Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 6 năm 2016 | 9:22

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Ea Tar vươn lên thoát nghèo

Với việc phát huy tốt các nguồn lực trong công tác xóa đói giảm nghèo, đến nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ea Tar (huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) đã cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Kéo theo đó, diện mạo của địa phương cũng có nhiều khởi sắc.

Cách đây gần chục năm, hộ ông Ama Phương (SN 1970, ngụ tại buôn K’Đoh, xã Ea Tar, huyện Cư M’Gar) là một trong những hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống của gia đình ông gặp vô vàn khó khăn do không có vốn làm ăn, một phần không hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi và chăm sóc cây trồng. Năm 2007, được sự tư vấn của cán bộ xã, ông Ama Phương cùng vợ là Amí Phương vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua bò sinh sản về nuôi. Cứ thế, mỗi năm, số bò này ngày càng được nhân lên, gia đình bán bớt bò để có tiền trả nợ ngân hàng, đồng thời tiếp tục vay vốn để đầu tư mua thêm bò giống cùng cặp heo nái. Ngoài ra, ông Ama Phương còn tận dụng phân bò có sẵn để ủ bón cho cây cà phê. Thời gian sau đó, ông tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây cà phê và vật nuôi do huyện Cư M’Gar phối hợp với xã Ea Tar tổ chức. Sau nhiều năm cần cù chịu khó làm ăn, năm 2010, gia đình Ama Phương dần có của ăn của để và chính thức thoát nghèo. Không dừng lại ở đó, nhằm tăng thu nhập cho gia đình, hiện tại vợ chồng Ama Phương còn đầu tư trồng thêm tiêu xen canh với cây cà phê.

Ông Ama Phương giới thiệu vườn tiêu trồng xen cà phê với cán bộ xã

Đến nay, gia đình Ama Phương đã có được 1,5ha đất rẫy trồng cà phê, mỗi năm thu hoạch trung bình từ 5-6 tấn cà phê nhân và xây dựng được nhà ở khang trang. Ông Ama Phương chia sẻ: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, hàng năm làm không đủ ăn huống chi là để dành. Nhờ Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm, gia đình tôi đã tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi. Từ nguồn vốn vay đó, tôi mới có tiền mua phân bón chăm sóc cây cà phê và mua thêm heo, bò về nuôi. Và hiện nay, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định".

Tương tự, gia đình ông Ama Hoem (SN 1976, ngụ ngụ buôn Drai Sí, xã Ea Tar) cũng là một trong những gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định, nuôi 2 đứa con học đại học nhờ được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Với số tiền vay 20 triệu đồng, Ama Hoem đã đầu tư chăm sóc hơn 2ha cà phê. Công lao ngày ngày dãi nằng dầm sương, không ngại gian khó dần được đền đáp khi rẫy cà phê lên xanh tốt. Bênh cạnh có, để có thêm nguồn thu phụ, gia đình Ama Hoem còn học thêm cách chăn nuôi. “Trước đây, do không có đất sản xuất, tôi suốt ngày chỉ biết làm thuê làm mướn, ai gọi làm việc gì thì làm việc nấy. Năm 2011, gia đình tôi bắt đầu thoát nghèo khiến tôi càng có động lực để phát triển kinh tế. Hiện vườn cà phê của gia đình phát triển tốt và có năng suất ổn định”, ông Ama Hoem hồ hởi cho biết.

Ông Ama Hoem đang khởi công xây dựng nhà ở khang trang

Xã Ea Tar, huyện Cư M’Gar có gần 1.800 hộ với 10 dân tộc anh em cùng sinh sống tại 11 thôn, buôn. Trong 5 năm qua (2011-2015), xã Ea Tar đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước gắn với việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông Trần Xuân Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tar cho biết: “Nhờ phát huy tốt các nguồn lực trong công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, xã chỉ còn 101 hộ nghèo, chiếm 5,53% tổng số hộ toàn xã, giảm 150 hộ so với năm 2011; hộ cận nghèo còn 122 hộ, chiếm 8,81%. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 27 triệu đồng/năm”. Theo ông Quyền, để đạt chỉ tiêu giảm mỗi năm từ 2,5-3% hộ nghèo, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp giúp bà con trong thôn, buôn tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, học nghề. Song song với đó, xã cũng vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, phấn đấu đến cuối năm 2016 sẽ hoàn thành tiêu chí số 11 về hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Quốc Hùng - Thu Thảo

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top