Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2019 | 8:42

Người làm vườn giỏi ở vùng sâu Ðạ Huoai

Thu nhập 300 triệu đồng/năm từ làm vườn, đó là con số của Chi hội trưởng nông dân, xã vùng sâu Đạ Huoai, Lâm Đông.

Nhờ làm vườn giỏi, mỗi năm trung bình, Chi hội trưởng nông dân K’Ðảo (người Châu Mạ), xã Phước Lộc - vùng sâu Ðạ Huoai (Lâm Đồng) có thu nhập gần 300 triệu đồng, con số này sẽ tăng lên khi vườn sầu riêng của ông bắt đầu ra trái.

 

đa-663.gif

 Ông K’ Đảo trong vườn sầu riêng của gia đình

Cùng ông Đinh Hồng Toàn - cán bộ khuyến nông xã Phước Lộc - Đạ Huoai, chúng tôi đến thăm nhà K’Đảo - một nông dân sản xuất giỏi ở thôn Phước Trung. 

Năm nay 51 tuổi, K’Đảo người Châu Mạ, là nông dân sản xuất giỏi, và là Chi hội trưởng nông dân, người đi đầu trong nhiều phong trào tại thôn Phước Trung.

K’Đảo có 3 ha đất, trong đó,  hơn nửa trồng điều, dưới tán điều xen chè. Vườn chè đã thu hoạch ổn định; diện tích đất còn lại đang trồng sầu riêng.

K’Đảo cho biết: “Ngày trước nơi đây chỉ trồng lúa, bắp, năm được, năm mất, có năm mất mùa, con cái không có gì ăn để đến trường, cứ quanh quẩn với cha mẹ trên nương”.

Theo ông, cây điều đã từng là cứu cánh cho người dân nơi đây. “Nhờ trúng điều, nhiều người làm được nhà, mua xe máy, sắm sửa tiện nghi, con cái được đến trường” - ông kể.

Song, gần đây, cây điều đang đối mặt với sâu bệnh, thời tiết, mất mùa. K’Đảo đã cùng các cấp tích cực vận động người dân chuyển đổi vườn điều già cỗi sang cây trồng khác thu nhập cao hơn. Nhất là trồng xen chè dưới tán điều.

Ông còn vận động người dân trồng cây ăn trái có giá trị như, mít nghệ, chôm chôm, măng cụt, nhất là sầu riêng. Bản thân ông cũng chuyển đất điều cằn cỗi, sang trồng 1,5 ha cây ăn trái. Sau 3 năm, vườn sầu riêng của ông phát triển tốt.

K’Đảo nhận xét: “Trồng cây gì cũng phải có kỹ thuật. Sầu riêng không khó trồng, quan trọng là nắm được kỹ thuật, công chăm sóc cũng không nhiều, hiệu quả kinh tế lại cao”.

Vì vậy, ông đã cùng cán bộ khuyến nông, đến từng nhà, vận động bà con tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc do Trung tâm Nông nghiệp tổ chức ở xã.

Theo kinh nghiệm, ông khuyên bà con, với diện tích đất đồi cao,  nên giữ nguyên diện tích điều, nơi thấp, gần suối, hoặc có thể đào ao tưới, thì chuyển sang trồng sầu riêng để dễ chăm sóc.

Riêng ông, bên cạnh trồng điều, trồng chè dưới tán điều, ông còn có thêm ca cao. Việc trồng xen nhiều loại cây trong vườn, giúp có thêm thu nhập, mỗi thứ 1 ít, “lỡ cây này mất mùa, thì còn cây khác bù vào”.

Không chỉ dừng lại ở mức thu nhập 300 triệu đồng như hiện nay, vài năm đến, ông sẽ nâng mức thu nhập lên khi sầu riêng rộ trái.

Hiện, K’Đảo còn là Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) cây điều, với 30 thành viên, THT này thường xuyên duy trì các cuộc họp, chia sẻ cách chăm sóc cây, xịt thuốc, bón phân, tỉa cành, tạo tán, bón phân thâm canh cây điều.

Nhờ vậy, các thành viên biết cách khắc phục bệnh trên cây điều, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất trên diện tích canh tác.

Ông Đinh Hồng Toàn, cho biết, nhờ  những người tích cực như K’ Đảo, xã vùng sâu này đã có trên 66 ha sầu riêng, trong đó nhiều vườn đã thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn.

Gia Lai: Trồng rau và cây ăn quả lãi 500 triệu đồng/năm

Chỉ sau gần 2 năm đầu tư trồng rau màu và cây ăn quả, gia đình anh Kiều Quang Vinh (thôn Hra, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã thu lãi mỗi năm gần 500 triệu đồng.

Theo anh Vinh, trước đây, anh chỉ độc canh hồ tiêu, với diện tích 1 ha. Để có thêm thu nhập, anh mua thêm xe tải, chở vật liệu thuê trong tỉnh.

 

rcay-933.gif

 Anh Vinh bên vườn xoài của gia đình

 

Song, những năm qua, hồ tiêu giảm sâu, thu nhập từ lái xe cũng bấp bênh. Vì vậy, năm 2017, anh quyết định bán xe tải, gom tiền bán hồ tiêu được 1 tỷ đồng, mua 4 ha đất trồng rau màu, cây ăn quả.

“Thấy cây ăn quả lãi cao, tôi dành 3,4 ha trồng xoài, mít Thái, bưởi năm roi, quýt đường, cam sành. Còn lại, trồng rau màu để nhanh có thu, chủ động vốn đầu tư cây ăn quả”-anh Vinh cho biết.

Sau một thời gian chăm sóc, thấy rau màu có đầu ra ổn định, cây ăn quả cũng phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, anh Vinh quyết định mua thêm 6 ha đất, mở rộng canh tác.

Trên 10 ha đất, anh trồng 1 ha rau màu, 9 ha cây ăn quả. Hiện, anh đã có hơn 1.000 cây mít Thái, 500 cây xoài Đài Loan, 500 cây bưởi da xanh, hơn 500 cây quýt đường và cam sành.

Tuy mới bói, nhưng đã thu 5 tấn mít, 2 tấn xoài, 2 tấn quýt đường và một ít cam, bưởi, trên 350 triệu đồng. Đồng thời, vườn rau cũng hàng trăm tấn, thu hơn 350 triệu đồng (mỗi tháng 30 triệu đồng). Trừ chi phí, lãi gần 500 triệu đồng/năm.

Chia sẻ kinh nghiệm, anh Vinh cho biết, mỗi loại có đặc tính khác nhau, nên phải có chế độ khác nhau. Đối với mít Thái, khi ra lứa quả đầu tiên, nên tỉa bớt, chỉ để lại 1-2 quả/cây.

Năm kế tiếp, để khoảng 4 quả cây mới bền. Với cây xoài, bưởi da xanh, cam sành, quýt đường,  nên để ra quả tự nhiên, tăng cường bón kali, phân hữu cơ, để cây khỏe mạnh, ít sâu bệnh, quả nhiều, to, mẫu mã đẹp.

Riêng với rau màu, anh Vinh trồng đủ loại: bầu, bí, cải, ớt, dưa leo và luôn chú trọng đến tưới nước, bón phân phù hợp để rau phát triển tốt.

Hiện, ngoài nhân công thời vụ, anh Vinh còn có 4 lao động thường trực, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. “Cả rau màu, cây ăn quả đầu ra khá ổn định, thu hoạch xong, có thương lái thu mua tận vườn.

Do vậy, anh đang tính sẽ phát triển trang trại theo hướng công nghệ cao, an toàn, để ổn định đầu ra và nâng giá trị sản phẩm”-anh Vinh cho hay.

Nhận xét về mô hình của anh Vinh, ông Nguyễn Đức Tôn-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hla-cho biết: “Mô hình cây ăn quả, rau màu của anh Vinh bước đầu đã thành công, lãi cao. Do vậy, xã đang vận động bà con nhân rộng mô hình, để cải thiện thu nhập”.

Đắk Lắk: Hội cây ăn quả tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2019 - 2024

Tuần qua, Hội cây ăn quả Đắk Lắk đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Hội cây ăn quả tỉnh có hơn 100 hội viên, trên 15 nghìn ha cây ăn quả các loại, tăng gần 16% so cùng kỳ năm ngoái. Các giống cây chủ lực như: sầu riêng: 4.000 ha; bơ: 4.500 ha; chuối: 1.500 ha; mít: 1.000 ha, và các loại cây có múi (CCM) khác hơn 1.500 ha.

 

đl-363.jpg

 Ban chấp hành Hội cây ăn quả Đắk Lắk, nhiệm kỳ 2019 – 2024

 

Theo Đề án Phát triển cây ăn quả Đắk Lắk, đến năm 2020 có 20 nghìn ha cây ăn quả, đến 2030 là 30 nghìn ha. Hiện, ngành Nông nghiệp đang khuyến khích người dân, trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê.

Đồng thời, phát triển cây ăn quả theo chuẩn VietGAP, Global GAP; tăng cường quản lý cây giống.  Vì vậy, vai trò của Hội hết sức quan trọng, giúp Đắk Lắk trở thành vùng trọng điểm cây ăn quả của Tây Nguyên.

Ngoài ra, Đại hội còn  thảo luận phương hướng, nhiệm vụ thời gian tớI, bầu Ban Chấp hành 9 thành viên. Ông Nguyễn Thanh Sơn được bầu làm Chủ tịch Hội cây ăn quả Đắk Lắk, nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Nhân dịp này, Hội cây ăn quả Đắk Lắk đã ký Bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Mai Xuân VL , và Công ty TNHH Bất động sản thương mại Hùng Phát, về hỗ trợ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp, và tư vấn trang trại cho Hội.

Lâm Đồng: Tìm đầu ra bền vững cho thanh long

Hiện, thanh long không còn là cây độc quyền của Bình Thuận hay Tây Nam Bộ. Giữa cao nguyên Lâm Đồng, đã có vùng chuyên trồng giống thanh long ngọt đậm, ruột đỏ lựng. Và họ  đang liên kết tìm đầu ra bền vững cho  thanh long.

lđ-39.gif

                       Thành viên HTX Nam Hà thăm vườn thanh long. Ảnh D.Quỳnh                                                                          

Nam Hà, Lâm Hà vốn là vùng chuyên canh cà phê, nhưng năm 2013, khi vài hộ trồng thử thanh long ruột đỏ, thấy khả quan; năng suất cao, trái ngọt, ruột màu tím đỏ rất đẹp.

Dần dần, thanh long bám rễ đất cao nguyên. Ông Tiêu Văn Bính, Chủ tịch xã Nam Hà, cho biết, dù cà phê là cây chủ lực, nhưng diện tích thanh long đang tăng dần.

Hiện, xã có xấp xỉ 70 ha thanh long ruột đỏ. Do năng suất, chất lượng tốt, nên thanh long được giá, thu nhập cao. Điều đáng mừng  là HTX thanh long đầu tiên đã ra đời, với 17 thành viên.

Chị Cao Thị Thủy, một trong 17 thành viên sáng lập HTX, cho biết, thanh long ruột đỏ ở Nam Hà năng suất tốt, màu đẹp, trái to, nặng. Cao nguyên có mùa mưa, chăm sóc khó hơn Bình Thuận, Ninh Thuận, trái 45 ngày mới chín.

Nhưng rất ngon, đẹp, vườn nhà chị có trái 1 kg, giá bán luôn cao hơn cùng loại. Khi thấy nhiều người có ý định lập HTX để cùng sản xuất, tìm kiếm đầu ra, chị tham gia ngay. 

Anh Trần Văn Dũng, một trong những hộ đầu tiên trồng thanh long ở Nam Hà, trở thành giám đốc, dù tuổi còn trẻ. Anh bảo, trồng cây gì cũng phải chú trọng đầu ra.

Muốn đầu ra ổn định, phải có diện tích nhất định, trồng theo quy chuẩn chung để chất lượng đồng đều. Vì vậy, cùng với 16 thành viên, HTX đã có 17 ha thanh long.

Thành viên HTX không bó gọn ở Nam Hà mà còn ở nhiều xã của huyện Lâm Hà, Đức Trọng. Vừa thành lập, HTX đã tìm được đối tác, anh Dũng chia sẻ: “Thành viên HTX chỉ 17 người, nhưng sống và sản xuất rải rác ở nhiều địa phương có thanh long ruột đỏ.

Chúng tôi không chỉ bao tiêu sản phẩm nội bộ thành viên, mà sẽ chuyển giao kỹ thuật, thu mua trái của tất cả những hộ trong vùng. Điều này không thể thực hiện bởi cá nhân được, mà phải là của cả HTX ”.

Ông Tiêu Văn Bính, Chủ tịch xã Nam Hà chia sẻ, xã tin tưởng vào thành công của HTX. Bởi họ ý thức được vai trò của mình, liên kết là sức mạnh tập thể, để tìm hướng đi bền vững cho thanh long”. 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top