Nhận định tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trong những tháng cuối năm, đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, nguy cơ dịch bệnh xảy ra là rất cao.
Nguyên nhân do thời tiết thay đổi, tổng đàn gia súc, gia cầm gia tăng, mật độ chăn nuôi cao, việc vận chuyển giữa các địa phương tăng cao để phục vụ nhu cầu cuối năm, giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến, mầm bệnh còn lưu hành nhiều ở môi trường.
Dịch bệnh gây nhiều thiệt hại
Tại Hội nghị Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng nay (3/9) tại Hà Nội, đại diện Cục Thú y cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước xảy ra 66 ổ dịch do vi rút cúm H5N1 và H5N6 tại 23 tỉnh, thành phố; số gia cầm phải tiêu hủy là gần 200.000 con, chiếm 0,39% tổng đàn gia cầm của cả nước (gần 500 triệu con). Như vậy, tuyệt đại đa số đàn gia cầm của Việt Nam an toàn dịch bệnh.
Hiện nay, cơ bản đã có đủ cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống bệnh CGC, bao gồm: Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 172/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm (CGC), giai đoạn 2019 - 2025”.
Các doanh nghiệp đã cung ứng cho thị trường 265,4 triệu liều vắc xin CGC. Dự kiến cả năm 2020, cung ứng khoảng 651,8 triệu liều; trong đó có 315 triệu liều vắc xin sản xuất trong nước.
Về dịch tả lợn châu Phi, năm 2020, cả nước có 1.008 ổ dịch tả lợn châu Phi; trong đó 531 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019, 27 ổ dịch phát sinh mới, 450 ổ dịch tái phát tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 43.150 con (tương đương khoảng 2.157 tấn). Hiện nay, cả nước có 199 xã thuộc 72 huyện của 19 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày. Cả nước đã có 98% số xã đã công bố hết dịch, bảo đảm các điều kiện cho chăn nuôi lợn tái đàn, tăng đàn lợn.
Các ổ dịch chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học; các hộ chăn nuôi lớn, gia trại, trang trại bảo đảm an toàn sinh học không để xảy ra dịch bệnh và có tốc độ tăng đàn, tái đán tốt.
Với dịch lở mồm long móng, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 138 ổ dịch type O tại 18 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 5.114 con. Số gia súc chết và tiêu hủy là 122 con, giảm gần 3 lần so với năm 2019.
Các ổ dịch vừa qua chủ yếu xảy ra trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng. Nguy cơ dịch lở mồm long móng tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt đối với đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin.
Về thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại trong 8 tháng là hơn 38.736 hecta, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2019; ngoài ra có khoảng 6.160 lồng, bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại. Đáng chú ý là diện tích tôm nuôi thiệt hại nhưng không xác định được nguyên nhân là gần 29.857 ha, chiếm 81,56% trong diện tích tôm bị thiệt hại.
Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vắc xin DTLCP
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản 8 tháng đầu năm 2020 đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Tất cả các đối tượng chăn nuôi từ lợn, đại gia súc trâu, bò đến gia cầm, thủy cầm và thủy sản nuôi đều khống chế dịch bệnh ở mức độ rất thấp, đảm bảo cho tăng trưởng khu vực này đạt 6,3%.
Mặc dù dịch tả lợn châu Phi đến nay cơ bản khống chế, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, rủi ro vẫn rất lớn bởi vẫn còn nhiều ổ dịch nhỏ, đặc biệt ở quy mô hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nếu không cảnh giác, điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học không tốt mà dịch bệnh quay trở lại thì sẽ là một thảm họa.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương tăng cường các hoạt động quản lý chuyên ngành thú y với chủ trương "phòng là chính”, đồng bộ cả hệ thống phải vào cuộc từ khu vực quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người dân phải thực hiện nghiêm những quy trình về vệ sinh dịch tễ để đảm bảo an toàn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Không chỉ chú ý đến tiêm phòng, an toàn dịch bệnh mà còn phải chú ý trong chế biến, giết mổ, bởi đây cũng là khâu dễ gây ra ô nhiễm, lây lan dịch bệnh".
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh. Đồng thời, hoàn thiện việc trình ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh DTLCP; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin DTLCP.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng xúc tiến việc xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021- 2030". Theo đó, các đơn vị phối hợp với Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội tổ chức hội nghị với các Bộ, ngành, các cơ quan của địa phương để tổng kết Đề án giai đoạn 2012 - 2020; xin ý kiến dự thảo Đề án giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, tiếp thu, hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án giai đoạn 2021 – 2030.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…