Nhập khẩu thịt heo đã tăng 6,7 lần trong khi chăn nuôi trong nước phải đối phó với dịch tả heo châu Phi đang lan rộng.
Bệnh tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 2/2019 đã mở đường cho lợn nhập khẩu tăng số lượng. Số liệu chi tiết từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã chi gần 23,6 triệu USD để nhập khẩu thịt lợn, tăng 6,7 lần so với cùng kỳ năm 2018 (tương đương hơn 3,5 triệu USD).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chăn nuôi lợn đang gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lây lan ra diện rộng (đến ngày 11/5 đã có 55 tỉnh, thành có dịch - PV). Theo số lượng ước tính của Tổng cục thống kê, tính đến tháng 5-2019, đàn lợn cả nước đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Thịt lợn nhập khẩu trước đây hầu như chỉ được đưa vào chế biến công nghiệp nhờ chất lượng và giá cả ổn định thì nay từng bước đã vào nhà hàng, quán ăn. Chủ một nhà máy chế biến thực phẩm lớn tại TP HCM cho biết, gần đây, giá thịt lợn nhập khẩu tăng mạnh như: nạc đùi 75.000 đồng/kg, mỡ heo 46.000 đồng/kg, ba chỉ 92.000 đồng/kg (mua số lượng lớn)... nhưng doanh nghiệp vẫn phải mua trữ để chuẩn bị hàng Tết.
Không chỉ thịt lợn mà hầu hết các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu đều tăng như thịt trâu, bò (gần 228,5 triệu USD, tăng 38%); thịt gia cầm (82,1 triệu USD, tăng 49%), phụ phẩm sau giết mổ (gần 500 triệu USD, tăng 23%).
Sản phẩm chăn nuôi là nhóm ngành có cán cân thương mại ở trạng thái thâm hụt lớn khi giá trị nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2019 vượt khoảng 960 triệu USD so với giá trị xuất khẩu, tăng 23,5% so với thâm hụt thương mại cùng kỳ năm 2018.
Phát hiện 9 cơ sở sản xuất tôm giống sai phạm tại Cần Thơ
Các hành vi vi phạm được phát hiện, gồm sử dụng kháng sinh cấm và thuốc thú y ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; có dấu hiệu làm giả thương hiệu tôm giống; sản xuất (SX) không đúng với tiêu chuẩn công bố áp dụng…
Từ ngày 5/6 đến ngày 07/6/2019, Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Cục An ninh Kinh tế (A04) - Bộ Công an tiến hành thanh tra đột xuất 9 cơ sở SX, ương dưỡng giống tôm nước lợ trên địa bàn TP Cần Thơ.
Qua thanh tra đã phát hiện 9 cơ sở vi phạm quy định về SX, ương dưỡng giống tôm nước lợ. Cụ thể, có 2 cơ sở vi phạm quy định về sử dụng thuốc, kháng sinh hoá chất trong nuôi trồng thủy sản (hành vi sử dụng khánh sinh cấm và thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam gồm Công ty TNHH Giống thuỷ sản Hưng Phú và Chi nhánh Công ty TNHH tôm giống Châu Phi tại Cần Thơ).
Có 9 cơ sở vi phạm quy định về ghi chép và lưu giữ hồ sơ SX, ương dưỡng giống thủy sản, hồ sơ kiểm dịch tôm giống. Đoàn kiểm tra cũng phát hiện Công ty TNHH MTV Tôm giống Xuân Lợi có dấu hiệu làm giả thương hiệu, SX giống tôm nước lợ không đúng với tiêu chuẩn cơ sở đã công bố. Tại thời điểm thanh tra đã phát hiện và thu giữ 15 nhãn hiệu tôm giống tại kho của công ty. Tình trạng này rất phổ biến tại địa bàn TP Cần Thơ.
Ngoài ra, đoàn còn phát hiện Công ty TNHH Tôm giống Long Quy không có trại SX, ương dưỡng tôm giống nhưng cung cấp số lượng tôm giống rất lớn ra thị trường.
Thực tế tình trạng đáng báo động về nguồn tôm giống không đảm bảo chất lượng, SX không tuân thủ các quy định pháp luật từ địa bàn TP Cần Thơ đang được đưa đến vùng nuôi, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến kết quả SX tôm năm 2019 và Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc siết chặt quản lý chất lượng tôm giống, ngăn chặn kịp thời việc SX, cung cấp tôm giống không đảm bảo chất lượng đến người nuôi, Tổng cục Thuỷ sản đề nghị Sở NN-PTNT Cần Thơ chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan triển khai thanh tra, kiểm tra toàn diện về điều kiện cơ sở SX, ương dưỡng; thực hiện công bố chất lượng; kiểm dịch tôm giống; sử dụng thuốc, hoá chất trong SX, ương dưỡng tôm giống và các quy định khác liên quan. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, báo cáo kết quả về Tổng cục Thuỷ sản trước ngày 15/7 để phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường quản lý tận gốc.
Cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam với CPTPP
Việc Việt Nam tham gia vào Hiệp định CPTPP đang mở ra cơ hội cho tăng trưởng xuất khẩu cá tra vào 10 nước khác thuộc Hiệp định này.
Theo VASEP, cả 10 nước CPTPP đều đang là thị trường xuất khẩu của cá tra Việt Nam, với giá trị từ hơn 1 triệu USD đến trên dưới 100 triệu USD.
Cụ thể, trong 10 nước CPTPP, Mexico là thị trường lớn nhất của cá tra, với giá trị nhập khẩu trong năm 2018 là 99,408 triệu USD. Tiếp đó là Canada (48,042 triệu USD), Úc (46,844 triệu USD), Singapore (45,984 triệu USD), Malaysia (38,328 triệu USD), Nhật Bản (32,206 triệu USD), Chile (8,857 triệu USD), Peru (5,043 triệu USD), New Zealand (2,575 triệu USD) và Brunei (1,061 triệu USD).
Trong năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang các nước CPTPP đạt 328,3 triệu USD, tăng 17,3% so với năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang hầu hết các nước đều đạt mức tăng trưởng dương tích cực, ngoại trừ hai thị trường Mexico giảm 4,65% và Peru giảm 19,6%.
Khi CPTPP có hiệu lực, phần lớn các mặt hàng thủy sản, trong đó có cá tra, basa sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu. Vì vậy, ngành hàng cá tra đang lạc quan tin tưởng về cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường truyền thống hoặc tiềm năng với cá tra trong khối CPTPP như Mexico, Nhật Bản hay Chile.
Thương nhân Trung Quốc ùn ùn tới vựa vải thiều lớn nhất Việt Nam
Chiều 14/6, Sở Công Thương Bắc giang cho biết, số lượng vải thiều đã tiêu thụ toàn tỉnh đã vượt 71.600 tấn, trong đó trà vải chín sớm gần 37.400 tấn (đã bán gần hết) và vải chính vụ 34.200 tấn.
Giá vải đến thời điểm hiện nay vẫn ổn định ở mức cao. Giá vải thiều ngày 14/6 dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Vào lúc cao điểm giá vải sớm loại đẹp tại Lục Ngạn có lúc bán được trên 70.000đ/kg.
Năm 2019, diện tích cả tỉnh hơn 28.000 ha, sản lượng dự kiến đạt 150 nghìn tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm là từ ngày 25/5, chính vụ từ ngày 5/6 đến ngày 5/7/2019.
Ở thị trường trong nước, vải tươi được bán rộng rãi, đặc biệt là các tỉnh lân cận Bắc Giang và các thành phố lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TTPHCM, các tỉnh phía Nam.
Vải được tiêu thụ thông qua các thương nhân phân phối, các chợ đầu mối như chợ Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn (TPHCM), Dầu Giây (Đồng Nai) và các trung tâm thương mại, siêu thị Saigon Co.opMart, Big C, Hapro…
Về thị trường xuất khẩu, Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, vải thiếu được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch và một số nước khu vực Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapore, Thái Lan, Úc…
Riêng thị trường Trung Quốc, hiện có khoảng 390 thương nhân người Trung Quốc sang Bắc Giang, phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân xuất hàng sang thị trường này. Tổng số điểm cân trên toàn tỉnh trên 500 điểm, trong đó tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Lục Ngạn, Lục Nam.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, tỉnh vừa tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, trong đó có vấn đề tiêu thụ vải thiều ở Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).
Theo ông Tấn, Sở Công Thương Bắc Giang và Sở Công Thương của Quảng Tây đã ký thỏa thuận lâu dài với nhau về vấn đề thương mại, công nghiệp, trong đó, phía Quảng Tây hàng năm tạo điều kiện xúc tiến tiêu thụ vải thiều, giới thiệu các thương nhân của Trung Quốc sang mua vải thiều của Bắc Giang.
Khi vào vụ, hai bên thống nhất bố trí thêm cán bộ, làm thêm giờ để thực hiện giám định nhanh, thông quan các lô hàng kịp thời.
Về phía Bắc Giang, ông Tấn cho biết, bên cạnh việc, đảm bảo các vấn đề về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc… tỉnh sẽ kiện tối đa về kho bãi, vốn, thủ tục xuất nhập cảnh cũng như giám sát thường xuyên hoạt động thu mua của thương nhân Trung Quốc để tạo điều kiện tiêu thụ vải thiều thuận lợi.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…