Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 12 năm 2020 | 20:31

Người dân miền Trung nỗ lực chăm sóc hoa Tết 2021

Thời tiết không thuận lợi, song bà con miền Trung vẫn nỗ lực chăm sóc hoa, kịp đón Tết Tân Sửu 2021.

Nghệ An: Chong điện chăm hoa Tết trong giá rét

Để đảm bảo cho hoa phát triển tốt những ngày đông giá rét, thời điểm này người trồng hoa Tết ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) chong điện sáng suốt đêm để sưởi ấm cho hoa.

 

na-33.jpg

Trên mỗi thửa ruộng, bà con đầu tư 3 - 4 triệu đồng mua bóng điện thắp sáng cho hoa.

 

Thông thường những tháng cuối năm, người trồng hoa trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu luôn tất bật với công việc trồng và chăm sóc vườn hoa để cung cấp cho thị trường Tết.

Tuy nhiên, trong những ngày thời tiết giá lạnh, người trồng hoa luôn có mặt ở vườn hoa vào ban đêm để chăm sóc, kiểm tra hoa.

Bà Nguyễn Thị Phương hộ trồng hoa ở làng Hồng Phú, xã Quỳnh Hồng cho biết, thời gian này cây hoa rất nhạy cảm, nếu không chăm sóc cẩn thận hoa có thể nở trước dịp Tết.

Do đó, theo kinh nghiệm lâu nay, sau khi xuống giống hoa được 5 ngày, bà con bắt đầu giăng điện thắp sáng vào ban đêm, để kiểm soát sự sinh trưởng của cây hoa, giúp hoa nở đúng Tết Nguyên đán.

Hơn nữa, trong những ngày giá rét, việc thắp điện sáng cả đêm cũng giúp sưởi ấm cho hoa, chống chọi được sâu bệnh do thời tiết cực đoan.

Theo các hộ trồng hoa, năm nay việc xuống giống các loại hoa chậm hơn so với năm ngoái 1 tháng, bởi đây là năm nhuận. Như các năm trước, khoảng từ ngày 15 - 25/9 âm lịch, các hộ đồng loạt xuống giống vụ hoa Tết thì năm nay bà con xuống giống từ 15/10 âm lịch.

Anh Hồ Văn Tùng - một hộ trồng hoa lâu năm cho biết, năm nay gia đình xuống giống 14.000 hoa cúc, tính tổng cả chi phí hơn 10 triệu đồng, trong đó tiền mua dây diện, bóng đèn khoảng 3 triệu đồng.

Hiện, toàn bộ diện tích hoa đang phát triển tốt. Ban ngày thường xuyên tưới nước, bón phân, ban đêm gia đình chong điện, tập trung nhặt cỏ, bắt sâu, phòng bệnh cho hoa.

Đến thời kỳ ra hoa, cần bấm những nụ phụ, chỉ để lại nụ chính để tập trung dinh dưỡng nuôi hoa.

Làng hoa Hồng Phú hiện có 200 hộ tập trung ở xóm 3 và 4. Vụ hoa năm nay, chủ yếu có các loại như: cúc, hoa ly, lay ơn, đồng tiền, hoa phăng... Để phát triển làng nghề hoa, UBND xã Quỳnh Hồng đã khuyến khích các hộ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, sang trồng hoa hàng hóa.

Do vậy, nghề trồng hoa tươi đã được nhân rộng và phát triển tại nhiều xã ở huyện Quỳnh Lưu như: Quỳnh Châu, An Hòa, Quỳnh Bảng... với diện tích khoảng 15 ha.

Từ nghề trồng hoa Tết, các gia đình có thu nhập từ 10 - 30 triệu đồng, có những hộ số lượng lớn, hoa giá trị cao, cho thu nhập từ 50 - 80 triệu đồng. 

Hà Tĩnh: Người trồng đào hy vọng thắng lợi dịp Tết 2021

Vượt khó, chăm sóc vườn đào sau 2 đợt nắng hạn và mưa lũ dài ngày, người dân chuyên trồng đào phục vụ Tết ở một số địa phương Hà Tĩnh đang hy vọng vào một mùa hoa nhiều thắng lợi.

 

ht-9.jpg

 Bà Phan Thị Sửu (Cổ Đạm, Nghi Xuân) cho biết, bà sẽ tiến hành tuốt lá thúc đào nở từ 20/12 tới.

 

Ông Lê Viết Thỏa, 63 tuổi, ở thôn Bàu Am, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) cho biết: "Nhà tôi trồng 300 gốc đào, trong đó 200 gốc sẽ được xuất bán dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

So với các năm trước, trồng đào năm nay vất vả hơn, do sau đợt hạn hán kéo dài lại gặp ngay mưa lũ liên tục... Tuy nhiên, do gia đình đã cố gắng chăm sóc đều đặn nên thời điểm này, cây đang phát triển tốt. Dự kiến, nếu thời tiết sẽ lạnh từ nay đến cuối năm, chúng tôi hy vọng mùa đào Tết năm nay sẽ thắng lợi".

Được biết, để chăm sóc vườn đào rộng 1.500 m2 trong đợt nắng hạn tháng 4/2020 vừa qua, ông Thỏa phải tích cực bơm nước 2 buổi/ngày  từ giếng khoan tưới cho cây.

Còn trong 2 trận mưa lũ lớn gần đây, gia đình ông phải thường xuyên túc trực để khơi thông dòng chảy, tránh cho cây bị ngập úng, gây rụng lá và nở hoa sớm.

Theo kinh nghiệm của ông Thỏa, làng đào Bàu Am trồng trên đất đồi nên nhiệt độ khá ấm. Năm nay, dự báo thời tiết sẽ lạnh hơn mọi năm, gia đình ông sẽ tiến hành tuốt lá sớm hơn năm trước 15 ngày, tức là giữa tháng 11 âm lịch, để đào khai hoa vào đúng dịp tết Nguyên đán 2020 sắp tới.

Hiện, làng đào thôn Bàu Am có 150 hộ chuyên nghiệp trồng đào phục vụ Tết. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, làng đào này cung cấp hàng nghìn gốc đào ra thị trường trong tỉnh.

Ngoài ông Lê Viết Thỏa, còn nhiều hộ gia đình trồng đào với số lượng lớn ở thôn Bàu Am như ông Đậu Văn Sơn, Lê Viết Quế... cũng đã dày công trong việc chăm sóc vườn đào và trông chờ kết quả tốt trong vụ đào năm nay.

Thời gian này, tại làng đào nổi tiếng thôn Xuân Sơn (xã Cổ Đạm, Nghi Xuân), người dân trồng đào cũng đang phấn khởi khi thời tiết ủng hộ.

Bà Phan Thị Sửu (thôn Xuân Sơn) cho biết: “Thời điểm này, năm ngoái thời tiết ấm hơn năm nay. Năm vừa rồi, đào ở thôn chúng tôi đều nở sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, năm nay với thời tiết khá thuận lợi như thế này, chúng tôi hy vọng đào sẽ nở đúng dịp Tết và sẽ được giá hơn năm ngoái”.

Được biết, gia đình bà Sửu là một trong những hộ có diện tích trồng đào lớn nhất làng đào Xuân Sơn (xã Cổ Đạm) với hơn 3.500 m2. Trong hơn 500 gốc đào hiện có, dự kiến dịp Tết Nguyên đán sắp tới, gia đình bà sẽ xuất bán ra thị trường 400 gốc. Nếu thuận lợi và được giá, sẽ thu về khoảng trên 100 triệu đồng.

Phú Yên: Nhà vườn thấp thỏm lo vụ lay ơn Tết

Từ rằm tháng 10 (âm lịch) đến nay, các nhà vườn ở xã Bình Ngọc, phường Phú Lâm (TP. Tuy Hòa) và các xã Hòa An, Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) đã xuống giống hoa lay ơn cho vụ Tết. Nhưng vì mưa nhiều nên việc xuống giống hoa gặp nhiều khó khăn.

 

py-31.jpg

 Nông dân Bình Ngọc xuống giống lay ơn. Ảnh: THỦY TIÊN

 

Từ hơn nửa tháng qua liên tục có mưa nên việc xuống giống hoa lay ơn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thiện ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) cho biết: Các năm trước chỉ cần thuê thêm 2 nhân công, cùng với vợ chồng tôi làm trong 2 ngày, là xuống giống xong 2 sào hoa lay ơn.

Còn năm nay, vì trời mưa liên tục, tìm nhân công không có nên hai vợ chồng tranh thủ những ngày mưa ít để xuống giống, mất cả tuần mới xong việc.

Ông Nguyễn Văn Liêm ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) cũng cho biết, lay ơn đỏ mập là giống hoa có thời gian sinh trưởng dài ngày (gần 70 ngày), thời điểm xuống giống thuận lợi nhất là từ 13-15 tháng 10 âm lịch.

Nhưng lúc này trời lại mưa lớn liên tục, nên nhà vườn không thể xuống giống, phải đến ngày 18 trời tạnh bớt mới trồng được. Hiện, đang là kỳ xuống giống các loại lay ơn ngắn ngày như lay ơn vàng, đỏ đô, tím cẩm, xanh, tai vuông…

“Gia đình tôi đã cải tạo xong đất để ngày 28 tháng 10 âm lịch xuống giống thêm 1 sào lay ơn vàng chanh và đỏ đô lai Thái”, ông Liêm cho biết thêm.

Theo các nhà vườn trồng hoa lay ơn, do thời tiết bất lợi nên hầu hết các nhà vườn đều lùi thời gian xuống giống, mặc dù biết làm như vậy có nguy cơ trễ vụ hoa.

Ông Huỳnh Văn Sự, trồng lay ơn thâm niên ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), cho biết: Ngay thời điểm xuống giống hoặc vừa xuống giống xong mà gặp mưa dầm thì nguy cơ hư bộ rễ củ giống rất cao.

Thời gian để phát triển lại bộ rễ mới phải mất từ 7-10 ngày sẽ khiến hoa càng trễ vụ hơn, mà cây lay ơn sau này cũng không được sung sức, hoa không đạt, có khi còn không trổ hoa.

Vì vậy, nhà vườn chúng tôi chọn giải pháp lùi thời gian đợi mưa giảm mới xuống giống cho an toàn.

Cũng vì thời tiết không thuận nên vụ này một số nhà vườn giảm diện tích trồng hoa. Bà Mười Đệ ở xã Bình Ngọc cho hay: Năm nay mưa nhiều, nước sông Ba lại dâng cao, sợ có lũ muộn nên tôi giảm diện tích trồng lay ơn xuống còn non 1 sào, diện tích còn lại tôi trồng các loại rau ăn lá.

Ông Trần Văn Thứ ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) nói: Theo dự báo thời tiết, khả năng từ nay đến cuối năm còn có nhiều đợt mưa lạnh kéo dài, nên tôi quyết định giảm diện tích trồng hoa. Mùa này tôi chỉ xuống giống 1,5 sào, giảm 50% so với mọi năm.

Trong khi đó, nhiều nhà vườn khác lại lo ngại về thị trường tiêu thụ hoa. Bà Nguyễn Thị Lan ở xã Bình Ngọc tính toán: Chi phí trồng hoa lay ơn tương đối lớn. Bình quân trồng 1 sào lay ơn phải tốn 100kg giống với chi phí khoảng 12 triệu đồng, cộng với chi phí làm đất, phân, thuốc, nhân công... Tính ra kinh phí đầu tư cho 1 sào hoa lay ơn khoảng 15-17 triệu đồng.

Trong khi đó, hiện nay, dịch COVID-19 lại đang xảy ra tại nhiều địa phương, trong đó có Phú Yên và yêu cầu tạm ngừng một số hoạt động, lễ hội, dịch vụ tập trung đông người.

Không biết tình hình dịch bệnh diễn biến thế nào, thị trường tiêu thụ hoa bị ảnh hưởng ra sao, nên tôi rất lo ngại. Gia đình quyết định giảm nửa diện tích trồng so với năm trước. Hy vọng trúng mùa thì kiếm được ít tiền để chi tiêu trong dịp Tết.

Thị trường là yếu tố quan trọng, quyết định đến lợi nhuận của vụ sản xuất. Trong khi đó, hoa lay ơn trồng trong tỉnh được tiêu thụ phần lớn ở các thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, Huế... để phục vụ cho các lễ hội dịp đầu năm mới.

Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp thì có thể không được tổ chức lễ hội, nhu cầu tiêu thụ hoa sẽ giảm rất mạnh; khi đó nhà vườn sẽ rơi vào cảnh khó khăn. 

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top