quên nhiệm vụ giữ biển. Sau giây phút lắng đọng đêm Giao thừa, các ngư dân liền tập kết vào từng khu vực của mình, để đồng tâm hiệp lực thực hiện mẻ cá đầu năm mới nhịp nhàng, hiệu quả.
“Ngư dân chúng tôi lao động vào ban đêm, vì thế nghỉ ngơi, trò chuyện vào lúc ban ngày. Đêm giao thừa và rạng sáng năm mới, ai cũng cật lực làm việc và đón nhận thành quả lớn. Cá đầy mẻ lưới khiến ai cũng rộn ràng, vui tươi” - anh Quảng nói.
Ngư dân Nguyễn Thanh Tiến cho biết, ấn tượng sâu đậm nhất khi khai thác hải sản trên biển vào ngày Tết là thấy tàu cá nào cũng rập rờn lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong gió lộng.
Nhờ đó mà ngư dân thấy rất yên tâm, ngỡ như mọi bạn biển, ngư dân cùng ngư trường đều là anh em máu mủ ruột rà.
“Sản xuất ở vùng biển Hoàng Sa vào dịp Tết có rất nhiều tàu cá đủ mọi ngành nghề, từ lưới vây đến câu mực khơi, lưới kéo, lưới rê, lưới chụp. Ngư dân đủ mọi lứa tuổi, địa phương, nhưng hễ thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên biển, là biết cùng chung cội nguồn, đoàn kết cùng giữ biển quê hương, và có sinh kế khấm khá từ vùng biển của mình” - anh Tiến nói.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, thời điểm Tết vẫn còn là vụ cá Bắc của mùa biển động, thời tiết trên biển thất thường nhưng ngư dân vẫn bám biển là rất đáng ghi nhận sự kiên tâm.
Trong năm qua, nhờ triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tiếp sức, đồng hành của các ngành chức năng, sự nỗ lực không ngơi nghỉ của ngư dân, nên sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt mức hơn 90 nghìn tấn, vượt kế hoạch đề ra.
Mặc dù còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản, nhưng tín hiệu vui là ngư dân từng bước tuân thủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Luật Thủy sản.
Đến nay, không có tàu cá nào của Quảng Nam bị bắt giữ, vì vi phạm vùng biển nước ngoài. Để hỗ trợ ngư dân, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai kịp thời, chính sách hỗ trợ nhiên liệu đi và về, của chuyến biển. Đề xuất UBND tỉnh một số chính sách hỗ trợ ngư dân thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề khai thác hải sản, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Quảng Bình: Ngư dân làng biển khôi phục nghề làm bóng mực
Ngư dân làng biển Lý Hòa, xã Hải Phú, huyện Bố Trạch đang tập trung khôi phục nghề làm bóng mực.
Một chiếc bóng mực mới đã được ngư dân hoàn thành
Nghề làm bóng mực làng biển Lý Hòa đã có từ rất lâu, tuy nhiên, trải qua thời gian, do những tác động về mặt khách quan và chủ quan, nên nghề đã dần bị mai một.
Đến nay, nhờ việc kiểm soát tốt hoạt động của các tàu giã cào, nên nhiều ngư dân đã quay lại với nghề làm bóng mực. Để làm bóng mực, người dân sẽ mua tre về ngâm nước, rồi phơi khô một thời gian dài, để chống mối mọt. Sau đó, tre được chẻ thành từng thanh, rồi đan lại với nhau theo dạng hình hộp chữ nhật.
Theo các ngư dân làng biển Lý Hòa, để làm một chiếc bóng mực chỉ mất khoảng 150 ngàn đồng, nhưng có thể dùng được 2 tháng, và cũng rất nhanh thu hồi được vốn, có khi chỉ sau một chuyến biển.
Bên cạnh đó, việc sử dụng bóng để khai thác mực còn góp phần bảo vệ môi trường, ít ảnh hưởng đến việc tái tạo, phát triển hải sản.
Bình Thuận: 50 năm gắn bó với nghề đóng, sửa tàu thuyền đi biển
Mặc dù nay đã bước sang tuổi 77, thế nhưng cụ ông Nguyễn Thám, ngụ khu phố 2, phường Phước Hội, thị xã La Gi (Chủ cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền Ba Thám) vẫn luôn nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh và tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Tuổi ngoại “thất thập cổ lai hy” vẫn nỗ lực trong sản xuất kinh doanh.
Tiếp xúc với cụ Nguyễn Thám, chúng tôi thấy, mặc dù ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông vẫn rất khỏe mạnh, rắn rỏi và nhanh nhẹn.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Duy Xuyên, Quảng Nam, năm 1968, cụ Nguyễn Thám rời quê hương Quảng Nam, về thị xã La Gi lập nghiệp, và sinh sống cho đến tận bây giờ.
Những ngày đầu đặt chân đến vùng đất La Gi, nhận thấy lợi thế về tự nhiên, nghề đóng, sửa chữa tàu thuyền là một trong những nghề khá triển vọng, vì thế, năm 1976, sau một thời gian làm việc, tích lũy vốn, ông đã hình thành cơ sở đóng, sửa tàu thuyền đi biển Ba Thám.
Với phương châm “lấy chữ tín làm đầu”, cơ sở đóng sửa tàu thuyền của cụ lúc nào cũng đông khách đặt hàng, không những ngư dân trong tỉnh, mà ngư dân nhiều tỉnh thành khác như Kiên Giang, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu… đều tìm đến cơ sở của ông .
Theo chia sẻ của cụ Nguyễn Thám thì nghề đóng và sửa chữa tàu thuyền rất vất vả, nặng nhọc, đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu. Chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình làm việc, cũng có thể đe dọa tính mạng của những ngư dân lao động trên biển.
Công việc này đòi hỏi sự tận tâm. Cũng nhờ sự tận tâm và nỗ lực trong nghề, đến nay cơ sở đóng, sửa tàu thuyền Ba Thám của ông đã trở thành một trong những cơ sở có uy tín, góp phần thúc đẩy dịch vụ hậu cần nghề cá, của thị xã La Gi và nhiều tỉnh thành có biển trên cả nước .
Đến nay, trải qua hơn 50 năm, cơ sở của ông vẫn ngày một phát triển. Đã có gần 500 chiếc tàu, với công suất lớn, nhỏ khác nhau được đóng mới tại đây.
Chia sẻ với chúng tôi, cụ Nguyễn Thám cho biết, hai năm trở lại đây, do bà con ngư dân đã dần được trang bị, và sở hữu tương đối đầy đủ tàu thuyền – phương tiện để mưu sinh, nên 2 năm qua, cơ sở của ông chủ yếu sửa chữa là chính.
Hiện, tại cơ sở Ba Thám, có thể tiếp nhận một lúc vài chục chiếc tàu lớn nhỏ, đồng thời, tạo được công ăn việc làm cho hơn 100 lao động, với mức thu nhập ổn định từ 10 -15 triệu đồng người/tháng.
Đa số những người thợ đóng, sửa tàu thuyền tại cơ sở đóng sửa tàu thuyền Ba Thám, đã gắn bó và làm việc khá lâu. Có người làm việc ở đây từ những ngày đầu cho đến tận bây giờ. Những người khác cũng gắn bó tại cơ sở này từ hơn chục năm trở lên.
Không những làm kinh tế giỏi, cụ ông Nguyễn Thám còn làm tốt công tác từ thiện xã hội. Nghe ai đó trong khu phố, trong phường… gặp khó khăn, là ông sẵn sàng giúp đỡ họ từ vật chất, đến tinh thần, tiếp thêm nghị lực để họ vươn lên trong cuộc sống. Nhất là những hoàn cảnh trẻ em mồ côi, người già neo đơn. Nhờ đó, bà con lối xóm, ai ai cũng yêu mến ông.
Dành tất cả thời gian, tâm sức và cả cuộc đời mình với nghề đóng, sửa tàu thuyền, cụ ông Nguyễn Thám không những làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, giúp cho gia đình có cuộc sống ấm no, sung túc, con cái có điều kiện ăn học thành đạt, mà còn tạo niềm vui, sự gắn bó nghề biển của biết bao ngư dân, giúp họ yên tâm “lướt sóng ra khơi”.
Từ đó, đã có những chuyến biển bội thu, mang về những khoang tàu đầy ắp cá, tôm…, thúc đẩy phát triển kinh tế của nhiều địa phương, đồng thời, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, thiêng liêng của Tổ Quốc.
Với những nỗ lực của mình, cụ ông Nguyễn Thám được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, năm 2018, ông vinh dự được Ban chấp hành trung ương hội người cao tuổi Việt Nam tặng bằng khen “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc” .
Bà Phan Thị Hồng – Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Phước Hội chia sẻ: “Cụ ông Nguyễn Thám là một tấm gương điển hình “Tuổi cao, gương sáng” của phường. Không những làm kinh tế giỏi, ông còn được yêu mến bởi lối sống giản dị, hoà đồng và yêu thương con người, đặc biệt là những người cơ nhỡ, bất hạnh trong cuộc sống”.
Tiếng cười, nói rộn rã của những chủ tàu, gởi gắm những “con chiến mã” của mình đến đây, để được sửa chữa, cùng với tiếng trao đổi của những người thợ, công nhân… đang ngày đêm cần mẫn duy tu, sữa chửa, bảo dưỡng tài sản cho ngư dân. Tất cả đã tạo nên không khí nhộn, nhịp phấn khởi đầu xuân mới, với niềm tin, ước vọng được gửi gắm tài sản tại cơ sở đóng, sửa tàu thuyền Ba Thám.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.