Ngư dân miền Trung ra khơi mở hàng đầu năm mới, đánh bắt trúng lớn, thu bạc tỷ.
Hà Tĩnh: Ngư dân “mở hàng” lấy may mắn đầu năm
Những ngày đầu năm 2021, nhiều tàu đánh ghẹ và cá của ngư dân xã Cẩm Lộc, Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) liên tiếp cập bến trong niềm vui trúng đậm “lộc biển”.
Nhiều lồng ghẹ được ngư dân khẩn trương đưa lên bờ.
Đầu năm mới, cảng cá Cửa Nhượng tấp nập tàu thuyền vào ra, thương lái phấn khởi thu mua hải sản, khiến cho không khí nơi đây trở nên nhộn nhịp, hứa hẹn một năm mới đầy may mắn cho ngư dân làng biển.
Khẩn trương di chuyển những lồng ghẹ “đang nháy” lên bờ, ngư dân Lê Văn Hoàng (thôn Tân Trung Thủy, xã Cẩm Lộc) vui mừng cho biết: “Tàu đánh ghẹ của chúng tôi vừa cập cảng sau 1 đêm khai thác, chuyến đi này anh em khai thác được gần 7 tạ ghẹ ba mắt, với giá 50 nghìn đồng/kg, thuyền tôi “bỏ túi” gần 35 triệu đồng".
Không chỉ tàu của ngư dân Lê Văn Hoàng trúng đậm mà nhiều tàu đánh ghẹ khác ở xã Cẩm Lộc cũng mang về nguồn thu nhập cao, từ những chuyến biển đầu tiên của năm 2021.
Ngư dân Nguyễn Văn Hào (thôn Tân Trung Thủy, xã Cẩm Lộc) cho biết: "Mặc dù đang vào mùa biển động, nhưng những ngày này, nhờ gặp các luồng ghẹ nên thuyền chúng tôi vẫn trúng đậm ghẹ biển. Chuyến biển này tôi đánh được hơn 5 tạ ghẹ ba mắt, 30 kg ốc hương. Với giá 50 nghìn đồng/kg ghẹ, 400 nghìn đồng/kg ốc hương, thuyền tôi thu về gần 40 triệu đồng”.
Cũng theo anh Hào, dù đây chỉ mới là những chuyến biển “mở hàng” đầu năm, song, hầu hết các thuyền đều khai thác được nhiều loại hải sản có giá trị như: ghẹ, ốc hương, cá đù... Hy vọng đây là tín hiệu tốt lành của một năm “thuận buồm, xuôi gió”, đánh bắt bội thu đối với những người đi biển.
Ông Nguyễn Văn Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc cho biết: “Những ngày đầu năm mới, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng ngư dân vẫn trúng đậm ghẹ. Chỉ trong vòng 3 ngày đầu năm, toàn xã đạt sản lượng khoảng 25 tấn, ước tính thu về gần 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bà con còn khai thác gần 1 tấn ốc hương, thu về khoảng 400 triệu đồng”.
Tại thôn Hải Nam (xã Cẩm Nhượng), ông Nguyễn Văn Bính, cho biết: “Những ngày đầu năm mới, ngư dân chúng tôi rất vui vì đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị. Chuyến này, thuyền tôi đánh được gần 30 kg cá bạc má, gần 20 kg cá đù, 6 kg tôm he, thu về gần 7 triệu đồng”.
Cũng theo ông Bính, thời điểm này, các loại hải sản bán được giá nên ngư dân rất vui mừng. Khởi đầu năm mới như vậy càng giúp cho bà con ngư dân chúng tôi có thêm khí thế để vươn khơi cả năm.
Bà Nguyễn Thị Hà - một tiểu thương tại thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng chia sẻ: “3 ngày trở lại đây, ngư dân “bội thu”, nhất là ngư dân Cẩm Lộc, trúng đậm ghẹ tươi ngon, nên rất được giá, ghẹ ba mắt có giá 50 nghìn đồng/kg, ghẹ càng xanh giá 300 nghìn đồng/kg.
Sau khi thu mua từ các chủ thuyền, phần thì tôi nhập cho các nhà hàng ở trong và ngoài tỉnh, phần phục vụ bà con ở phiên chợ chiều”.
Với ngư dân, thời điểm đầu năm mới, việc ra khơi không chỉ đem lại giá trị kinh tế, mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng từ mỗi chuyến đi biển.
Chuyến biển đầu năm nếu được nhiều cá tôm sẽ báo hiệu một năm mới sung túc, no đủ, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Thừa Thiên Huế: Ngư dân thu tiền tỷ từ đánh bắt cá khoai
Những ngày qua, ngư dân đánh bắt gần bờ trên địa bàn tỉnh trúng đậm cá khoai, thu nhập hàng chục tỷ.
Lái buôn mua cá khoai tại bờ biển
Ông Trần Hòa, thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải (Phong Điền) phấn khởi: "Trúng cá khoai là chuyện thường, nhưng ngư dân thu nhập cả trăm triệu đồng từ khai thác cá khoai là chuyện hiếm, từ trước đến nay chưa từng có".
Liên tiếp hơn 10 ngày qua, thuyền của ông Hòa trúng đậm, có chuyến vài tạ cá khoai. Giá cá khoai tại bờ có thời điểm này trên 100 ngàn đồng/kg, thấp nhất 70kg, như vậy mỗi chuyến thu nhập 15-17 triệu đồng. Chừng 10 ngày qua, thuyền ông Hòa thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.
Ông Hòa cho biết, nhiều ngư dân ở Phong Hải đều trúng đậm cá khoai. Thuyền nào trúng ít nhất cũng 50 triệu đồng, thuyền thu cao đến cả trăm triệu đồng. Gần 50 chiếc thuyền đánh bắt cá khoai tại xã Phong Hải có thể thu gần 5 tỷ đồng.
Theo ông Hòa, thường trước, hoặc sau những ngày biển động, cá khoai trôi dạt vào gần bờ với số lượng lớn. Đây cũng là thời điểm các loại cá khan hiếm nên cá khoại được giá. Hơn nữa, gần đây, cá khoai được xem như một loại đặc sản tại các nhà hàng, khách sạn, quán nhậu… nên giá bán rất cao.
Vùng ven biển ở Ngũ Điền cũng trúng đậm cá khoai. Chủ tịch UBND xã Điền Hòa (Phong Điền), ông Nguyễn Đăng Phúc thông tin, hàng chục thuyền bãi ngang ven biển tại hai thôn 11, 12 liên tục trúng đậm cá khoai.
Cá khoai không chỉ tiêu thụ ngay tại địa phương, mà còn bán tận các xã Ngũ Điền, các địa phương bên kia phá Tam Giang. Mặc dù trúng đậm nhưng “cung không đáp ứng cầu” nên bán được giá, thậm chí giá cao.
Không chỉ ở Phong Điền, nhiều ngày qua, ngư dân hai xã vùng biển Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) rất vui khi liên tục trúng cá khoai. 160 thuyền đánh bắt trên biển của hai xã đều có nguồn thu lớn từ đánh bắt cá khoai gần bờ.
Ông Nguyễn An, ngư dân thôn Tân Thành, xã Quảng Công hồ hởi: “Ngư dân thôn Tân Thành nói riêng, bà con các vùng biển xã Quảng Công nói chung trúng đậm những mẻ cá khoai.
Thuyền của tui sau một ngày đánh bắt được trên 3 tạ cá khoai, giá thấp nhất 60-70 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi bạn thuyền thu nhập trên 4 triệu đồng. Tính trong 10 ngày qua, mỗi bạn thuyền thu nhập trên dưới 50 triệu đồng.
Bình quân mỗi ngày, toàn xã Quảng Công có 96 thuyền tham gia đánh bắt thủy sản trên biển, trong đó tập trung ở thôn An Lộc, Cương Gián, Tân Thành và Hải Thành. Riêng tại thôn An Lộc, bình quân mỗi ngày có 10 ghe đánh bắt.
Ông Lê Truyền, Trưởng thôn An Lộc cho biết, ngư dân trong thôn luôn bám biển và sự cần mẫn của người dân đã được đền đáp xứng đáng. Hầu như thuyền nào cũng đánh bắt 1,5 - 3 tạ cá khoai/chuyến.
Theo ông Nguyễn Truyền, Chủ tịch UBND xã Quảng Công, năm nay sản lượng vụ cá khoai nói riêng, các loại hải sản nói chung dự tính tăng gấp 1,5 lần so với sản lượng cùng kỳ năm trước.
Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng khai thác đạt hơn 1.900 tấn. Những ngày gần đây lượng cá khoai rất lớn, thuyền nào cũng đầy ắp cá.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm nay sản lượng cá khoai gần bờ lớn đột biến so nhiều năm. Điều này cho thấy hải sản gần bờ đang hồi sinh nhanh, ngư dân có nhiều cơ hội phát triển kinh tế biển.
Chưa có thống kê cụ thể, nhưng qua kiểm tra các địa phương đều có thu nhập 4-5 tỷ đồng/xã từ đánh bắt cá khoai. Như vậy, trên địa bàn tỉnh có thể thu nhập hàng chục tỷ đồng từ đánh bắt loại cá “đặc sản” này!
Quảng Ngãi: Câu cá mùa biển động
Không chỉ là thú vui, câu cá ven bờ còn giúp nhiều ngư dân “vượt khó” trong mùa biển động, do tàu thuyền không thể vươn khơi...
Ông Trịnh Văn Thảo, xã Bình Hải (Bình Sơn) chuẩn bị “đồ nghề” để bủa câu
“Thay vì nghỉ trong mùa biển động, thì tôi túc tắc đi câu, vừa có nguồn thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày, vừa kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”, ông Trịnh Văn Thảo, ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) cho biết.
Theo kinh nghiệm của ông Thảo, mùa biển động, nhiều đàn cá dìa, cá nục, cá tà ma... sẽ vào bờ trú ngụ, tìm kiếm thức ăn. Tuy nhiên, để cá “cắn câu”, phải lựa chọn cước, lưỡi câu, mồi câu phù hợp; đồng thời, phải “canh” con nước, hướng gió để neo thúng buông câu.
Mỗi ngày, ông Thảo câu khoảng 4 - 5 giờ, thu khoảng 300 - 400 nghìn đồng, hôm nào khá hơn được 700 - 800 nghìn đồng. Mùa biển động, nghề câu được xem là “cần câu cơm” của gia đình ông Thảo, cũng như nhiều hộ dân ở làng chài Phước Thiện.
Có nhiều cách câu cá, nhưng phổ biến nhất là câu thúng, với bộ dụng cụ gồm: Thúng chai, cần câu, ống câu và mồi là ngư dân có thể hành nghề. Địa điểm thường là những gành đá, cảng cá hoặc các vùng rạn ven bờ.
Theo nhiều ngư dân, câu cá tuy đơn giản, nhưng người câu phải có “nghề” và kinh nghiệm, mới câu được cá lớn, giá trị cao, như: Cá đối, cá kình, cá căn... để có giá cao. Người có kinh nghiệm thường biết chọn những vùng nước; thời điểm nước lớn, nước ròng; lúc nào nhiều cá, kích cỡ các loại cá để sử dụng loại câu và mồi câu phù hợp...
Mùa nước lặng, người dân thường câu chạy (dùng thúng chai hoặc thuyền máy di chuyển trên biển); còn khi biển động, nước đục lại xoáy, nên ngư dân phải lựa chọn khu vực, rồi neo thúng hoặc thuyền một chỗ để câu.
Không chỉ là thú vui, nghề câu cá ven bờ còn được nhiều ngư dân xem là “cần câu cơm” mùa biển động. Thậm chí, một số ngư dân còn phát triển thành nghề bủa câu (là kiểu dùng lưỡi câu thả thành hàng ngang chạy dài trên biển như đánh lưới) mang lại hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Văn Bốn, ở xã Bình Hải làm nghề bủa câu cho biết: “Nghề này có thể đánh bắt được nhiều loại cá lớn. Mỗi lần ra biển, tôi thả một nẹp câu với khoảng 100 lưỡi câu. Dây câu được thả xuống biển tầm 4 - 5 giờ là thu câu. Thu nhập cũng khá”.
Tuy nhiên, ngày biển động, sóng thường đánh mạnh, nước xoáy, nên lưỡi câu thường bị rối, mất thời gian gỡ. Nhưng bù lại, câu cá mùa biển động thu nhập khá, giá bán cao. Mỗi ngày một chuyến câu, ông Bốn có thể thu 400 - 500 nghìn đồng, thậm chí vài triệu đồng.
Vì vậy, câu cá mùa biển động được ví là “cuộc mưu sinh thầm lặng” của ngư dân khai thác hải sản ven bờ.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…