Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 7 năm 2022 | 15:23

Nhiều địa phương tập trung xử lý các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường

Xác định bảo vệ môi trường (BVMT) là một nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua nhiều tỉnh, thành đã đẩy mạnh phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm môi trường, lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và các dự án phát triển kinh tế - xã hội

Lạng Sơn: Kiểm soát, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm

Chi Lăng là địa phương nằm ở phía Nam của tỉnh Lạng Sơn. Theo đánh giá từ UBND huyện, hiện nay, các nguồn gây ô nhiễm chính đến từ tốc độ công nghiệp hóa mạnh mẽ và việc đô thị hóa nhanh chóng, các hoạt động sản xuất công nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm sản; song quy mô không lớn, tính chất và các tác động chưa đến mức quá nghiêm trọng. Ngoài ra, còn các khí phát sinh từ giao thông, bụi, hoạt động sản xuất nông nghiệp, khai thác khoáng sản.

 

a-2-mt.jpg
Quan trắc môi trường tại Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ.

 

Trước thực trạng đó, UBND huyện đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường với các cơ sở sản xuất, kinh doanh; duy trì quan trắc hiện trạng môi trường trong khu vực khai thác khoáng sản tại 4 địa điểm hiện đang có hoạt động khai thác khoáng sản gồm: Khu vực mỏ đá của Công ty TNHH đá Thượng Thành tại thôn Lạng Nắc, xã Mai Sao; khu vực mỏ đá của Công ty cổ phần đá Đồng Mỏ tại khu Đoàn Kết, thị trấn Đồng Mỏ; khu vực mỏ đá của Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành tại thôn Cây Hồng, thị trấn Chi Lăng và khu vực mỏ sét của Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành tại thôn Xóm Ná, thị trấn Chi Lăng. Qua kết quả quan trắc, đều chưa ghi nhận được chỉ tiêu vượt quy chuẩn môi trường.

Theo Sở TN&MT Lạng Sơn, toàn tỉnh hiện có 61 dự án khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, thủy điện, chủ yếu là khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; 7 dự án sản xuất gạch nung theo công nghệ tuynel di động và 5 dự án thủy điện đang hoạt động. Các dự án đã có thủ tục, hồ sơ bảo vệ môi trường theo quy định.

Hằng năm, tỉnh đã duy trì quan trắc chất lượng môi trường không khí, tiếng ồn, nước mặt lục địa, nước dưới đất, đất, trầm tích… với 2 đợt quan trắc, tổng số điểm quan trắc là 163 điểm trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Số liệu quan trắc môi trường được theo dõi hằng năm để so sánh, phân tích, đánh giá các thành phần môi trường kịp thời phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

Theo Sở TN&MT Lạng Sơn, với các cơ sở phát sinh nguồn thải lớn, Sở đã đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất công tác bảo vệ môi trường tại các đơn vị. Năm 2021, đã tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính 12 tổ chức, cá nhân, với số tiền phạt gần 800 triệu đồng.

Tuy nhiên, do Lạng Sơn là một tỉnh miền núi đang trong giai đoạn phát triển, tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đầu tư là cần thiết nên kéo theo nhiều áp lực đến môi trường. Các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nguồn lực tập trung cho máy móc, thiết bị sản xuất, việc đầu tư công nghệ xử lý chất thải còn hạn chế, trong khi kinh phí dành cho hoạt động bảo vệ môi trường là khá lớn. Hiện, tỉnh mới đầu tư được 1 nhà máy xử lý nước thải tập trung tại thành phố Lạng Sơn, phần lớn nước thải sinh hoạt khu vực đô thị loại IV, loại V chưa được xử lý đáp ứng quy định về xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường, nguồn tiếp nhận chủ yếu là sông, suối, ao hồ... là một trong những tác nhân gây hiện tượng bị ô nhiễm Suối Lao Ly, hồ Phai Loạn... Các khu, cụm công nghiệp cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung cho toàn khu vực.

Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định về môi trường với các dự án đầu tư, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, công nghệ sạch vào các khu, cụm công nghiệp. Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì thực hiện hệ thống quan trắc, giám sát môi trường để phát hiện kịp thời các điểm ô nhiễm, có phương án khắc phục, xử lý. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền gắn với kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại.

Long An: Nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường

Ông Nguyễn Tân Thuấn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở TN&MT đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực môi trường. Cụ thể, Sở TN&MT đã hoàn thành Đề án quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường trên địa bàn tỉnh Long An. Đồng thời, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh Long An về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh Long An về Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Long An; xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tháng hành động vì môi trường năm 2022.

Sở TM&MT Long An còn phối hợp với UBND huyện Tân Trụ tổ chức thành công Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới; báo cáo và đề xuất UBND tỉnh Long An việc Công ty TNHH Xử lý môi trường Hành Tinh Xanh Việt Nam di dời Nhà máy xử lý và tái chế chất thải.

Đặc biệt, Sở TN&MT đã triển khai Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An về tiếp nhận tập trung các ngành nghề ô nhiễm vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật trên địa bàn tỉnh; ban hành Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm môi trường năm 2022; kiểm tra đột xuất công tác BVMT của các đơn vị trong CCN Hoàng Gia; có văn bản gửi Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố Tân An về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế phát sinh tại các điểm phòng, chống dịch Covid-19.

 

kcn-dau-tu-htxlnt.jpg
Một KCN ở Long An đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường.

 

Thời gian tới, Sở TN&MT Long An sẽ tham mưu UBND tỉnh Long An về các giải pháp nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại 3 CCN: Hoàng Gia, Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông và tình trạng ô nhiễm cục bộ các tuyến kênh, rạch; kiểm soát chặt chẽ công tác BVMT tại KCN, CCN, khu dân cư đô thị; tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2022. Trong đó, Sở TN&MT tăng cường thanh tra công tác BVMT tại KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.

Sở TN&MT Long An sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về TN&MT theo hướng phối hợp chặt chẽ từ địa phương, cơ sở, tập trung vào những vấn đề bức xúc đang đặt ra, nhất là lĩnh vực môi trường; kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ ổn định môi trường, phấn đấu giải quyết tốt các điểm ô nhiễm môi trường đang tồn tại; rà soát việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; thực hiện hoàn thành các dự án về môi trường đảm bảo giải ngân đúng tiến độ nguồn vốn sự nghiệp, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công...

Tập trung xử lý các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp, du lịch, dầu khí, cảng biển, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản,… Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đang tồn tại một số “điểm đen”, “điểm nóng” về môi trường.

Trước thực trạng trên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, BVMT. Trong đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa bàn. Theo đó, đến nay, các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát.

Theo báo cáo thống kê của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây cho thấy, toàn tỉnh hiện còn 6 “điểm nóng” ô nhiễm môi trường. Các “điểm nóng” này vẫn đang được kiểm soát tốt. Cụ thể, các hoạt động chế biến mủ cao su, hoạt động chế biến hải sản tại khu vực cổng số 6 (xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) đã được kiểm soát tốt, không để ảnh hưởng đến nghề nuôi trồng thủy hải sản trên sông Chà Và…

Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã rà soát 66 “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, trên địa bàn, bao gồm: 36 “điểm đen” là hoạt động của các doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi và 30 “điểm đen” công cộng. Đến nay, các địa phương cơ bản đã hoàn thành xử lý các “điểm đen” và từng bước thực hiện để rút dần các “điểm đen” về ô nhiễm, trả lại môi trường trong lành cho khu dân cư.

 

12.jpg
Nguồn thải tại khu vực cổng số 6 đã được kiểm soát tốt, không để ảnh hưởng đến nghề nuôi trồng thủy hải sản trên sông Chà Và

 

Ông Đặng Sơn Hải - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay: Thời gian tới, nhằm đảm bảo chất lượng môi trường, kiểm soát được nguồn thải lớn, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Sở TN&MT sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về BVMT như: Lựa chọn nhà đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên và Dự án xử lý chất thải rắn cho huyện Côn Đảo.

Đồng thời, Sở TN&MT xây dựng Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; xây dựng Kế hoạch quản lý môi trường không khí cấp tỉnh và kiểm kê nguồn khí thải, quan trắc, đánh giá về ô nhiễm bụi; triển khai các giải pháp, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn nguồn cấp nước sạch; thực hiện các giải pháp giám sát, phòng ngừa ô nhiễm vùng giáp ranh, bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước các hồ Đá Đen, Sông Ray.

Cùng với đó, Sở TN&MT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo sở, ngành có liên quan và các địa phương khẩn trương tập trung xử lý dứt điểm các “điểm đen” về môi trường; rà soát, sắp xếp, di dời hoạt động chế biến hải sản vào các khu, cụm công nghiệp tập trung; di dời các cơ sở sản xuất trong các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp; điều tra, khảo sát thực trạng từng cơ sở chăn nuôi thuộc diện phải di dời, chuyển đổi ngành nghề hoặc chấm dứt hoạt động để đánh giá, xác định, lập danh sách, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện và dự trù kinh phí thực hiện chi tiết giai đoạn tiếp theo.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top