Trong tiến trình hội nhập và phát triển, dù định hướng trở thành tỉnh công nghiệp nhưng Bắc Ninh luôn coi trọng sản xuất nông nghiệp.
Nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) ở Bắc Ninh đang hiện hữu với những giải pháp sản xuất thông minh gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng - vật nuôi; góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Từ chính sách...
Khuyến khích tập trung ruộng đất, thực hiện dồn điền, đổi thửa, tạo nguồn lực cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC theo hình thức thuê hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp; rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI; bổ sung quy định yêu cầu các xã được công nhận xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu phải có ít nhất 1 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt hiệu quả, huyện được công nhận NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu phải xây dựng 2-3 vùng sản xuất ứng dụng CNC… là những chính sách của tỉnh Bắc Ninh để thực hiện mục tiêu quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo hướng tập trung, quy mô lớn đến năm 2035, định hướng đến năm 2050 phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của từng vùng. Trong đó, tỉnh đầu tư 100% kinh phí xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước) tạo sự phát triển đồng bộ, hiện đại, khép kín, dần hình thành vùng nông nghiệp hàng hóa lớn, giá trị kinh tế cao, đáp ứng tối ưu nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Bắc Ninh hiện có 56 cơ sở trồng trọt ứng dụng CNC, tổng diện tích 213,45ha; 72 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín, tỷ trọng chăn nuôi ứng dụng CNC chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất chăn nuôi; 1.875ha ao, hồ nuôi cá thâm canh có sử dụng máy quạt nước, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước nuôi, 2.267 lồng cá trên sông, năng suất, chất lượng vượt trội so với quy trình nuôi thông thường.
Để thực hiện thành công mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp Bắc Ninh đang tiến hành xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án ứng dụng CNC trong sản xuất, chế biến nông sản. Bên cạnh đó, từng bước hoàn thiện dự án xây dựng hệ thống thông tin nhằm tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin trong thời đại công nghệ 4.0. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số để hướng tới nền quản trị, sản xuất, dịch vụ thông minh, trong đó người nông dân làm chủ, thích ứng với mọi hoàn cảnh, bảo đảm các yếu tố lợi nhuận bền vững, tạo diện mạo nông thôn đô thị hiện đại.
Hệ thống thông tin của ngành còn là cơ sở để tỉnh có những quyết sách đúng, kịp thời trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp phù hợp với thực tiễn; tạo sự tương tác giữa lãnh đạo, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng, ứng dụng hiệu quả các mô hình: Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả an toàn; công nghệ thủy canh, tưới nhỏ giọt, sử dụng đèn LED... sản xuất rau, hoa giá trị kinh tế cao trong nhà màng, nhà lưới; công nghệ chuồng kín, công nghệ sinh học, hữu cơ... trong chăn nuôi gia súc, gia cầm thương phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; công nghệ Biofloc, tuần hoàn tiết kiệm nước... phát triển nuôi một số loại thủy sản chất lượng cao như cá tầm, trắm đen... trong ao đất và cá lồng trên sông…
... Đến hiện thực hóa thành công
Các ứng dụng thông minh đã, đang cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, kỳ vọng nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng và nuôi trồng thủy sản đạt tối thiểu 145 triệu đồng/năm.
Đến nay, Bắc Ninh có trên 50 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung công nghiệp sử dụng công nghệ chuồng lồng, kín và xử lý chất thải sinh học, hệ thống quản lý 5S; hơn 1.000 vùng sản xuất lúa, trong đó có 260 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung; trên 70 vùng rau màu chuyên canh, đưa giá trị sản xuất trồng trọt trên 1ha đất canh tác tăng từ 17,2 triệu đồng (năm 1997) lên trên 107,8 triệu đồng (năm 2021).
Bắc Ninh đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch, an toàn. Xây dựng chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, khai thác mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh qua các kênh tiêu thụ như các cơ sở chế biến, chợ đầu mối, hệ thống các siêu thị, cửa hàng ăn uống, các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, chú trọng tiêu thụ sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đa dạng hóa các hình thức xúc tiến, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm cây trồng - vật nuôi chủ lực. Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là một số ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại như giết mổ, chế biến, bảo quản nông sản... nhằm hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, thích ứng với quá trình đô thị hóa, hội nhập sâu rộng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.