Tập trung khai thác, đẩy mạnh nâng cao sản phẩm nông nghiệp địa phương đang là mục tiêu được bà con nông dân các tỉnh miền Trung hướng tới trong thời gian qua.
Hà Tĩnh: Nâng cao chất lượng đàn dê Hương Sơn
Huyện Hương Sơn vừa ban hành Nghị quyết số 104/NQ-HĐND ngày 20/12/2019 về chính sách hỗ trợ cải tạo đàn dê. Giúp nâng cao chất lượng đàn dê thương phẩm, cải thiện chất lượng con giống.
Theo đó, các hộ chăn nuôi dê có từ 10 con nái được hỗ trợ mua 1 con dê đực; đối với các hộ có dưới 10 con dê nái thì liên kết với nhau đảm bảo đủ 30 con để được hỗ trợ mua 3 con dê đực. Với chính sách huyện hỗ trợ 70%, hộ dân đối ứng 30% kinh phí để mua giống dê đực lai Bách thảo, Boer đạt quy chuẩn, mức hỗ trợ tối đa không quá 6 triệu đồng/con.
Trao đổi với ông Phan Xuân Đức - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết các hộ được hỗ trợ phải có cam kết nuôi dê ít nhất 3 năm. Phát triển tăng quy mô đàn dê so với thời điểm đăng ký. Chích sách trên với mục tiêu phát triển và nâng chất lượng thịt cho đàn dê địa phương, tăng thu nhập cho các hộ nông dân…
Quảng Bình: Tìm kiếm giải pháp tưới nước tiết kiệm trên cây trồng
Thực hiện kế hoạch của Bộ Nông nghiệp-PTNT, những năm quatỉnh Quảng Bình đã thực hiện nhiều mô hình áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước trên diện tích cây trồng cạn. Bước đầu đã mang lại hiệu quả cao so với phương thức truyền thống.
Theo đánh giá, việc ứng dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất cây trồng cạn mang lại hiệu quả nhiều mặt. Do đó, đã làm tăng năng suất cây trồng từ 10-50% tùy theo loại cây trồng, giảm chi phí công lao động tưới nước từ 20-30%, tiết kiệm từ 20-40% lượng nước tưới so với phương pháp tưới truyền thống.
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp-PTNT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến, giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp có sử dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; mở các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để phục vụ sản xuất với quy mô nhỏ, hộ gia đình… được lồng ghép trong các dự án đầu tư công để làm cơ sở nhân rộng mô hình.
Thanh Hóa: Nâng cao phát triển kinh tế, thu nhập cho người dân
Những năm qua, xã Nga Thành (Nga Sơn) đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Qua đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề nông thôn.
Vụ đông năm 2020, toàn xã Nga Thành có hơn 120 ha sản xuất vụ đông; trong đó, có 75 ha trồng lạc, 41 ha khoai tây, 12,1 ha cây dưa leo, rau màu các loại 108,4 ha... Ngay từ đầu vụ đông, xã đã phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... đồng thời, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xác định những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và thực hiện ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.
Nhờ vậy, chăn nuôi trên địa bàn luôn ổn định, ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi với quy mô trang trại, gia trại mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Lãnh đạo UBND xã Nga Thành, cho biết: Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế, đến nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 51 triệu đồng/năm. Thời gian tới, xã tiếp tục tích cực thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất vụ đông. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại theo hướng an toàn sinh học...”.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.