Sau hơn 1 năm thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp hàng hóa có chất lượng, đủ sức cạnh tranh, tăng giá trị sản phẩm và phát triển thương hiệu, Lục Nam (Bắc Giang) đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất tập trung.
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/HU của Ban chấp hành Đảng bộ Lục Nam, UBND huyện Lục Nam đã quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng một số loại sản phẩm có thế mạnh.
Đầu tiên phải kể đến là cây vải, diện tích vải niên vụ 2016 - 2017đạt 5.940ha, sản lượng 12.500 tấn. Trong đó, có 1.455ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước đạt 4.278 tấn.
Huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tổ chức, khuyến cáo, hướng dẫn nông dân đưa giống vải sớm vào trồng, góp phần nâng cao giá trị, giá bán bình quân khoảng 45.000 đồng/kg, tổng thu ước đạt 400 tỷ đồng, tăng 52 tỷ đồng so với năm trước mặc dù sản lượng thấp hơn. Lợi nhuận ước đạt 150 triệu đồng/ha.
Na dai cũng là sản phẩm có chất lượng. Với diện tích 1.715ha, sản lượng ước đạt 14.000 tấn, trong đó có 700ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Lục Nam trở thành một trong những vùng trồng na lớn.
Việc trồng, được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đã giúp sản phẩm na dai của Lục Nam được tiêu thụ tại một số thị trường lớn và xuất sang thị trường Dubai 300kg. Hiện, 70% diện tích na của huyện được sản xuất rải vụ, áp dụng kỹ thuật thụ phấn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị. Đặc biệt, thời vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12 nên không xảy ra tình trạng thu dồn dập làm giảm giá trị. Tổng giá trị thu nhập từ na ước đạt 322 tỷ đồng.
Cây dứa cũng được Lục Nam quan tâm nâng cao chất lượng, tăng giá trị và phát triển thương hiệu. Huyện có 390ha dứa, sản lượng 11.505 tấn. Ngoài việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, dứa còn được áp dụng kỹ thuật thâm canh mới như: nâng cao mật độ, tưới nước theo quy trình tiết kiệm, bón phân cân đối, giảm thời gian sinh trưởng từ 18 tháng xuống còn 12 tháng; tổ chức sản xuất rải vụ, góp phần nâng cao năng suất từ 20 tấn/ha lên 35 tấn/ha.
Đặc biệt, rau chế biến, rau an toàn là một trong những thế mạnh của Lục Nam, được quan tâm đầu tư có trọng điểm. Toàn huyện có 1.725ha rau chế biến, rau an toàn với sản lượng ước đạt 32.775 tấn. Trong đó, diện tích rau chế biến là 856 ha, sản lượng đạt 17.976 tấn.
Không dừng lại ở việc mở rộng diện tích, Lục Nam còn hình thành các vùng chuyên canh, đưa các giống mới vào sản xuất như: khoai sọ, đậu tương rau, khoai tây Đức… ứng dụng công nghệ vào sản xuất như: tổ chức xây dựng 2 mô hình nhà lưới, nhà màng với quy mô 2.440m2, hiện đang tiếp tục hoàn thành thêm gần 10 mô hình sản xuất rau an toàn với quy mô 17.054m2.
Huyện đã tổ chức cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 3 cơ sở thu gom nông sản và chế biến chè; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Xây dựng, duy trì các mô hình liên kết trong sản xuất rau, hiện đã tổ chức liên kết sản xuất với Công ty TNHH Đức Lộc Hải Dương, Công ty G.O.C Bắc Giang, Công ty TNHH Hiền Lê Hải Dương trong sản xuất và tiêu thụ dưa chuột, đậu tương rau, khoai sọ với quy mô 150ha. Ngoài ra, Lục Nam đang triển khai hình thức liên kết tiêu thụ các sản phẩm rau như: hành, rau ăn lá, khoai sọ, đỗ leo với quy mô 1.600ha.
Thông qua các hoạt động trên đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các sản phẩm từ rau, tổng thu ước đạt 767,625 tỷ đồng, tăng 86 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Theo lãnh đạo huyện Lục Nam, các kế hoạch, dự án liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và sức cạnh tranh, tăng giá trị sản phẩm và phát triển thương hiệu được triển khai đồng bộ hiệu quả đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững. Đây là động lực thúc đẩy nhân dân tham gia vào phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đủ sức cạnh tranh, tăng giá trị sản phẩm và phát triển thương hiệu.
P.V
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.