Chọn ngày tháng tốt, ngư dân miền Trung ra khơi đón “lộc biển” đầu Xuân mới 2021, và khẳng định chủ quyền biển đảo.
Nghệ An: Ngư dân đón 'lộc biển' đầu năm mới
Đầu Xuân mới, tàu cá của ngư dân huyện Diễn Châu (Nghệ An) cập cảng Lạch Vạn trong niềm vui mang đầy"lộc biển" về nhà.
Trưa mồng 4 Tết, nhiều tàu thuyền công suất nhỏ của ngư dân Diễn Châu đã cập cảng Lạch Vạn, sau một đêm đánh bắt trên biển. Dù được nhiều hay ít, nhưng bà con đều phấn khởi, vì chuyến đánh bắt đầu năm mới đã có "lộc biển".
Khi tàu cập cảng, các ngư dân khẩn trương vận chuyển hải sản lên bờ, sau đó nhanh chóng di chuyển thuyền đến vị trí neo đậu khác, để tàu thuyền về sau có chỗ cập cảng.
Đặc thù của ngư dân Diễn Châu phần lớn là đánh bắt gần bờ trong đêm, nên sự nhộn nhịp tại cảng cá Lạch Vạn chỉ diễn ra trong quãng thời gian từ 10h30 đến 13 giờ chiều.
Ngư dân Nguyễn Văn Phúc ở xã Diễn Thành cho biết, chuyến biển đầu năm mới, tàu của ông đánh bắt được hơn 5 tạ cá, tôm các loại, thu về gần 1 triệu đồng.
Bà con ngư dân cho biết, những ngày đầu năm, thời tiết thuận lợi, nên ăn Tết xong, ai cũng muốn đi biển để có thu nhập. Thời điểm này, hải sản đánh bắt được phần lớn là tôm tít. Tôm tít được thương lái thu mua với giá từ 90.000 - 120.000 đồng/kg.
Hải sản vận chuyển vào cảng, được thương lái thu mua hết ngay tại chỗ. Vì những ngày Tết bà con nghỉ, nguồn cung hải sản tươi khan hiếm, nên giá hải sản có nhích hơn so với trước Tết.
Ông Ngô Xuân Thủy, Trưởng cảng cá Lach Vạn cho biết, đầu năm mới, một số ngư dân đã đi biển lấy ngày, thời tiết thuận lợi nên tàu thuyền nào cũng đánh bắt được khá nhiều hải sản.
Cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu) là nơi cập cảng của trên 180 tàu cá công suất lớn. Ban Quản lý Cảng cá cho biết, theo quan niệm của ngư dân, mồng 4 Tết là ngày tốt, nên đã có gần 50 chủ tàu làm thủ tục xuất cảng, bà con đánh bắt ngoài khơi từ 5 - 7 ngày sẽ về bờ.
Bình Thuận: Ngư dân đoàn kết đánh bắt, bảo vệ chủ quyền trên biển
Vượt qua mọi sóng gió, bão giông, ngư dân Cảng cá La Gi vẫn ngày đêm rẽ sóng ra khơi. Các tổ, đội đoàn kết đánh bắt xa bờ cũng được hình thành từ đó, để có thể hỗ trợ nhau trong những lúc khó khăn.
Các tổ, đội đánh bắt xa bờ ở Bình Thuận luôn đoàn kết bên nhau.
Với mỗi thành viên của các Tổ thuyền đoàn kết trên biển, vươn khơi bám biển không chỉ là cuộc mưu sinh, mà còn là niềm tự hào, khi được góp phần tham gia bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thị xã La Gi là địa phương có số lượng tàu thuyền lớn của Bình Thuận, với tổng số phương tiện hành nghề khai thác, đánh bắt hải sản trên biển 2.112 chiếc với 14.482 lao động.
Trong đó, vùng khơi (tàu cá có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét) là 686 chiếc, chiếm 32,48% tổng số lượng tàu cá toàn thị xã; tàu cá công suất lớn nhất lên đến 1.000CV/thuyền với các ngành nghề chính là kéo đôi, kéo đơn, câu khơi, lưới rê, vây rút chì, lưới mành.
Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa đã tạo đà cho cho các hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân phát triển, năng lực tàu thuyền theo đó cũng tiếp tục tăng.
Theo đó, thị xã hiện có 57 tổ thuyền đoàn kết trên biển, với 661 tàu, thuyền. Mỗi tổ trung bình có từ 5 đến 6 phương tiện tham gia.
Cũng như các tổ thuyền đoàn kết trên biển khác của thị xã, các thành viên Tổ thuyền đoàn kết số 3 phường Bình Tân thường xuyên trao đổi thông tin về ngư trường, thời tiết, chia sẻ kinh nghiệm đánh bắt.
Trong quá trình lao động trên biển, ngư dân trong tổ còn luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau về mọi mặt, sẵn sàng đoàn kết, giúp đỡ nhau khi có sự cố xảy ra.
Nghề biển luôn ẩn chứa nhiều rủi ro, nhất là khi đánh bắt ở những ngư trường xa, và thường xuyên đối mặt với giông bão. Vì vậy, đánh bắt theo tổ, đội được xem là hướng đi bền vững trong khai thác hải sản. Trong đó, sự đoàn kết của ngư dân trên biển là điều hết sức quan trọng.
Ông Võ Thế Kỷ - Tổ trưởng Tổ thuyền đoàn kết số 3, phường Bình Tân chia sẻ: “Việc liên kết tàu thuyền, hình thành các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, đã giúp chúng tôi vững tin hơn trong những chuyến ra khơi, bám biển dài ngày. Khi phát huy được tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong đánh bắt, khai thác hải sản, sẽ nâng cao thu nhập trên từng chuyến biển”.
Ông Nguyễn Khánh Hùng – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Lộc cho biết: “Thông qua hoạt động của các tổ đoàn kết trên biển, ngành chức năng đã tuyên truyền, phổ biến các quy định mới về quản lý hoạt động khai thác thủy sản.
Nhất là triển khai quyết liệt các nhiệm vụ khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài”.
Và rồi dẫu có bao nhiêu gian khó, bao nhiêu hiểm nguy, nhưng ngư dân vẫn luôn thể hiện sự quyết tâm, ngày đêm cứ kiên cường trên những con tàu rẽ sóng ra khơi, với những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên các ngư trường.
Bởi hơn ai hết, chính mỗi ngư dân là thành viên các tổ thuyền đoàn kết trên biển đều hiểu rằng, sự hiện diện của mình trên ngư trường, không chỉ là cuộc mưu sinh, là việc tiếp nối truyền thống ông cha, mà còn là hành động thể hiện sự quyết tâm bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, là niềm tự hào khi được làm chủ vùng biển Quê hương.
Quảng Ngãi: Khẩn trương nạo vét luồng, lạch ra vào Cảng cá Sa Huỳnh
Hiện, Luồng lạch ra vào Cảng cá Sa Huỳnh (Thị xã Đức Phổ) đã bị bồi lấp nặng, nhất là khu vực giáp biển và khu vực gần cảng cá. Khiến cho những tàu cá có công suất lớn hơn 200CV, không thể ra vào, gây thiệt hại lớn về sinh kế của nhân dân, tình hình phát triển kinh tế của địa phương.
Cảng cá Sa Huỳnh bị bồi lấp nhiều, gây ảnh hưởng cho ngư dân.
Cảng cá Sa Huỳnh ở phường Phổ Thạnh được thiết kế, thi công hoàn thành năm 2009, với tổng diện tích 4,5ha, có sức chứa 500 tàu cá có công suất đến 400CV. Luồng ra vào cảng có tổng chiều dài 1.800m, mực nước thiết kế ban đầu là 3,5m.
Tuy nhiên, do không được nạo vét từ năm 2017 đến nay, đặc biệt là tác động trực tiếp của bão số 9, số 10 năm 2020, và triều cường trong thời gian gần đây, đã làm cho luồng ra vào cảng bị bồi lấp nặng; nhất là khu vực giáp biển và khu vực gần cảng cá, hiện, mực nước chỉ còn khoảng 1,8m.
Tình trạng bồi lấp này là nguyên nhân chính làm cho tàu cá có công suất lớn hơn 200CV của ngư dân không thể ra vào cảng để neo đậu, thu mua, trao đổi sản phẩm, gây thiệt hại lớn về sinh kế của nhân dân, tình hình phát triển kinh tế của địa phương, và của các chủ phương tiện, vì phải di chuyển đến các địa phương khác.
Về lâu dài, sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự địa phương, do lực lượng lao động nhàn rỗi. Chỉ tính riêng ở xã Phổ Thạnh, hiện có khoảng trên 25.000 nhân khẩu, với gần 60% dân số, tương đương khoảng 15.000 người sống bằng nghề biển.
Song, do bồi lấp nặng, nên thời gian qua, tàu thuyền của ngư dân ra vào cửa đã mắc cạn, nhiều tàu cá bị sóng đánh chìm, làm thiệt hại rất lớn đến kinh tế của ngư dân địa phương.
Chính quyền và người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cấp xem xét đầu tư đồng bộ các hạng mục như Cửa biển luồng tàu, khu neo đậu tránh trú bão,… cho Cảng cá Sa Huỳnh.
Ngư dân Trần Thanh Ngàn, phường Phổ Thạnh cho biết: Luồng ra vào và khu vực cảng cá bị bồi lấp, không chỉ gây khó cho tàu thuyền ngư dân mỗi khi ra vào cảng, mà còn khiến hàng trăm lao động, ở các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng, cũng thiếu việc làm, vì tàu thuyền đánh bắt xa bờ của địa phương chủ yếu cập các cảng cá khác để bán hải sản và neo đậu.
Còn ngư dân chúng tôi, rất mong muốn UBND tỉnh, các đơn vị liên quan cần sớm triển khai những giải pháp nạo vét luồng lạch Cảng cá Sa Huỳnh, đặc biệt là nạo vét khẩn cấp các vị trí bồi lấp nặng, để đảm bảo nhu cầu ra vào tàu thuyền được thuận lợi”- ông Ngàn mong muốn.
Từ thực tế trên, mới đây, qua kiểm tra thực tế Cảng cá Sa Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền, nhận định, việc nạo vét khẩn cấp các vị trí bồi lấp nặng, tại luồng ra vào cảng cá, là rất cần thiết và cấp bách, nhằm phục vụ tàu cá của nhân dân ra vào, giao thương thuận lợi, đặc biệt, là trong dịp Tết Nguyên đán 2021.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đề nghị, Thị xã Đức Phổ có văn bản báo cáo cụ thể việc bồi lấp luồng ra vào Cảng Sa Huỳnh, đề xuất phương án xử lý nạo vét; đồng thời, khẩn trương khảo sát, lựa chọn vị trí đổ thải từ việc nạo vét.
Ông Hiền cũng giao Sở NN& PTNT hướng dẫn Ban Quản lý các Cảng cá, khẩn trương lập Phương án nạo vét luồng ra vào cảng, đối với các vị trí bị bồi lấp nặng. Về lâu dài, lập kế hoạch duy tu, nạo vét hàng năm trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Trong năm 2021, tham mưu UBND tỉnh để xây dựng các trụ neo đậu tàu cá tại khu vực cảng cá nhằm đảm bảo an toàn khi tàu cá vào tránh trú bão cũng như giao thương.
Cùng với đó, trên cơ sở quy hoạch cảng cá đã được phê duyệt, Sở NN& PTNT lập báo cáo tổng thể về Cảng cá Sa Huỳnh, nhằm chủ động nguồn lực đầu tư Cảng cá Sa Huỳnh thành cảng cá hiện đại, có quy mô đáp ứng đầy đủ nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế biển, của thị xã Đức Phổ nói riêng, và của tỉnh Quảng Ngãi nói chung.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.