Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 13 tháng 12 năm 2021 | 14:49

Nông nghiệp “cầm chắc” thắng lớn

Xuất khẩu 11 tháng ước đạt gần 43,48 tỷ USD, tăng 14,2%, nếu “phong độ” này tiếp tục được giữ vững trong tháng 12 thì cả năm toàn ngành sẽ “cầm chắc” kết quả vượt mục tiêu đặt ra trong cả năm và sẽ lập nên “kỷ lục mới” với 47 tỷ USD.

 1519360048news10736_mgna-1632275748602.jpgXuất khẩu nông lâm thủy sản vượt mục tiêu đặt ra.

 

Đứng trước những thách thức chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn mang về 43,48 tỷ USD sau 11 tháng. Nếu “phong độ” này tiếp tục được giữ vững trong tháng 12 thì cả năm toàn ngành sẽ “cầm chắc” kết quả vượt mục tiêu đặt ra trong cả năm và sẽ lập nên “kỷ lục mới” với 47 tỷ USD.

Các mặt hàng chủ lực vượt xa chỉ tiêu

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, 11 tháng của năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 82,67 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt gần 43,48 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu ước khoảng 39,18 tỷ USD, tăng 39,0% so với cùng kỳ 2020.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 11/2021 ước đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 11/2020 và tăng 5,8% so với tháng 10/2021. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 43,5 tỉ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 19,3 tỉ USD, lâm sản chính đạt khoảng 14,3 tỉ USD, thủy sản đạt trên 7,9 tỉ USD, chăn nuôi ước đạt 393 triệu USD, nhóm đầu vào sản xuất trên 1,5 tỉ USD.

Các mặt hàng nông sản chủ lực như cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và trị giá xuất khẩu. Cụ thể: cao su tăng 11,7% về khối lượng, tăng 40,5% giá trị; gạo tăng 0,8% về khối lượng, tăng 7,3% giá trị, hạt điều tăng 14,3% về khối lượng, tăng 14,6% về giá trị: sắn và sản phẩm từ sắn tăng 7,9%, tăng 23,0%.

Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 247.000 tấn, giảm 6,7%) nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 54,4% nên trị giá xuất khẩu vẫn tăng 44%; cà phê khối lượng giảm 4,4% nhưng trị giá xuất khẩu vẫn tăng 5,9%.

Châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản số 1 khi chiếm 43,1% thị phần, tiếp đến châu Mỹ (29,6%), châu Âu (11,5%).

Đáng chú ý trong 11 tháng qua, Hoa Kỳ là quốc gia nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam nhiều nhất khi giá trị xuất khẩu đạt trên 11,9 tỉ USD (chiếm 27,5%), thị trường Trung Quốc đứng thứ 2 với giá trị xuất khẩu gần 8,4 tỉ USD (chiếm 19,2%), sau đó đến Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập các mặt hàng nông, lâm, thủy sản 11 tháng ước khoảng 39,2 tỷ USD, tăng 39,0% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 54,2%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt trên 3,1 tỷ USD, giảm 1,8%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 11,0%; nhóm lâm sản chính khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 260,5%; nhóm đầu vào sản xuất trên 6,6 tỷ USD, tăng 33,6%.

Trong 11 tháng, Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nhiều nhất từ các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 30,2%) và châu Mỹ (chiếm 24,1%). Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn nhất, đạt gần 3,5 tỷ USD, chiếm 8,9% thị phần (trong đó mặt hàng bông chiếm 35,5% giá trị); tiếp theo là Campuchia đạt khoảng 3,3 tỷ USD, chiếm 8,5% (mặt hàng điều chiếm gần 61,7%).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 phức tạp nhưng các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp đã và đang về đích tương đối ngoạn mục.

Ví dụ như lương thực đặt chỉ tiêu 43 triệu tấn thì đã đạt 41,2 triệu tấn, rau quả phấn đấu 18,5 triệu tấn thì đã đạt và vượt, 62 triệu tấn thịt, 16 tỉ quả trứng, 1,2 triệu tấn sữa hoàn toàn đạt, thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất thì đến nay cũng gần cán đích.

"Chính phủ giao Bộ NN&PTNT xuất khẩu đạt 42 tỉ USD, chắc chắn xuất khẩu cả năm sẽ đạt 47 tỉ USD, vượt 5 tỉ USD", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Chiến lược và hành động

Năm 2021 đại dịch Covid-19 làm chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy; thiên tai, biến đổi khí hậu dị thường, thế nhưng ngành nông lâm ngư nghiệp vẫn “lập đỉnh” về xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cho biết ngay từ những tháng đầu năm 2021, Bộ đã chỉ đạo thực hiện các chiến lược của từng ngành, từ đó tạo ra dư địa xuất khẩu lớn.

Trong tháng 7, 8, 9 khi tiêu thụ nông sản gặp khó do tác động của dịch Covid-19, hai tổ công tác đặc biệt của Bộ đã kịp thời được thành lập, trực tiếp giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau dịch, nhờ đó, tháng 10, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã tăng trưởng trở lại.

 

ll.jpg
Sơ chế nông sản ở Công ty TNHH sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (Lâm Đồng).

 

Các vùng nuôi, vùng trồng được quản trị theo chuỗi từ cây giống, con giống, quy trình canh tác, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế, chế biến, tem nhãn mác và xúc tiến thương mại.

Ngoài ra, phải kể tới sự phối hợp của các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, các hội đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… và với các địa phương trong hỗ trợ tiêu thụ nông sản rất chặt chẽ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu với các sản phẩm, đặc biệt là những thị trường có tỷ trọng xuất khẩu cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong quá trình xuất khẩu, khi có vướng mắc tại các thị trường, gặp phải các rào cản kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ ngay khó khăn.

Một yếu tố quan trọng khác là thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào chế biến nông sản với 68 nhà máy quy mô lớn đã được xây dựng trong 5 năm qua với giá trị gần 3 tỷ USD. Các doanh nghiệp đã nhanh nhạy, uyển chuyển trong xúc tiến thương mại, đã “lăn xả” vào chào hàng, xúc tiến thương mại trực tuyến khi thấy không thể ra nước ngoài để tham gia các hội chợ hay xúc tiến thương mại trực tiếp.

Để đảm bảo phát triển xuất khẩu nông lâm thủy sản bền vững và tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thế hệ mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, phải đảm bảo duy trì tất cả các tiêu chuẩn, quy chuẩn từ khâu tổ chức sản xuất như giống, vật tư đầu vào, quy trình nuôi, quy trình canh tác, quy trình trồng trọt, mã số vùng nuôi, mã số vùng trồng, đến vận chuyển chế biến cũng như xuất khẩu.

Các doanh nghiệp cần tham gia đầy đủ toàn chuỗi sản xuất nông nghiệp, nhất là những mắt xích còn thiếu và yếu như cơ giới hóa, nghiên cứu sản xuất giống, bảo quản nông sản, hạ tầng logistics...

Thời gian tới, các địa phương cần triển khai hiệu quả các chính sách về phát triển doanh nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, tín dụng cho nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… đã ban hành.

Tận dụng cơ hội xuất khẩu nông sản vào các thị trường lớn, tiềm năng

Trong khuôn khổ Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp với chủ đề “Triển khai Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ-Giải pháp và hành động,” do Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 10/12, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở một số nước đã chia sẻ các xu hướng mới cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, phát triển kinh tế với các nước sở tại; nhấn mạnh lợi thế của các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng như những cơ hội xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng.

 

09_oynd.jpg
Tổ chức sản xuất hàng hóa nông sản theo chuỗi giá trị vừa tạo giá trị gia tăng cao, vừa thuận tiện cho xuất khẩu.

Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên cho biết dịch COVID-19 trở thành thách thức cho các doanh nghiệp tại Áo và Việt Nam trong việc hợp tác phát triển.

Khẳng định tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam phát triển kinh tế, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cho rằng doanh nghiệp Việt Nam muốn hợp tác với các ước châu Âu, tập trung vào các xu hướng xanh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Theo Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, nhiều doanh nghiệp đã chớp lấy cơ hội, tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) về thuế và các điều kiện kiểm soát để đưa hàng hóa vào châu Âu.

“Cùng với các sản phẩm gia công, Đại sứ quán Việt Nam tại Áo luôn tập trung ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp như cafe, gạo, dừa…, bởi nông phẩm mang lại giá trị nhiều nhất cho người Việt, được sản xuất ở Việt Nam, nguồn nguyên liệu Việt Nam. Với Hiệp định EVFTA, nông phẩm luôn có lợi thế,” Đại sứ Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh.

Theo Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, trong khu vực, nhiều nước cũng có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng nhờ Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA, phải "vòng qua" Việt Nam để xuất khẩu. Các đại sứ ở khu vực châu Âu đang nỗ lực đưa các sản phẩm nông nghiệp vào khu vực tiềm năng này.

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cho rằng: “Trong bối cảnh chịu tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19, việc giao thương trực tuyến có thể tiến hành nhưng chỉ nên dừng lại ở việc cung cấp thông tin về sản phẩm, không thể đàm phán qua hình thức này. Nhiều doanh nghiệp Áo muốn vào Việt Nam hợp tác đều quan tâm đến điều kiện cách ly và quay trở lại, quy trình thăm nhà xưởng, tìm hiểu nguyên liệu, đầu mối liên lạc… Trên thực tế, nếu không nhập cảnh được vào Việt Nam thì không thể hợp tác phát triển kinh tế được.”

Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long cho rằng Anh đang phải đẩy mạnh hợp tác thương mại với rất nhiều thị trường khác, sau khi rời khỏi EU, nước này sẽ phải đẩy mạnh hợp tác thương mại với rất nhiều thị trường khác, đặc biệt các thị trường mới nổi để giúp các sản phẩm của Anh trở nên cạnh tranh hơn, các doanh nghiệp vươn xa, từ đó dư địa tăng trưởng lớn hơn.

“Đó là mục đích của Anh, nhưng cũng là cơ hội với các đối tác như Việt Nam. Khi Anh tăng cường hợp tác với các thị trường mới như chúng ta, họ cũng sẽ mở cửa thị trường của họ với các sản phẩm của chúng ta, là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, muốn tăng cường hợp tác, xuất khẩu hàng hóa sang Anh, quan trọng nhất vẫn là chất lượng, bởi đây là một trong những thị trường khó tính. Việc mở cửa thị trường với chúng ta chỉ là điều kiện cần, nhưng chúng ta phải đáp ứng được các yêu cầu của phía Anh - đó là điều kiện đủ,” Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhận định, hiện, các doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực, trình độ, đủ chất lượng, nhưng vẫn còn thiếu sự chuẩn bị bài bản để đi vào thị trường lớn như Anh.

“Đại sứ quán Việt Nam tại Anh có thể hỗ trợ được vấn đề này, bởi vì chúng tôi có những chuyên gia ở bản địa, có thể hỗ trợ, giúp đỡ, tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi có thể kết nối được hợp tác với các hội chợ, triển lãm, các chương trình kết nối quảng bá sản phẩm để kết nối với các đối tác,” Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.

Cũng theo Đại sứ Việt Nam tại Anh, lĩnh vực tiềm năng nhất của Việt Nam đi vào thị trường Anh là nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp chất lượng cao, hướng tới phân khúc thị trường có giá trị gia tăng cao.

“Muốn khôi phục kinh tế, bắt buộc phải mở đường bay, trong bối cảnh hiện nay, là mở đường bay bảo đảm an toàn. Để đẩy mạnh hợp tác kinh tế, các doanh nghiệp phải tăng cường giao thương, giao lưu, đi lại, các nhà đầu tư phải sang tận nơi đàm phán, việc giao thương trực tuyến rất khó,” Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nêu rõ.

Đồng quan điểm, Đại sứ Việt Nam tại Algeria Nguyễn Thành Vinh cho biết, trong bối cảnh chịu tác động của dịch COVID-19, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria và cơ quan thương vụ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp xúc với đối tác doanh nghiệp nước sở tại để tìm hiểu những yêu cầu, thông tin thị trường; tổ chức nhiều cuộc hội thảo xúc tiến thương mại trực tuyến; giới thiệu, cung cấp danh sách các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam trong các ngành hàng cụ thể cho các doanh nghiệp nước sở tại…

Tuy nhiên, Đại sứ Nguyễn Thành Vinh lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp mới thâm nhập thị trường, muốn hợp tác với các doanh nghiệp Algeria cũng như nhiều nước châu Phi, phải lựa chọn đối tác có uy tín, thiện chí và có thể nhờ sự hỗ trợ của Đại sứ quán, cơ quan thương vụ.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Algeria, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của người Algeria rất lớn, trong khi khả năng sản xuất trong nước thấp.

Chính phủ Algeria đang thay đổi chiến lược phát triển kinh tế theo hướng giảm phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. “Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng hóa tiêu dùng…,” Đại sứ Nguyễn Thành Vinh chia sẻ.

Bên cạnh đó, để tận dụng cơ hội hồi phục, tăng tốc xuất khẩu nông lâm thủy sản, công tác xúc tiến thương mại tháng cuối năm được Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Công Thương tập trung vào mở cửa thị trường nông sản với các nước. Trong đó trọng tâm là kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc; các thông tin quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) tới các địa phương, DN, hiệp hội.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top