Sáng 14/7, tại TP. Hồ Chí Minh, đã diễn ra hội thảo và triển lãm Quốc tế các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm hữu cơ (D – Agrotech 2017).
Với mục tiêu phát triển bền vững, canh tác hữu cơ là một trong những phương pháp canh tác hiện đại, thời gian gần đây hệ thống canh tác nông nghiệp trên thế giới đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn có giá trị cao về chất lượng phù hợp với xu thế hiện tại, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Xu hướng canh tác hữu cơ ngày càng phát triển
Theo nhận định của IFOAM (Liên đoàn Quốc tế về phong trào nông nghiệp hữu cơ) và FiBL (Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Hữu cơ), trong giai đoạn năm 2007 – 2015 xu hướng canh tác hữu cơ đã tăng lên đáng kể ở các quốc gia phát triển như, châu Âu, châu Đại Dương với tổng diện tích canh tác hữu cơ tăng gần gấp đôi. Ở châu Á, khu vực Mỹ La Tinh và Bắc Mỹ diện tích canh tác hữu cơ cũng gần tăng lên. So với năm 2007 thì thời điểm 2015 diện tích canh tác hữu cơ đã tăng lần lượt ở châu Á, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh lần lượt là 37%, 30%, 20%.
Tại hội thảo, TS. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã nêu ra nhận định của IFOAM về chiến lược để phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ là việc đổi mới nhận thức nhằm thu hút sự quan tâm của người nông dân trong việc chấp nhận sản xuất hữu cơ và tăng năng suất. Cải tiến để hoàn thiện trong sản xuất hữu cơ tại các khu vực cũng như địa phương, đa dạng hình thức chứng nhận để đảm bảo sự minh bạch. Quan tâm toàn diện, đầy đủ tính bền vững thông qua sự liên minh với các phong trào để thông qua đó bổ trợ cho sản xuất lương thực và canh tác bền vững. Đồng thời trao quyền toàn diện từ sản xuất đến sản phẩm cuối cùng để thừa nhận sự phụ thuộc lẫn nhau, mối quan hệ đối tác thực sự trong chuỗi giá trị cùng khu vực.
Các đại biểu đến tham dự hội thảo
Theo TS. Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập sâu rộng toàn cầu, nền nông nghiệp truyền thống của nước ta không còn đáp ứng được những yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới. Việc mở ra một hướng đi mới là cần thiết. Chìa khoá mở cánh cửa đó chính là việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn thực phẩm, trong đó nông nghiệp hữu cơ là một bộ phận, một phân khúc tất yếu của thị trường. Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ trên thế giới cũng như Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá về diện tích sản xuất và nhu cầu tiêu thụ.
Nhu cầu về thực phẩm hữu cơ ngày càng cao
Nhận định về thị trường thực phẩm hữu cơ, ông Lê Trọng Lư, Công ty Control Union Việt Nam cho biết, theo FiBL, các thị trường tiêu thụ tiềm năng cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đa số là các nước phát triển ở Bắc Mỹ, một số nước Tây Âu và Trung Quốc. Khảo sát năm 2017 của Viện này thì 10 thị trường lớn nhất của thực phẩm hữu cơ là Mỹ, Đức, Pháp, Trung Quốc, Canada, Anh, Ý, Thuỵ Sỹ, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha. Trong đó, thị trường Mỹ đứng đầu trong danh sách các thị trường lớn của thực phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, để đưa được các sản phẩm hữu cơ vào những thị trường khó tính trên thế giới cần phải có những tiêu chuẩn hữu cơ được người tiêu dùng toàn thế giới tin dùng như EU (cộng đồng liên minh 27 quốc gia châu Âu), Thuỵ Sỹ, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức. Tại Việt Nam một số thương hiệu doanh nghiệp tiêu biểu được thực hành canh tác hữu cơ và đạt chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam như TH, Hoa Sữa Foods, FVF, Organik, Vinamit...
Một số gian hàng được trưng bày tại triển lãm D – Agrotech năm 2017
Theo TS. Hà Phúc Mịch, trong thời gian qua, sự phát triển thị trường toàn cầu về thực phẩm hữu cơ đã có bước phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, năm 2003 có khoảng 26 triệu ha đất nông nghiệp hữu cơ và giá trị thị trường toàn cầu hoá hữu cơ là 25 tỷ USD/năm chiếm 2% so với số tiền 1,3 nghìn tỷ USD mỗi năm trong sản xuất nông nghiệp toàn cầu. Tới năm 2012 đã tăng lên 37,5 triệu ha với giá thị trường là 64 tỷ USD/năm. Tại Việt Nam, từ đầu những năm 1990 đã có các tổ chức phi Chính phủ đến Việt Nam nghiên cứu và đầu tư một số dự án sản xuất hữu cơ như, dự án trồng chè hữu cơ tại Thái Nguyên của CIDCE, sự ra đời của các công ty về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ như, công ty Ecolink và Hanoi Organics đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu chè hữu cơ và rau quả hữu cơ. Ngày càng nhiều địa phương có diện tích và sản lượng nông nghiệp hữu cơ tăng mạnh. Trước năm 2011 chỉ có 7 tỉnh đến nay đã có hơn 30 tỉnh thành (tăng gấp 4 lần). Diện tích sản xuất hữu cơ từ năm 2012 là 36.285ha đến năm 2015 là 76.666ha (tăng 111%).
TS. Hà Phúc Mịch cho biết thêm, bên cạnh những cơ hội thuận lợi trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ như việc tham gia sâu rộng với các quốc gia trên thế giới, tham gia vào các Hiệp định thương mại... Được sự quan tâm của Chính phủ khi Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được phê duyệt. Cùng với đó là sự tham gia phối hợp của Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam với việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trở ngại như chưa có những văn bản quy định chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, người tiêu dùng chưa biết nhiều thông tin về nông nghiệp hữu cơ, hạ tầng phụ trợ cho nông nghiệp hữu cơ chưa có. Ngoài ra, phí chứng nhận hữu cơ của tổ chức quốc tế quá cao, trong khi đơn vị chứng nhận trong nước chưa được hình thành, nhân sự được đào và có kinh nghiệm về nông nghiệp hữu cơ còn rất ít. Chính những điều này cũng là những trở ngại không nhỏ trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam./.
Trường Sơn
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.