Cùng với nỗi lo cháy mía, những năm gần đây, nông dân ở Kon Tum còn phải chịu một hình thức phá hoại sản xuất khác, đó là tình trạng chặt phá ngọn mía.
Trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, trên địa bàn phường Lê Lợi và Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum xảy ra 2 vụ cháy cánh đồng mía. Nhờ sự can thiệp kịp thời của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Kon Tum, vụ cháy nhanh chóng được dập tắt nhưng cũng có tới trên 10 ha mía bị thiệt hại.
Cơ quan chức năng địa phương đã tiến hành điều tra nguyên nhân, song chưa tìm ra thủ phạm gây cháy. Bởi vậy, suốt trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua người trồng mía ở đây đứng ngồi không yên, nỗi lo cháy mía át hết cả không khí Tết.
Mía bị chặt ngọn trước thời điểm thu hoạch
Cùng với nỗi lo cháy mía, những năm gần đây người trồng mía ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum còn phải hứng chịu một hình thức phá hoại sản xuất khác, đó là tình trạng chặt phá ngọn mía. Ngay từ tháng 10, tháng 11 hàng năm, khi cây mía còn chưa đến thời điểm thu hoạch, nhiều cánh đồng mía đã bị chặt cụt mất ngọn.
Anh Nguyễn Minh Mẫn, nhà ở Tổ 7, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum trồng 7 ha mía ở cánh đồng Ô Kà Tá, xã Đăk Rơ Wa cho biết, “tôi giữ đầu này thì họ chạy ra đầu kia. Chúng tôi cũng đã nhờ xã can thiệp bằng cách tuyên truyền nhưng vẫn bị chặt ngọn mía nên thất thoát rất nhiều”.
Càng đến thời điểm cuối năm, khi lượng cỏ cho bò vào mùa khô khan hiếm thì tình trạng chặt phá ngọn mía càng xảy ra nhiều. Suốt từ sáng đến chiều tối, dạo qua những tuyến đường ra cánh đồng mía Ô Kà Tá ở xã Đăk Rơ Wa, hay Ô Chuối phường Nguyễn Trãi dễ dàng bắt gặp cảnh hàng đoàn người đi chặt ngọn mía trở về với bó lớn, bó nhỏ chở trên xe máy, thậm chí sử dụng cả xe cải tiến để vận chuyển. Không chỉ người nuôi bò đi chặt ngọn mía, hiện ở thành phố Kon Tum đã xuất hiện một số đối tượng chuyên đi chặt ngọn mía để bán cho những người có nhu cầu.
Ông Đoàn Minh Thiên (ở phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum), nhận đầu tư từ Công ty Cổ phần đường Kon Tum trồng 80 ha mía ngán ngẩm cho biết, "mía vừa bị chặt ngọn, vừa bị giẫm đạp đổ gẫy, thậm chí còn còn chặt sâu lấy cả phần thân cây mía khiến thiệt hại càng lớn. Sốt ruột nhưng đành bất lực".
Theo ông Nguyễn Văn Nhương, Phó trưởng Phòng Đầu tư và Thu mua, Công ty Cổ phần đường Kon Tum, việc cây mía bị chặt ngọn dẫn đến nhiều thiệt hại cả về năng suất và chất lượng mía giảm khoảng 30%, sản lượng giảm khoảng 20 - 25%... Điều này không chỉ thiệt hại cho người trồng mía mà còn thiệt hại cho Công ty, vì khi đưa về nhà máy chất phi đường rất nhiều khiến nhà máy chế biến rất khó khăn.
Tình trạng mía bị chặt ngọn diễn ra thường xuyên, rất khó ngăn chặn
Không thể tự ngăn chặn tình trạng chặt phá ngọn mía để bảo vệ sản xuất, người trồng mía ở thành phố Kon Tum cũng như Công ty Cổ phần đường Kon Tum đã kiến nghị với chính quyền địa phương tăng cường việc đảm bảo an ninh trật tự ở những cánh đồng mía. Thậm chí quá sốt ruột trước những thiệt hại gây ra bởi nạn chặt ngọn mía, một số hộ trồng mía ở xã Đăk Rơ Wa còn tự bảo nhau góp tiền hỗ trợ lực lượng chức năng địa phương tăng cường công tác tuần tra ngăn chặn. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn xảy ra và tồn tại nhiều năm nay.
Với tổng diện tích khoảng 1.000 ha, địa bàn thành phố Kon Tum chiếm tới 80% lượng mía nguyên liệu của tỉnh Kon Tum. Vụ mía năm nay cùng với giá thu mua thấp, nhà máy thu mua chậm thì nguy cơ xảy ra cháy mía và tình trạng chặt phá ngọn mía đang khiến người trồng mía ở địa phương này đứng ngồi không yên. Để người trồng mía có thể yên tâm chờ đến lượt thu hoạch bán cho nhà máy cũng như tiếp tục đầu tư cho mùa vụ sau, việc đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ sản xuất trên những cánh đồng mía ở thành phố Kon Tum cần phải được thực hiện quyết liệt, triệt để hơn nữa.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.