Nhiều hộ dân ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đang phá bỏ cây mía vì lợi nhuận thấp và tránh thiệt hại nặng nề thêm.
Niên vụ mía 2017 – 2018, giá đường giảm mạnh khiến doanh nghiệp và nông dân chịu nhiều áp lực do thu mua chậm. Trong khi chính quyền địa phương và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đang đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân, thì tại huyện Ninh Sơn, nơi có diện tích trồng mía lớn nhất Ninh Thuận, không ít hộ trồng mía đã phá bỏ cây mía để chuyển sang cây trồng khác.
Bà Bùi Thị Mai Sương, ở xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn canh tác 14 ha mía, trong đó, có 7 ha mía tơ mới thu hoạch vụ đầu đạt năng suất gần 100 tấn/ha. Đến nay, gia đình đã thu hoạch được 10 ha, còn lại 4 ha đang chờ lệnh thu hoạch của nhà máy, ước tính mỗi ha mía lãi 20 triệu đồng.
Cho rằng mức lãi này thấp so với chi phí đầu tư, chăm sóc trong 1 năm nên gia đình bà Sương đã phá bỏ 1 ha mía tơ để chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác.
"Mía tơ được 100 tấn, nhưng bây giờ giá nhà máy mua thấp quá. Công cán chi phí không đạt nên phải phá. Nhà tôi đành chuyển qua làm táo", bà Sương cho biết.
Gia đình ông Cao Văn Minh ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn canh tác 14 ha mía, hiện mía phát triển tốt, chiều cao mỗi cây hơn 3m. Đến nay, toàn bộ diện tích mía của gia đình đã quá 1 năm tuổi nhưng nhà máy vẫn chưa cấp lệnh để ông thu hoạch.
Do thời tiết nắng nóng, cây mía bị khô hai đầu, làm giảm năng suất và chữ đường. Để hạn chế thiệt hại, ông phải thuê nhân công tháo nước vào ruộng giữ ẩm cho cây mía.
Chậm thu hoạch, thiệt hại càng tăng, kéo dài chi phí lãi vay... những thiệt hại này người trồng mía như ông phải chịu. Hiện nay ông Minh đang đợi Công ty cấp lệnh thu hoạch mía, tất toán hợp đồng để phá bỏ một nửa diện tích mía chuyển sang canh tác cây màu.
"Tôi phá đi rồi trỉa bắp hay trồng cây lâu năm hay làm gì khác, chứ bây giờ để cây mía nhiều quá không đủ tiến thuê mướn. Cứ như vụ mía lần này, chặt xuống rồi, xe vận chuyển không có. Chặt 100 tấn mà để 5-7 ngày chở thì còn 70-80 tấn còn thiệt hại nữa. Năm tới không biết tình hình như thế nào. Tốt hơn hết là phá bỏ từ ban đầu", ông Minh chia sẻ.
Niên vụ mía 2017-2018, thời tiết thuận lợi nên năng suất mía tăng gần 50% so với niên vụ trước, vượt khả năng tiêu thụ của nhà máy, vì vậy, tiến độ thu mua mía bị chậm lại, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây mía.
Nông dân Ninh Thuận chấp nhận chặt bỏ mía tơ vì sợ thiệt hại thêm do nhà máy chậm thu mua. (Ảnh: KT). |
Những năm qua, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Ủy ban nhân dân xã Mỹ Sơn đã vận động người dân chuyển đổi trồng gần 500 ha mía.
Trong đó, cánh đồng mía thôn Phú Thuận là vùng chủ động nước được địa phương và Công ty cổ phần mía đường Biên Hòa-Phan Rang quy hoạch thành cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nhằm gia tăng lợi nhuận cho người trồng mía.
Tuy nhiên, do chính sách đầu tư, thu mua chưa hợp lý nên 1 số hộ đã chấp nhận phá bỏ mía tơ mặc dù năng suất đạt gần 100 tấn/ha.
Bà Võ Quý Hợi, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn-huyện Ninh Sơn - Ninh Thuận cho biết, "Trước mắt địa phương vận động các hộ dân không nên chặt bỏ cây mía, vì hiện nay kế hoạch trọng tâm của địa phương trong năm 2018 là xây dựng cánh đồng lớn tại khu vực này. Hướng tới là mời các hộ dân, Công ty mía đường, các ban ngành đoàn thể ngồi hợp và hướng về chính sách hỗ trợ cho cây mía ở niên vụ tiếp theo."
The ông Văn Hữu Thận-Phó giám đốc Công ty cổ phần mía đường Biên Hòa-Phan Rang – Ninh Thuận, về lâu dài công ty có chính sách cơ giới cánh đồng mẫu lớn để hỗ trợ để trồng mía tập trung bằng cơ giới trồng bằng máy, chăm sóc bằng máy tiến tới thu hoạch bằng máy, để giảm chi phí giảm giá thành thì công ty có hỗ trợ 6,9 triệu đồng/ha.
Xã Mỹ Sơn được xem là một trong những vùng nguyên liệu trọng điểm về cây mía đường nhưng người dân ở đây đang phá bỏ cây mía để chuyển sang cây trồng khác. Do đó, chính quyền địa phương và Công ty cổ phần mía đường Biên Hòa-Phan Rang cần xác định lại chính sách đầu tư, thu mua mía để người dân an tâm đầu tư trồng cây mía./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.