Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 20 tháng 6 năm 2016 | 2:9

Nông dân Hà Tĩnh giàu lên từ kinh tế vườn

Song song với việc thực hiện 19 tiêu chí XDNTM của Chính phủ, Hà Tĩnh còn sáng tạo thêm tiêu chí xây dựng vườn mẫu được người dân hưởng ứng tích cực bởi sự thiết thực. Và việc này đã tạo nên diện mạo mới trong các khu dân cư ở nông thôn.

Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch LMHTX Việt Nam (người đứng phía trước) và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thăm vườn mẫu tại Tượng Sơn, Thạch Hà.

Chủ trương đúng

Từ xưa, cha ông ta đã có câu: “Nhất mẫu trạch bằng bách mẫu điền”, có nghĩa: một mẫu vườn bằng trăm mẫu ruộng, để khẳng định vai trò của kinh tế vườn. Và phong trào cải tạo vườn tạp đã được thực hiện từ những năm 90 thế kỷ trước. Tại thời điểm đó, cải tạo vườn chủ yếu là chặt bỏ tràn lan, đưa cây giống vào sản xuất một cách ồ ạt, thiếu thông tin nguồn gốc nên dẫn đến tình trạng “trồng trước, chặt sau”; phát triển vườn thiếu quy hoạch, thiết kế, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật  vào sản xuất còn hạn chế; đặc biệt thiếu sự chỉ đạo đồng bộ, chưa có bộ tiêu chí cụ thể, vì vậy, hiệu quả kinh tế vườn chưa cao như mong đợi.

Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban chỉ đạo NTM tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn (người đội mũ đang trao đổi với ông Trung) thăm vườn mẫu của gia đình ông Nguyễn VănTrung ở thôn Tân An, xã Cẩm Xuyên.

Theo số liệu điều tra kinh tế vườn của Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh năm 2007, thu nhập từ kinh tế vườn chỉ chiếm 36% tổng thu nhập kinh tế hộ, tỷ lệ vườn hoang chiếm tỷ trọng cao (khoảng 30%) trong tổng số vườn hộ.

Trước thực trạng đó, bước vào xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra quan điểm chỉ đạo nâng cao thu nhập từ kinh tế vườn, đồng thời ban hành chính sách khuyến khích phát triển mô hình vườn mẫu; giao Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh chủ trì thực hiện. Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh đã phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành 5 tiêu chí vườn mẫu; khởi động cho phong trào xây dựng vườn mẫu là những khu vườn được đầu tư, xây dựng một cách khoa học, bài bản: vườn hộ có quy hoạch 3D, 2D, trong vườn có hệ thống cấp, thoát nước; ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt tiết kiệm, tưới nước tự động, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ… Sau hơn 1 năm triển khai tổ chức sơ kết, nhiều khu dân cư được chỉnh trang, nhiều vườn hộ đã được cải tạo, phát triển mang lại hiệu quả kinh tế khá rõ nét, có sức lan tỏa nhanh tại các địa phương.

Kinh tế vườn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Hà Tĩnh.

Ông Lê Ngọc Hà, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện Cẩm Xuyên, cho biết: “Xây dựng vườn mẫu đã làm chuyển biến nhận thức, ý thức của người dân tại các địa phương, tiềm năng kinh tế vườn được phát huy, việc chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào xanh, bảo vệ môi trường được chú trọng. Tạo ra diện mạo mới trong các khu dân cư về kinh tế, cảnh quan, môi trường; thay đổi tập quán sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa, kết nối với thị trường...

Hiệu quả thiết thực

Anh Đinh Văn Dy (thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà) cho biết: Trên khu vườn 2.300m2,  anh trồng các loại cây ăn quả như ổi Đài Loan, nhãn, hồng xiêm; diện tích còn lại trồng các loại rau màu và đào 200m2 ao nuôi cá chép. Chỉ trong năm đầu, thu nhập từ các loại rau ngắn ngày và cá đã đạt hơn 80 triệu đồng.

“Nghề làm vườn có cái vui nhưng mà mệt, phải siêng năng. Không chỉ luôn tay xới xáo, mà mỗi ngày 1-2 giờ sáng đã phải dậy chở hàng ra thành phố để nhập. Mỗi phiên như thế cũng thu được 400-500 ngàn đồng, Tết vừa rồi được giá rau, gia đình tôi thu 1-2 triệu đồng/ngày”, anh Dy phấn khởi chia sẻ.

Kinh tế vườn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Hà Tĩnh.

Từ mô hình vườn mẫu thí điểm xây dựng ban đầu, đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có trên 2.000 vườn mẫu, trong đó có 860 vườn cơ bản đạt chuẩn. Người dân đã biết phát triển kinh tế vườn bằng các giống cây ăn quả mới, ngắn ngày; các vườn rau, củ, quả như: mướp đắng, mướp ngọt, bí xanh… cho thu nhập từ 50-120 triệu đồng/vườn/năm. Xây dựng vườn mẫu đã làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân từ sản xuất truyền thống tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, sản phẩm an toàn vệ sinh và kết nối thị trường; khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng đất vườn và tận dụng được lao động nhàn rỗi. Đặc biệt, phong trào xây dựng vườn mẫu lan nhanh đã làm chuyển biến sâu sắc nhận thức, ý thức của người dân trong việc chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào xanh, bảo vệ môi trường, thắt chặt thêm mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới.

Mới đây, trong chuyến công tác về khảo sát, đánh giá vườn mẫu tại Hà Tĩnh, GS.TS Ngô Thế Dân, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, cho rằng: “Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên thực hiện xây dựng vườn mẫu có bài bản, được người dân hưởng ứng tích cực. Điều này minh chứng cho ý chí, quyết tâm đổi mới tư duy, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào lao động, sản xuất của người dân Hà Tĩnh. Kinh tế vườn đã mang lại hiệu quả thiết thực, bộ mặt nông thôn thay đổi và thực sự tiêu chí thứ 20 trong nông thôn mới Hà Tĩnh đã tạo ra nhiều miền quê đáng cần nhân rộng tại các địa phương trong cả nước”.

 

Theo số liệu khảo sát bước đầu tại các khu vườn mẫu, thu nhập bình quân/vườn đạt 51,4 triệu đồng (27,2 triệu đồng/1.000m2, gấp 4 lần trồng lúa); nhiều vườn cho hiệu quả kinh tế cao, đạt trên 300 triệu đồng/vườn, thu nhập trên đơn vị diện tích đất vườn đạt trên 60 triệu đồng/1.000m2.

Trà Giang - Ngô Thắng

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top