Những ngày gần đây, giá cá điêu hồng sụt giảm nặng trong khi giá thức ăn thủy sản luôn ở mức cao khiến người nuôi cá bè ở Tiền Giang thua lỗ nặng. Nhiều lồng, bè cá đang tới giai đoạn thu hoạch nhưng thương lái chưa chịu thu mua làm cho người nuôi cá bè như ngồi trên “đống lửa”.
Hiện giá cá điêu hồng nuôi lồng bè ở khu vực cồn Thới Sơn, TP Mỹ Tho đã sụt xuống còn 28.000 – 29.000 đồng/kg. Với mức giá này, ngư dân thua lỗ khoảng 3.000 đồng/kg, tính cả bè cá sẽ lỗ khoảng 3 triệu đồng.
Bà Lê Thị Lệ Hằng, một người nuôi cá cho biết: “Giá cá bè gần đây sụt giảm mạnh khiến nhiều nhà bè điêu đứng, nếu trừ chi phí người nuôi cá sẽ không có lời”.
Đầu ra cho cá điêu hồng khó khăn trong khi thương lái còn mạnh tay ép giá, khiến người nuôi vì vậy lâm vào cảnh điêu đứng. Ông Phan Thế Bình, chủ 7 lồng, bè cá ở cồn Thới Sơn đang đến lúc thu hoạch nhưng chưa bán được vì giá sụt, thương lái kỳ kèo. Ông Bình cho biết, với mức giá này, người nuôi cá bè không dám tái đàn.
“Hiện giờ cá tới lứa thu hoạch nhưng thương lái cứ hẹn không chịu bắt cá để ép giá. Trong khi đó thức ăn cho cá vẫn tăng giá cao khiến người dân lâm vào cảnh nuôi cá không bán được vẫn phải tăng chi phí. Nếu tình trạng này cứ kéo dài, chỉ vài năm sau người dân không thể nuôi cá bè được nữa”, ông Bình trăn trở.
Tỉnh Tiền Giang có hơn 1.300 lồng bè cá, đa số là nuôi cá điêu hồng. Hầu hết các lồng, bè cá nuôi theo kiểu truyền thống, chưa áp dụng các mô hình Viet Gap nên chủ yếu tiêu thụ nội địa. Hiện nay có thể do nguồn cung đang vượt cầu nên giá cá sụt giảm.
Trong khi giá thức ăn và thuốc thú y thủy sản đều tăng hơn 5 % so với năm ngoái. Hơn nữa, trong thời điểm này, nhiệt độ ngày và đêm dao động nhiều đã làm cho cá chết nhiều.
Mô hình nuôi cá bè trên sông Tiền ở Tiền Giang thường lâm vào cảnh giá cả bấp bênh, ngư dân chịu thiệt thòi.
Thiết nghĩ, ngoài việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng mô hình an toàn sinh học Viet GAP, Global GAP để nâng cao chất lượng đàn cá thương phẩm thì các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang cần xây dựng chuỗi liên kết, tạo đầu ra thuận lợi để người nuôi đảm bảo có lãi và gắn bó với nghề thủy sản này./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.