Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 5 năm 2017 | 3:10

Nhiều mặt hàng nông sản còn dư địa xuất khẩu lớn

Tại Hội thảo Triển vọng thị trường nông nghiệp Việt Nam 2017 do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với Vụ Kinh tế (Văn phòng Quốc hội) tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, dư địa xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản còn khá lớn, vấn đề còn lại là nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh để xâm nhập vào những thị trường khó tính.

Gạo thụt lùi, thủy sản, rau quả lên ngôi

Có thể nói, năm 2016 là một năm không vui của xuất khẩu gạo Việt Nam khi giảm tới 27% về lượng và 23% về giá trị kim ngạch so với năm 2015 và là mức thấp nhất trong 8 năm trở lại đây. Đáng lo ngại là, khuynh hướng suy giảm vẫn  tiếp diễn trong quý I/2017, báo hiệu một năm không dễ dàng đối với xuất khẩu gạo khi thời tiết được dự báo rất thuận lợi cho sản xuất lúa gạo tại Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Indonesia; Thái Lan cũng đã tuyên bố xả toàn bộ kho gạo dự trữ, trong đó có khoảng 2,87 triệu tấn gạo đủ tiêu chuẩn làm thực phẩm còn Trung Quốc, Philippines đều có khuynh hướng đa dạng hóa nguồn cung. Những yếu tố này đặt ra cho ngành sản xuất lúa gạo những thách thức lớn.

Theo dự báo, nhiều mặt hàng nông sản còn dư địa xuất khẩu lớn, trong đó có hạt điều.

 Theo TS.Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay bị cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ và các nước mới tham gia vào xuất khẩu gạo như Cambodia và Myanmar. Đồng thời, các nước nhập khẩu gạo truyền thống của chúng ta áp dụng các chính sách hạn chế nhập khẩu gạo như Trung Quốc tăng cường siết chặt nhập khẩu gạo qua đường biên giới và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt trong khi Philippines cố gắng để tự đảm bảo an ninh lương thực. Về xu hướng giá, giá thực tế của lúa gạo có xu hướng giảm trong trung hạn.

Hiện nay, định hướng tăng sản xuất lúa gạo chất lượng cao của Việt Nam gặp cạnh tranh rất mạnh từ cả nước xuất khẩu và nhập khẩu, bởi Thái Lan đã tăng tiêu chuẩn gạo cao cấp, thậm chí còn lập hẳn một cơ quan nghiên cứu để nâng giá trị gia tăng cho ngành gạo trong khi đó, Ấn Độ tập trung tăng tiêu chuẩn kỹ thuật cho gạo Basmati còn Myanmar tuyên bố sẽ nâng cao chất lượng gạo“, ông Kiên nói.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, sự nổi lên của chính sách bảo hộ trên toàn cầu, biến đổi khí hậu, năng lực quản lý chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sẽ đặt ra các thách thức cho ngành thủy sản Việt Nam trong cả ngắn và dài hạn. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của ngành thủy sản đạt đến 7,05 tỷ USD nhưng trên thực tế hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu còn thấp, dư lượng kháng sinh trong sản phẩm vẫn là một vấn đề nhức nhối, xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước còn yếu...

Trong vài năm gần đây, ngành rau quả nổi lên là ngôi sao sáng, giàu tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam khi thành tích xuất khẩu liên tục tăng mạnh qua từng năm, đặc biệt là các nhà xuất khẩu Việt Nam đã mở cửa thành công một số thị trường phát triển, giá cao, qua đó tăng cơ hội đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro thị trường. Tuy vậy, ngành rau quả Việt Nam vẫn còn phân tán, chưa được tổ chức hiệu quả và còn non nớt trên các thị trường quốc tế, xét đến sự gia tăng chính sách bảo hộ trong nền kinh tế thế giới, các rào cản phi thuế trong thương mại rau quả và đặc tính thời hạn sử dụng ngắn của rau quả hàng hóa thô.

Cũng theo ông Kiên, ngoại trừ mặt hàng gạo đang có xu hướng giảm thị phần tại các thị trường chính thì một số mặt hàng vẫn có dư địa phát triển tốt. Ví dụ, thị phần của Việt Nam trên thị trường tôm thế giới tiếp tục khuynh hướng tăng với lợi thế lớn là thâm nhập tốt vào các thị trường phát triển, tiêu chuẩn cao. Hạt điều đang ngày càng được ưa chuộng trong khi thị phần đồ gỗ có khuynh hướng tăng.

Tập trung nâng cao chất lượng

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, năm 2017, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng trước những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016. Về phía cầu, xuất khẩu nông sản phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp và khắt khe, cạnh tranh gay gắt với các nước đang đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nông sản trên các thị trường xuất khẩu, giá cả nhiều mặt hàng nông sản vẫn chưa phục hồi, trong khi các thị trường phát triển dần bão hòa và tăng bảo hộ. Về phía cung, tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển được dự báo tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, năng lực sản xuất dư thừa của một số ngành hàng như chăn nuôi khiến những ngành này gặp nhiều rủi ro từ thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế nội địa, thay đổi nhân khẩu học và đô thị hóa đang chuyển dịch bản chất cân bằng cung – cầu hàng hóa nông sản và thực phẩm nội địa từ lượng sang chất, đặt ra rủi ro chênh lệch cơ cấu cung – cơ cấu cầu, thay vì lượng cung – lượng cầu.

Theo TS. Nguyễn Trung Kiên, trong bức tranh tăng trưởng của ngành nông nghiệp và thương mại nông nghiệp nước ta có một số vấn đề đáng chú ý. Một là động lực tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam suy yếu, kéo theo suy giảm tăng trưởng sản xuất. Hai là tăng trưởng sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang bị đánh giá thấp hơn thực tế, bởi dư địa phát triển cho ngành thuỷ sản, rau quả và đồ gỗ vẫn rất dồi dào, với nhiều tín hiệu tốt từ các thị trường xuất khẩu. Ba là Việt Nam đang tăng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu cho chế biến - xuất khẩu nông lâm thuỷ sản. Cụ thể, năm 2016 tỷ trọng giá trị nhập khẩu so với giá trị xuất khẩu của hạt điều là 58%; cao su là 41%; thuỷ sản là 16%; gỗ và sản phẩm từ gỗ khoảng 26%. "Dường như Việt Nam đang trở thành công xưởng, hay trung tâm luân chuyển tôm của toàn cầu? Bởi năm 2016, Việt Nam vẫn là thị trường xuất khẩu tôm số 1 của Ecuador, số 2 của Ấn Độ và Thái Lan", ông Kiên đặt câu hỏi. 

Dự báo về triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2017, TS.Nguyễn Trung Kiên cho rằng năm nay chúng ta tiếp tục có các triển vọng tích cực. Thực tế cho thấy, trong quý I.2017, xuất khẩu cà phê đã tăng tới 27% về giá trị; thuỷ sản cũng tăng 3%; cao su tăng 6% về lượng và tăng tới 90% về giá trị; rau quả cũng tăng tới 23%. Nếu có lo ngại về thị trường xuất khẩu nông sản thì chủ yếu nằm ở lĩnh vực lúa gạo.

Tuy nhiên, ông Lưu Ngọc Lương - đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mặc dù các chuyên gia đều cho rằng điểm sáng nhất của nông nghiệp Việt Nam trong năm nay là xuất khẩu, song chúng ta cũng không nên quá tự hào về điều này. Bởi trong quý I, xuất khẩu nông sản đạt 7,6 tỷ USD, song nhập khẩu các mặt hàng phục vụ chế biến nông, lâm, thuỷ sản cũng đã chiếm tới hơn 6 tỷ USD và nhập siêu đang có xu hướng tăng.

Về dự báo thị trường quốc tế, TS. Sergio René Araujo – Ensciso (FAO) cho rằng, năm  2017 và các năm tới đưa ra sáu xu hướng: Thứ nhất, tiêu dùng nông sản toàn cầu tiếp tục mở rộng và phát triển theo hướng hàng hóa có giá trị cao hơn. Thứ hai, tăng trưởng tiêu dùng sẽ chậm lại so với thập kỷ trước. Thứ ba, Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Phi hạ Sahara thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Thứ tư, giá nông sản thực tế có xu hướng giảm nhẹ trong dài hạn. Thứ năm, tăng trưởng năng suất sẽ là động lực chính cho sản xuất cây lương thực và thức ăn chăn nuôi. Thứ sáu, tăng trưởng đa dạng theo hướng phát triển chăn nuôi và thủy sản.

Với bối cảnh vĩ mô và thị trường trên, các chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam cần xác định lại động lực chính thúc đẩy ngành nông nghiệp đi lên: tăng năng suất, chất lượng; xác định vị thế của từng ngành hàng nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu để ưu tiên nguồn lực phát triển và xác định lại cơ cấu thị trường cho từng ngành hàng nông sản.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top