Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 29 tháng 12 năm 2020 | 17:2

Nông dân miền Trung hối hả gieo cấy, chăm sóc cây vụ đông

Thời tiết miền Trung không thuận lợi, ngành nông nghiệp các địa phương đang tập trung chăm sóc cây màu vụ đông , gieo cấy lúa đúng thời vụ.

Thừa Thiên Huế: Lo chậm trễ vụ đông xuân

Sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2020-2021 đang khiến Thừa Thiên Huế đối diện với nhiều khó khăn do đồng ruộng bồi lấp, thủy lợi xuống cấp, nhiều xứ đồng còn ngập nước.

 

tth-33.jpg

Bà con TX. Hương Trà bắt đầu xuống giống cây trồng.

 

Từ sau nhiều đợt mưa lũ đến nay, các xứ đồng vùng trũng Quảng An, Quảng Thành (Quảng Điền) vẫn chưa triển khai vụ đông xuân được.

HTX NN Đông Phú (xã Quảng An) dự kiến đưa vào sản xuất khoảng 240 ha lúa. Hiện, đồng ruộng ngoài đê nước triều đã hạ, HTX tiến hành vệ sinh đồng ruộng, diệt cỏ, lúa chét và cày lật được khoảng 50ha, phần còn lại trong đê nước vẫn cao chưa thể tiến hành tiêu úng.

Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX NN Đông Phú cho biết, theo khung lịch hàng năm của HTX, đối với nhóm giống dài ngày bắt đầu tiến hành gieo sạ từ 10/12, kết thúc 25/12/2020; nhóm giống ngắn ngày gieo sạ từ ngày 10/1, kết thúc ngày 20/1/2021. Đến thời điểm hiện tại, nhóm giống dài ngày đã chậm so với khung lịch thời vụ.

Khó khăn nhất hiện nay là toàn HTX có khoảng 100 ha vùng thấp trũng với cơ cấu gần 100% giống lúa 4B dài ngày nên khả năng trễ khung lịch thời vụ là rất cao.

Ngoài khó khăn thời tiết, HTX NN Đông Phú còn có hơn 1km tuyến đê đã bị vỡ, tràn; 2 ha đồng ruộng bị bồi lấp, từ sau mưa lũ đến nay mới chỉ khắc phục được khoảng 500m, đoạn tuyến còn lại do nước còn ngập nên chưa thể tiến hành gia cố, khơi thông đồng ruộng được.

“HTX đã huy động máy bơm dầu, bơm điện chuyển qua tiêu úng và mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất đông xuân. Chỉ cần thời tiết thuận lợi, chuyển qua giống trung ngày thì công việc vẫn diễn ra bình thường như mọi năm”, ông Thứ cho biết thêm.

Hiện, hàng chục nghìn chậu cúc Tết đang được nông dân Thủy Vân (Hương Thủy), Phú Dương (Phú Vang) tăng cường chăm bón để kịp cung ứng Tết cổ truyền. Đây là vụ hoa Tết được trồng mới hoặc còn sót lại sau trận lũ cuối tháng 11 vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Phương xã Thủy Vân cho biết, gia đình ông triển khai vụ hoa cúc Tết 2021, từ tháng 8 DL với hơn 1.100 chậu. Song, trận lũ vừa qua gây ngập úng trên diện rộng làm 50% lượng hoa bị chết.

Tuy không trễ lịch thời vụ nhưng do xuống giống chậm, gặp rét, số diện tích còn lại sau mưa lũ thân cây thấp, nụ hoa không lớn, nên dự báo chất lượng hoa cúc Tết năm nay không như mong muốn.

Theo Sở NN&PTNT, đối với cây lúa, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh chưa  gieo sạ được, chỉ mới gieo được 42 ha mạ.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, công tác chuẩn bị vụ đông xuân 2020-2021 đã cơ bản hoàn thành, đặc biệt, đối với giống lúa các HTX đã hợp đồng với đơn vị cung ứng giống, Sở đã phân bổ 1.000 tấn cho các địa phương.

Tuy nhiên, do mưa kéo dài, việc triển khai vụ đông xuân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với cây lúa, hiện đã đến thời vụ gieo trồng nhưng do nhiều diện tích đang ngập nên nông dân chưa thể tiêu úng, làm đất và chưa tiến hành tu sửa kênh mương. Hoa màu cũng không sản xuất được nên việc cung ứng cho thị trường Tết sẽ thiếu hụt rất nhiều.

Đó là những “trở lực” rất lớn trong việc khắc phục sản xuất nông nghiệp hiện nay. Ngoài ra, còn có gần 300 ha ruộng đang bị bèo, phù sa bồi lấp ở Quảng Điền và A Lưới, địa phương đang tích cực khắc phục nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Nguy cơ trễ vụ đông xuân năm nay, ông Hồ Vang cho rằng, vẫn chưa thể khẳng định được, bởi nếu cơ cấu vụ đông xuân bằng các giống ngắn ngày thì thời vụ sẽ kéo dài đến tháng 2/2021.

Với một số địa phương cơ cấu giống dài ngày như Quảng Điền (giống 4B) thời gian sinh trưởng 155 ngày, khoảng 25-30/12/2020 là kết thúc gieo sạ, chắc chắn là trễ khung lịch thời vụ.

Từ cuối tháng 11/2020, Sở NN&PTNT đã làm việc với các địa phương, yêu cầu chủ động nguồn giống và nhanh chóng khôi phục hệ thống kênh mương nội đồng bị thiệt hại do mưa lũ.

Ở vùng thấp trũng cần chủ động vật tư nông nghiệp, máy bơm tiêu úng, khi thời tiết thuận lợi, phải tiêu úng để làm đất ngay. Trường hợp không tiêu úng kịp, sẽ chuyển cây trồng, sang giống ngắn ngày để đảm bảo sản xuất, không để diện tích bỏ hoang.

Quảng Bình: Gieo cấy 29.500ha lúa và 25.700ha cây trồng các loại

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành nông nghiệp và các địa phương đang đôn đốc nông dân tập trung chăm sóc cây màu, gieo cấy lúa đúng cơ cấu giống và lịch thời vụ.

 

vđ-91.jpg

Bà Nguyễn Thị Đoan, xã Mai Thuỷ  đang làm đất chuẩn bị vụ đông – xuân

 

Tại phường Quảng Phúc, TX Ba Đồn, người dân đang tích cực làm đất, trồng và chăm sóc cây khoai lang để kịp lịch. Được biết, vụ đông-xuân 2020-2021, Quảng Phúc sẽ trồng 52,4ha khoai lang, ở tổ dân phố Đơn Sa và Diên Phúc.  

Ông Nguyễn Bình Sự, tổ dân phố Đơn Sa, cho biết: “Năm nay, gia đình trồng 750m2 khoai lang. So với lúa thì khoai lang hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần. Sau khi trồng xong khoai, sẽ trồng xen ngô lai trên cùng diện tích”. 

Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND TX. Ba Đồn cho biết, vụ đông-xuân 2020-2021, Thị xã gieo trồng hơn 2.650ha lúa. Hiện, bà con đang làm đất để kịp gieo trồng đúng thời vụ. Năm nay, Ba Đồn tiếp tục sản xuất các giống lúa chủ lực, như: DV108, HT1, HN6, QS447...

Để bảo đảm kế hoạch gieo trồng, Thị xã tiếp tục nâng diện tích tưới các công trình thủy lợi, tưới tiết kiệm nước, tích nước cho các hồ chứa, đắp bờ vùng, bờ thửa để giữ nước, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Phòng Kinh tế Thị xã đã triển khai kế hoạch hỗ trợ giống cho bà con với 4.000 đồng/kg lúa chất lượng, 3.000 đồng/kg lúa thuần.

Tại huyện Lệ Thủy, không khí sản xuất vụ-đông xuân được triển khai hết sức khẩn trương. Theo kế hoạch, vụ đông-xuân 2020-2021, huyện gieo cấy hơn 10.160ha lúa.

Diện tích lúa gieo trồng nhiều ở các xã: Phong Thủy, Hồng Thủy, Lộc Thủy… Hiện, người dân xã Mai Thủy đang khẩn trương cải tạo đồng ruộng, làm đất, chuẩn bị gieo cấy. 

Bà Nguyễn Thị Đoàn, thôn Mai Hạ, xã Mai Thủy cho hay: “Gia đình tôi làm hơn hơn 5.000m2. Dự tính, sẽ trồng hai giống lúa chủ lực là P6 và VN20. Hiện, đang dọn cỏ, thuê máy làm đất, chuẩn bị gieo cấy lúa đông-xuân. Song, mấy hôm nay, mưa rét thất thường, nên việc làm đất gặp khá nhiều khó khăn”.

Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Lệ Thủy cho biết, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài, nhưng người dân Lệ Thủy đã sẵn sàng bước vào vụ đông-xuân. Huyện đã chỉ đạo các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác, có giá trị kinh tế cao.

Đồng thời, đã phân bổ 180 tấn lúa giống, 1,5 tấn rau giống…từ Trung ương hỗ trợ cho người dân, để kịp thời sản xuất vụ đông-xuân. Hiện, Phòng Nông nghiệp huyện đã xây dựng phương án trợ giá giống sản xuất cho người dân, sau khi huyện phê duyệt sẽ thực hiện.

Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch, vụ đông-xuân này, huyện phấn đấu 5.000ha lúa, 700ha ngô, 800ha lạc...

Để bảo đảm cho vụ đông-xuân thắng lợi, ngoài việc chuẩn bị giống, phân bón, vật tư nông nghiệp để cung ứng cho bà con, huyện cũng có chính sách hỗ trợ giá giống, để người dân yên tâm sản xuất.

Cụ thể, hỗ trợ 3.000 đồng/kg các loại lúa thâm canh, lúa chất lượng cao, như: X21, VN20, IR353-66, XT28, Phong Nha 99, PC6…; hỗ trợ 10.000 đồng/kg các giống lúa lai Nhị ưu 838;  hỗ trợ 10.000 đồng/kg các giống ngô lai có năng xuất cao CP3Q, CP511, NK4300, NK6410…; hỗ trợ 6.000 đồng/kg các giống lạc SVL1, L14, L29.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, vụ đông xuân 2020-2021, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng 29.500ha lúa, 4.000ha ngô, 4.300ha lạc, 3.800ha khoai lang, 6.200ha rau màu các loại, 6.500ha sắn…

Để đem lại hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp-PTNT đã tuyên truyền bà con đa dạng hóa giống cây trồng, sử dụng giống có năng suất, giá trị, phù hợp nhu cầu thị trường; xây dựng vùng chuyên canh, gắn với cánh đồng lớn để liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với các nhà máy, cơ sở chế biến. Đồng thời, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh.

Ông Nguyễn Hương Liên, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, đơn vị đã có văn bản hướng dẫn về cơ cấu giống, chất lượng giống cho từng địa phương. Đối với cây lúa, chỉ nên có 2-3 giống chủ lực; khuyến khích sử dụng giống trung và ngắn ngày, trong đó, lúa chất lượng chiếm khoảng 65-70% diện tích.

Những giống thoái hóa, nhiễm sâu bệnh như: X21, Xi23, VN20…, cần hạn chế sử dụng và loại bỏ dần; tiếp tục cơ cấu giống năng suất, chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn, như: P6, PC6, QS447…và giống mới như Phong Nha 99 thay dần các giống thoái hóa.

Đối với cây ngô, các địa phương chỉ nên sử dụng giống ngô lai năng suất cao, thích ứng rộng, như: DK9901, NK6410, NK6101, PAC339…; ngô nếp HN88, Tố Nữ…; ngô sinh khối, tập trung phát triển các giống DK9955, AVA3668, NK7328... Đối với cây lạc, cơ cấu các giống kháng bệnh vi khuẩn, héo rũ như: SVL1, L23, L27, L14...

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án phòng trừ các loại dịch hại ngay từ đầu vụ, chú trọng biện pháp phòng trừ tổng hợp theo hướng an toàn sinh học, thân thiện môi trường; thực hiện tốt công tác dự báo tình hình phát sinh và lây lan dịch hại, thông báo, hướng dẫn để nông dân phòng trừ kịp thời.

Mặc dù thời tiết có nhiều bất lợi, nhưng với sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực từ cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cùng quyết tâm của người dân, kỳ vọng vụ đông-xuân năm nay sẽ tiếp tục được mùa.

Quảng Nam: Nỗ lực sản xuất vụ đông xuân

Huyện Quế Sơn đang triển khai nhiều giải pháp, nhất là ưu tiên khôi phục hệ thống thủy lợi bị hư hỏng do thiên tai, nhằm đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021.

 

qn-99.jpg

 Nông dân Quế Sơn tập trung làm đất chuẩn bị vụ đông xuân 2020 - 2021 theo đúng lịch. Ảnh: T.L

 

Ông Lê Thọ Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 2 cho biết, vụ đông xuân năm nay, gặp nhiều khó khăn do hệ thống thủy lợi bị thiệt hại nặng bởi đợt bão lụt vừa qua. Qua rà soát, toàn xã có hơn 2km kênh mương bị bồi lấp và gần 700m kênh mương hư hỏng.

Nhiều cầu, cống bị cuốn trôi và hơn 2ha mặt ruộng bị cát đá bồi lấp. Đặc biệt, đập chứa nước Hòa Mỹ sạt lở thân đập với chiều dài 100m và bị bồi lấp nặng. Xã Quế Xuân 2 đã chủ động xuất kinh phí 130 triệu đồng, hỗ trợ các thôn khắc phục hạ tầng thủy lợi, cải tạo ruộng đồng...

“Vụ đông xuân 2020 - 2021, Quế Xuân 2 gieo sạ 340ha lúa. Để sản xuất nông nghiệp diễn ra đúng thời vụ, ngoài việc khắc phục thiệt hại do bão lụt, xã còn hỗ trợ 164 triệu đồng triển khai cánh đồng mẫu lớn 40ha lúa tại 5 thôn trên địa bàn. Theo đó, xã sẽ hỗ trợ 50% giống, phân bón và tổ chức 2 lớp tập huấn cho người dân tham gia mô hình” - ông Hồng nói.

Theo ông Trần Vũ Tánh - Phó Trưởng phòng NN huyện Quế Sơn, hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện bị mưa lũ làm sạt lở, bồi lấp rất nhiều, trong đó có 2 trạm bơm, 7 đập thủy lợi và hơn 3km kênh mương  bị hư hỏng nặng, tổng thiệt hại gần 9 tỷ đồng.

Huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung huy động nguồn lực tại chỗ để khắc phục, và có phương án hỗ trợ các công trình hư hỏng nặng.

Trước mắt, huyện Quế Sơn hỗ trợ khẩn cấp 1,6 tỷ đồng sửa chữa trạm bơm Gò Gốc; trạm bơm 2B và kênh dẫn, gia cố kênh chính N6 tại xã Quế Châu; sửa chữa kênh tưới hồ Suối Tiên; gia cố đập Cây Gạo, đập Thác Đá xã Quế Long và 300m kênh mương tại xã Quế Phú để phục vụ nước tưới.

Cạnh đó, hỗ trợ 1 tỷ đồng để khắc phục tình trạng đồng ruộng bị cát, đất, đá bồi lấp và bèo xâm chiếm, không để nông dân bỏ hoang đất lúa.

Ông Nguyễn Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, vụ đông xuân 2020 - 2021 nông dân trên địa bàn huyện sẽ gieo sạ 3.650ha lúa. Đã xuống giống từ 30.12.2020 đến 10.1.2021 theo thời vụ của tỉnh.

Diện tích sản xuất lúa được cơ cấu 60% nhóm giống chủ lực, 30% nhóm giống bổ sung, 10% nhóm giống triển vọng như HT1, Thiên ưu 8, BC15, Hà Phát 3, Bắc Thịnh, MT10, VNR20, QS88...

Thời tiết vụ đông xuân luôn tiềm ẩn bất lợi như mưa lớn, rét lạnh. Do vậy, huyện Quế Sơn đã hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm lịch thời vụ và cơ cấu giống.

Tập trung nhân rộng cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật, mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng BĐKH để nâng cao năng suất, chất lượng lúa.

Đồng thời tăng cường kiểm soát việc kinh doanh, buôn bán giống cây trồng, vật tư nông nghiệp để đảm bảo vụ đông xuân thắng lợi.

 

 

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top