Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 11 tháng 5 năm 2021 | 15:20

Nông dân Tây Bắc làm giàu từ trồng khoai, rau…

Nhiều môi hình trồng khoai lang, rau su su, dưa… cho thu nhập cao đã được bà con nông dân Tây Bắc áp dụng rộng rãi những năm đây.

Điện Biên: Làm giàu từ trồng khoai lang

Chăm chỉ lao động, dám nghĩ, dám làm, anh Ðỗ Văn Khoa, thôn Ðồi Cao, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) đã làm giàu trên mảnh đất quê hương bằng mô hình trồng khoai lang vỏ vàng.

 

trong-khoai.jpg

 Anh Ðỗ Văn Khoa thu hoạch khoai lang.

 

Nhận thấy việc độc canh cây lúa không cho hiệu quả kinh tế cao, anh Khoa đã chủ động tìm hiểu nhiều mô hình phát triển kinh tế tại địa phương và quyết định chọn hướng đi mới bằng việc trồng khoai lang. Anh Khoa nhận sang nhượng 1,5ha đất ruộng trồng lúa của một số hộ trên địa bàn xã, chủ động tìm tòi, học tập kỹ thuật canh tác khoai lang qua sách báo, tivi và những người có kinh nghiệm trồng khoai để áp dụng vào mô hình của gia đình.

Khi mới bắt tay vào trồng khoai lang, khó khăn lớn nhất anh Khoa gặp phải là thiếu nước tưới ẩm, anh phải thuê máy bơm của gia đình khác để bơm nước từ mương lên tưới cho khoai. Nhờ cần cù, chịu khó, vụ đầu anh Khoa thu hoạch hơn 15 tấn khoai trên diện tích 1,5ha, cho thu nhập 150 triệu đồng. Theo anh Khoa, kỹ thuật trồng khoai lang vỏ vàng không khó, chủ yếu là phải chọn mua giống tốt, làm sạch cỏ trên luống khoai và tưới đủ nước. Hơn nữa, khoai lang không phải phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật không tốn nhiều công, vật tư chăm sóc nên lợi nhuận cao hơn trồng lúa.

Sau vụ đầu trồng thử nghiệm, nhận thấy khoai khá hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu; không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp cải tạo lại đất ruộng, sử dụng ít lao động, anh Khoa đã tìm gặp các hộ trên địa bàn xã có đất trồng lúa kém hiệu quả để thuê thêm 1ha đất với giá từ 10 - 15 triệu đồng/năm để mở rộng diện tích trồng khoai lang.

Thời điểm này 2,5ha khoai lang của gia đình anh Khoa bắt đầu vào vụ thu hoạch. Theo tính toán của anh Khoa, với giá bán bình quân 12 triệu đồng/tấn củ, diện tích khoai lang cho tổng thu khoảng 300 triệu đồng; sau khi trừ chi phí thuê đất, mua giống và thuê nhân công chăm sóc, thu hoạch lợi nhuận đạt khoảng 200 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng khoai của anh Khoa, nhiều hộ nông dân trong thôn đã học hỏi kinh nghiệm từ anh, mạnh dạn chuyển hướng phát triển kinh tế bằng việc trồng khoai lang. Chị Nguyễn Thị Huyền, một trong những người học theo mô hình trồng khoai lang của anh Khoa chia sẻ: “Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ anh Khoa, gia đình tôi đã áp dụng để trồng khoai lang. Nhờ đó, kinh tế nhà tôi đã dần ổn định, các con được học tập đầy đủ. Con gái lớn của vợ chồng tôi hiện đang học Ðại học Khoa học năm thứ 4”.

Ông Lương Tuấn Anh, Trưởng thôn Ðồi Cao, xã Thanh An cho biết: Do hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên giống khoai vỏ vàng được trồng trên địa bàn thôn rất ngon ngọt và bở. Trong thôn Ðồi Cao hiện có 53 hộ trồng khoai với diện tích 15,7ha. Những năm gần đây, cứ đến mùa thu hoạch khoai lại có nhiều thương lái ở các địa bàn lân cận và địa phương khác tới thu mua, thậm chí có cả thương lái ngoài tỉnh. Khoai lang có đầu ra ổn định, bán được giá đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân. Ðời sống, kinh tế của người dân trong thôn nhờ đó ngày càng ấm no. 

Hòa Bình: Triển vọng nghề trồng rau su su ở xã Quyết Chiến

 

su-su.jpg

Mô hình trồng rau su su của gia đình bà Bùi Thị Khiết, xóm Biệng, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) cho thu nhập ổn định 7 - 8 triệu đồng/tháng. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Tận dụng điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù vùng núi cao, thời gian qua, người dân xã Quyết Chiến (Tân Lạc) đã duy trì, nâng cao chất lượng, phát triển cây su su trở thành sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, đem lại thu nhập, hiệu quả kinh tế bền vững.

Cây su su được người dân xã Quyết Chiến trồng từ năm 2008 với vài hộ trồng thử nghiệm, do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (Sở KH&CN) đầu tư với diện tích khoảng 0,5 ha. Qua nhiều năm phát triển, cây su su tỏ rõ sự phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa phương, phát triển mạnh, chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân, được thị trường đón nhận. Đến nay, toàn xã trồng 65 ha rau su su, tập trung chủ yếu ở xóm Biệng với diện tích trên 50 ha. 

Thăm vườn su su của bà Bùi Thị Khiết, xóm Biệng, bà cho biết: "Từ diện tích vườn tạp, cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp, gia đình tôi đã chuyển sang trồng trên 3.000 m2 rau su su. Cứ 2 ngày 1 lần thu hoạch, mỗi lần thu từ 1,8 - 2 tạ ngọn su su, giá bán trung bình 4.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi tháng, tôi có thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng”.

HTX rau an toàn Quyết Chiến được thành lập năm 2017 với 7 thành viên, canh tác trên 20 ha. HTX dần khẳng định uy tín, sự phát triển của sản phẩm địa phương, từng bước vươn ra các thị trường lớn. Nhờ sự đồng lòng, quyết tâm của chính quyền và người dân, năm 2020, rau su su của HTX đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh với nhiều kỳ vọng. HTX áp dụng các tiến bộ KH-KT, dán tem truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, thường xuyên chào hàng, quảng bá qua các kênh thông tin, hội chợ trong và ngoài tỉnh, là đầu mối quản lý chất lượng, bao tiêu sản phẩm. Với chất lượng an toàn VietGAP, đầy đủ tem mác, xuất xứ, đóng gói, bảo quản cẩn thận, chất lượng được khẳng định trên thị trường, sản phẩm rau su su của HTX không chỉ đến được các nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh, mà đã vào được hệ thống siêu thị Vinmart, cửa hàng thực phẩm sạch tại nhiều tỉnh, thành phố với mức giá cao gấp 4 - 5 lần so với thu mua tại vườn, được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao. 

Chị Đinh Thị Quyết, Giám đốc HTX rau an toàn Quyết Chiến cho biết: "Được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, HTX tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện về vốn, KH-KT để duy trì, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Diện tích canh tác được theo dõi thường xuyên, kịp thời phát hiện dịch, bệnh hại, đảm bảo chất lượng. Sản phẩm thu hoạch đảm bảo các tiêu chuẩn, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo quản trước khi cung cấp cho đơn vị thu mua. Các khâu thực hiện kỹ lưỡng, nghiêm túc là yếu tố quan trọng, khẳng định thương hiệu sản phẩm rau su su của địa phương, tạo sự bền vững cho mô hình, niềm tin cho các đối tác và người tiêu dùng".

Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến cho biết: "Thời gian tới, xã tích cực đưa sản phẩm rau su su tham gia các gian hàng, hội chợ giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh, tăng cường quảng bá qua các kênh thông tin truyền thông nhằm tìm kiếm thêm nhiều đối tác, tạo đầu ra ổn định hơn. Hỗ trợ về vốn, kỹ thuật canh tác cho HTX và các hộ dân, chú ý đảm bảo vệ sinh môi trường. Kỳ vọng trong tương lai, sản phẩm là một trong những cây trồng chủ lực, thế mạnh cho các xã vùng cao, ngày càng vươn xa hơn ra thị trường. Qua đó, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 31,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 10,6%".

Ngọt thơm dưa Chiềng Ban

Những năm gần đây, người dân bản Chiềng Ban, xã Tú Nang (Yên Châu, Sơn La) đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dưa bở, dưa lê nhanh cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

 

dua.jpg

Nông dân bản Chiềng Ban, xã Tú Nang thu hoạch dưa lê.

 

Dưa bở và dưa lê ở bản Chiềng Ban bắt đầu thu hoạch từ trung tuần tháng 4 đến trung tuần tháng 5. Những quả dưa chín thơm mát, ngọt dịu như đền đáp công sức chăm sóc của người nông dân. Cứ đến vụ thu hoạch dưa là thương lái từ các huyện: Mai Sơn, Thành phố và một số huyện của tỉnh Hòa Bình đến tận nơi để mua dưa về bán. Các hộ dân trong bản còn bày bán dưa ở ven quốc lộ 6, nhộn nhịp khách mua. Các hộ dân bản Chiềng Ban 2 thường trồng các giống dưa lê Phú Điền, Ngân Huy, Cony F1 siêu ngọt và dưa bở Hưng Nông. Dưa bở ở đây có vỏ màu xanh, ruột màu trắng bở tung, thịt dưa cát mịn và có vị ngọt thanh. Còn dưa lê có màu trắng, vị thơm mát, ngọt đậm.

Mời chúng tôi thưởng thức dưa bở thơm nức, anh Hà Văn Dương, Trưởng bản Chiềng Ban, cho biết: Bản có gần 200 hộ dân với 105 ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngày trước, người dân chủ yếu trồng ngô, từ năm 2015, tôi xuống thăm họ hàng ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình), thấy người dân ở đây trồng nhiều dưa bở và dưa lê cho thu nhập kinh tế cao, tôi xin ít giống về trồng thử 100 m² đất của gia đình. Sau hơn 3 tháng cho thu hoạch, dưa hợp đất, thơm ngon, được giá, thế là các hộ dân học trồng theo. Năm nay, cả bản có 85 hộ trồng gần 20 ha dưa lê và dưa bở; năng suất dưa bở đạt từ 8-10 tấn/ha; dưa lê từ 7-8 tấn/ha; sản lượng đạt gần 200 tấn dưa/vụ. Bán giá dưa bở từ 10.000-12.000 đồng/kg; dưa lê 20.000-25.000 đồng/kg, các hộ ở bản có tổng thu hơn 3 tỷ đồng/vụ, trung bình mỗi hộ được thu hơn 35 triệu đồng/vụ.

Chúng tôi theo Trưởng bản Chiềng Ban vào khu vực trồng dưa ở bản, chung niềm vui được mùa dưa với bà con nông dân. Gia đình anh Hoàng Văn Đông năm nay trồng 5.000 m² dưa lê và dưa bở. Từ đầu vụ có mưa, nên dưa phát triển tốt. Đến nay, gia đình anh đã thu được 1,5 tấn dưa bở bán cho thương lái với giá 10-13 nghìn đồng/kg, 5 tạ dưa lê bán giá từ 20-25 nghìn đồng/kg với tổng thu hơn 25 triệu đồng. Dự kiến hết vụ dưa năm nay, gia đình anh Đông thu khoảng 40 triệu đồng.

Bên cạnh ruộng dưa nhà anh Đông, gia đình chị Lường Thị Thuyền cũng đang thu hoạch dưa bán cho thương lái. Chị Thuyền chia sẻ: Nhà có 6.000 m² trồng dưa lê và dưa bở. Do dưa lê được giá, nên nhà tôi trồng 4.000 m², còn lại trồng dưa bở. Dưa là loại cây ưa các loại phân hữu cơ, điều kiện đất ẩm nhưng dễ bị úng nước. Khi trồng, tôi phủ nilon kín các luống dưa để chống cỏ, sâu bệnh và hạn chế nước mưa vào gốc cây. Nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi thì chỉ sau 3 tháng trồng cây dưa sẽ cho thu hoạch. Năm nay, dưa được mùa, được giá; dự kiến hết vụ dưa năm nay, gia đình tôi thu hơn 80 triệu đồng.

Ông Vì Hưng Hiệu, Chủ tịch UBND xã Tú Nang, cho biết: Cây dưa bở, dưa lê trồng trên địa bàn xã mang lại giá trị kinh tế tương đối cao so với các loại cây trồng ngắn ngày khác. Thời gian qua, xã đã tập trung chỉ đạo các đoàn thể phối hợp với một số bản đi tham quan, học tập mô hình trồng dưa để nhân dân thấy hiệu quả làm theo; tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích cây ngắn ngày không hiệu quả sang trồng dưa; phối hợp cơ quan chuyên môn tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa. Hướng phát triển sẽ vận động các hộ dân thành lập HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp mở rộng thị trường và tìm đầu ra ổn định để nông dân yên tâm sản xuất.

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

Top