Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 12 năm 2015 | 10:23

Niên vụ cà phê 2014 - 2015: Mùa chẳng được, giá cũng mất

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2014 – 2015, ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) thừa nhận, chưa bao giờ ngành cà phê gặp khó khăn kép như trong niên vụ này.

Mất mùa giá giảm

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2015, lượng cà phê xuất khẩu (XK) chỉ đạt 92.595 tấn với kim ngạch hơn 186 triệu USD, giảm 4,9% về lượng và giảm 13% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng lượng XK cà phê toàn niên vụ 2014-2015 đạt 1,25 triệu tấn với kim ngạch 2,62 tỷ USD, giảm 21,9% về lượng và 20,1% về kim ngạch so với niên vụ trước. Đức và Hoa Kỳ vẫn là 2 thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam lần lượt là 200.871 tấn và 145.183 tấn, chiếm thị phần lần lượt là 16,1% và 11,6%. Tổng cộng 20 thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong vụ vừa rồi chiếm tới 85% tổng lượng nhập khẩu của tòan bộ thị trường đối với cà phê Việt Nam.

Dự báo niên vụ 2015/16, ngành cà phê sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: giacaphe.com.

Đối với xuất khẩu, giá cà phê nhân giảm liên tiếp do biến động của thời tiết, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, đồng USD mạnh lên, các nước xuất khẩu cà phê phá giá đồng tiền và nhiều thông tin bất lợi làm giá cả thị trường lên xuống thất thường. Hiện nay, giá xuất khẩu chỉ còn 1.800 USD/tấn so với thời điểm cao điểm là 2.100-2.200 USD/tấn của vụ trước, giảm 300-400 USD/tấn.

“Niên vụ 2014/15 đúng là niên vụ đầy biến động với giá cà phê lên xuống liên tục. Đầu vụ giá ở mức cao nhưng sau đó nhanh chóng đi xuống. Từ tháng 3, mức giá cà phê nội địa trung bình chỉ khoảng 38 triệu đồng/tấn, sang tháng 7, giá cà phê nội địa trung bình chỉ còn 36,6 triệu đồng/tấn. Tháng 9, dù là cuối vụ nhưng giá không những không đi lên mà còn rớt thảm hại, trung bình chỉ còn 35.400 đồng/kg”, ông Hải nói.

 Điều đáng lo ngại là, giá cà phê trong nước hiện nay đã xuống dưới giá thành sản xuất, có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vụ cà phê tới. Người trồng cà phê sẽ giảm chăm bón, thậm chí giảm bớt thuê nhân công tỉa cành. “Nếu thị trường cà phê thế giới không phục hồi thì nguy cơ người nông dân sẽ bỏ mặc vườn cà phê, thậm chí chặt chuyển sang trồng cây khác được giá hơn như hồ tiêu ở những vườn cà phê già, thiếu nước.

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên, một trong những nguyên nhân khiến giá cà phê giảm mạnh là bởi trong cà phê xuất khẩu của Việt Nam dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn khá nhiều. Tập quán canh tác hiện nay của bà con nông dân làm giảm chất lượng cà phê.

“Thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm trong cà phê chưa kiểm soát được, có làm nhưng chưa đến nơi đến chốn. Điều này làm tổn hại đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thậm chí làm mất thương hiệu cà phê của một số doanh nghiệp”, ông Hùng nhấn mạnh.

Đẩy mạnh chế biến sâu

Theo dự báo, niên vụ 2015/16, ngành cà phê sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do biến động thị trường và thời tiết diễn biến phức tạp. Qua đoàn khảo sát và thông báo của Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng thì sản lượng niên vụ 2015/16 sẽ giảm 10% so với vụ trước. Nguyên nhân do diện tích cà phê già, năng suất thấp liên tục gia tăng. Hai là hiện tượng El Nino gây hạn hán và biến động thời tiết thất thường sẽ dẫn đến hạt nhỏ, những vùng không đủ nước thậm chí mất trắng. “Thực tế, niên vụ trước chỉ cần 1.100 quả tươi là thu được 1kg nhân thì niên vụ này phải cần tới 1.300 quả. Điều đó cho thấy, quả cà phê đang nhỏ đi”, ông Hải cảnh báo.

Hiện nay, xu hướng dùng cà phê hòa tan, cà phê chế biến sâu đang ngày càng gia tăng, vì vậy, ông Hải cho rằng, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng thay vì chỉ tập trung xuất khẩu cà phê như hiện nay. Nhu cầu cà phê hòa tan đang rất lớn, giá cả ổn định ở mức cao, thấp nhất cũng đạt 4,7 – 5 USD/kg, thậm chí có thời điểm đạt 10 USD/kg. Hiện, tổng công suất các nhà máy chế biến cà phê hòa tan và cà phê 3 trong 1 đạt 96.000 tấn/năm, các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục khảo sát và chuẩn bị đầu tư vào rang xay, cà phê hòa tan để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có. Điều này cũng tạo áp lực cho các doanh nghiệp trong nước, nếu không nhanh chóng đổi mới cách làm, công nghệ thì chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Thực tế, trong danh sách 30 doanh nghiệp XK cà phê Việt Nam có kim ngạch lớn nhất thì có tới 16 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. “Trong tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự tính toán và những hành động thiết thực nhằm tăng tính cạnh tranh, chứ nếu cứ giữ đà phát triển như hiện tại thì tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đi làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài sẽ không còn xa”, ông Hùng nói thêm.

Về công cuộc tái canh cà phê, ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk cho rằng, đang gặp rất nhiều khó khăn, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ về vốn vay ưu đãi hoặc miễn lãi suất trong thời gian ân hạn cho tiền vay tái canh cà phê.

Trong khi đó, đại diện Viện Khoa học kỹ thuật Tây Nguyên khuyến cáo bà con nông dân, đơn vị quản lý, sản xuất nên điều chỉnh lại quy trình sản xuất, không nên bón quá nhiều phân như hiện nay (hiện bà con đang bón thừa khoảng 2,5-3 triệu đồng tiền phân bón trên 1ha) và áp dụng tưới tiết kiệm.

Trong niên vụ 2015-2016, Vicofa sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đàm phán mở cửa thị trường cà phê chế biến, giảm thuế NK sản phẩm cà phê chế biến tạo điều kiện tăng đầu tư vào chế biến rang xay và cà phê hòa tan trong nước và XK; đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Qũy phát triển cà phê Việt Nam.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

Top