Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 4 năm 2016 | 1:52

Nhập khẩu chính ngạch gà thịt, gà giống từ Trung Quốc: Cần có lộ trình

Trước việc  Cục Thú y đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép nhập khẩu chính ngạch gà thịt và gà giống 1 ngày tuổi của Trung Quốc, người chăn nuôi rất hoang mang bởi nếu đề xuất được chấp thuận thì nhiều gia đình, trang trại phải bỏ chuồng vì thua lỗ. Trong khi đó, các nhà quản lý, doanh nghiệp đều cho rằng, cần phải có lộ trình cụ thể.

Việc nhập đùi gà Mỹ đã khiến giá gà đồi Yên Thế giảm 5.000 đồng/kg hơi, người chăn nuôi điêu đứng.

Theo ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây - Hà Nội), Việt Nam hoàn toàn có những giống gia cầm chất lượng, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của ngành chăn nuôi hiện nay. “Chúng tôi không đồng tình với việc nhập gà giống và gà thịt từ Trung Quốc. Nếu nhập giống chất lượng của Mỹ, Pháp và các nước có nền chăn nuôi phát triển thì có thể nhập giống cụ, kỵ, ông, bà để lai tạo, còn nhập con giống Trung Quốc thì không. Chất lượng con giống gia cầm của Việt Nam nuôi thương phẩm đang rất tốt; thứ hai là giá cả ổn định vì sao phải nhập?”, ông Chiến nêu câu hỏi.

Trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,8 triệu tấn thịt gà trong khi năng lực sản xuất trong nước đã đạt 3 triệu tấn/năm, tức là gần gấp rưỡi nhu cầu. Trong khi đó, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới thời gian qua vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Ông Trần Công Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho rằng, việc nhập khẩu sản phẩm gia cầm phải có hàng rào kỹ thuật đủ mạnh, tránh tình trạng thương lái lợi dụng chính sách thông thương để hợp thức hóa một số sản phẩm gia cầm đông lạnh tạm nhập tái xuất từ Trung Quốc và “tuồn” hàng lậu, hàng kém chất lượng vào Việt Nam.

“Khi chưa cho phép nhập khẩu chúng ta đã chưa kiểm soát được gian lận thương mại gà nhập lậu kém chất lượng, gà thải loại. Nếu bây giờ hợp pháp hóa thì có cách nào để phân biệt gà nào là gà nhập chính ngạch, gà nào là nhập lậu. Đây là lo ngại nhất của người chăn nuôi”, ông Khanh nói.

Trao đổi với phóng viên về những khó khăn nếu đề xuất của Cục Thú y được chấp nhận, chị Nguyễn Thị Quế, chủ trại gà 2.500 con ở xã Đồng Tâm (Yên Thế - Bắc Giang), cho hay: “Từ năm ngoái, chưa nhập khẩu gà mà nông dân đã điêu đứng, chăn nuôi gần như không có lãi. Nay, nếu đề xuất này trở thành hiện thực, có lẽ chúng tôi phải bỏ chuồng vì càng nuôi càng lỗ”.

Theo ông Dương Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, nhập khẩu thêm gà sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành chăn nuôi trong nước, bởi nguồn cung tăng chắc chắn giá thành sẽ giảm. Từ năm 2015 đến nay, giá gà thương phẩm vẫn thấp, người chăn nuôi lãi ít, riêng gà Yên Thế hiện chỉ dao động ở mức 55.000 - 60.000 đồng/kg, gà đẹp được bán với giá 70.000 đồng/kg.

Ông Tùng cũng cho biết thêm, trước đây, khi Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép nhập khẩu đùi gà Mỹ, giá gà đồi Yên Thế đã giảm 5.000 đồng/kg hơi. “Một đàn gà hàng ngàn con, giảm 5.000 đồng/kg, cả đàn có thể mất tới 5 - 7 triệu đồng, thậm chí lên tới 10 triệu đồng”, ông Tùng đưa ra con số.

Còn theo ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Bắc Giang), nếu cho nhập khẩu gà, nguồn cung trong nước tăng lên trong khi nhu cầu vẫn giữ nguyên đương nhiên giá bán sẽ rẻ. Với các trang trại chăn nuôi ở nước ngoài, họ có công nghệ tiên tiến, chi phí đầu vào thấp dẫn tới giá thành hạ, nên khi họ bán giá rẻ nhưng vẫn có lãi, còn mình sẽ thua ngay trên sân nhà.

“Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi ở Việt Nam chưa thực sự được chú trọng. Trong điều kiện cụ thể, nguồn lực để đầu tư về khoa học công nghệ, giống, chuồng trại… còn nhiều hạn chế nên để hình thành trang trại ở quy mô lớn, áp dụng kỹ thuật nhằm giảm giá thành là điều khó thực hiện, do đó nếu đề xuất của Cục Thú y được chấp thuận, chắc chắn người nuôi gà ở Yên Thế nói riêng, ở Việt Nam nói chung phải thích nghi và thay đổi hướng sản xuất nếu không muốn thua ngay trên sân nhà. Đó là chưa kể nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm nếu chúng ta không làm tốt khâu kiểm dịch đầu vào”, ông Phương nhấn mạnh.

Lý giải vấn đề này, Cục Thú y cho biết, việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới hai nước đã và đang diễn ra, cụ thể là gà thịt, gà giống 1 ngày tuổi từ Trung Quốc sang Việt Nam và trâu, bò, lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết thỏa thuận nào về xuất khẩu, nhập khẩu gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm giữa hai nước. Do vậy, các hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới hai nước đều là bất hợp pháp.

Những con gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vận chuyển qua biên giới phần lớn đều không xác định được nguồn gốc, có nguy cơ mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh… do không có sự quản lý, giám sát của chuyên môn thú y.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc ngăn cấm thương mại quốc tế là rất khó, các nước chỉ có thể áp dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thương mại, bảo hộ cho sản xuất trong nước. Việc này cũng không ngoại lệ với thương mại động vật, sản phẩm động vật, các hàng rào kỹ thuật sẽ giúp hạn chế sản phẩm nhập khẩu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám khẳng định, đề xuất của Cục Thú y đang được lãnh đạo Bộ xem xét, chưa có bất cứ thông tin nào về việc có được thông qua hay không.

Ông Nguyễn Tùng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông, Cục Thú y, cho biết: “Hiện tại, các hoạt động xuất -nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam đều phải theo quy định và quy trình đánh giá của quốc tế. Cụ thể là xác định được vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của quốc tế, bên cạnh đó có sự tham gia đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO).

Tiếp đó cơ quan thú y 2 nước mới tổ chức dự thảo các yêu cầu cụ thể về vệ sinh thú y, quy trình và thủ tục nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật chặt chẽ nhằm đảm bảo không có mầm bệnh xâm nhập vào Việt Nam và an toàn sức khỏe cho con người. Sau đó sẽ tổ chức đánh giá tại nước xuất khẩu và kết quả đánh giá này sẽ được báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét quyết định có cho phép nhập khẩu hay không.

Hoàng Văn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top