Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 7 năm 2022 | 14:1

Nông nghiệp Thanh Hóa cần có nhiều giải pháp để hướng tới phát triển nông sản sạch

Sáng 12/7, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tiếp tục diễn ra phiên báo cáo tại hội trường. Ngành Nông nghiệp có những đề xuất và kiến nghị được nhiều đại biểu và cử tri đồng tình.

 

Trong ngày làm việc thứ 2, các đại biểu tập trung làm rõ việc dự báo, đánh giá bối cảnh tình hình, thời cơ thuận lợi, khó khăn, thách thức, các chủ trương, biện pháp, giải pháp chỉ đạo điều hành của cấp uỷ, chính quyền của các sở, ngành phụ trách.

Cùng với việc thảo luận làm rõ hơn những điểm mới, đánh giá những khó khăn và hạn chế trong 6 tháng đầu năm 2022, các đại biểu cũng sẽ nhận diện, phân tích đầy đủ hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Qua đó, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2022.

 

hdnd-tỉnh-kyg-7.jpg
Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVIII tiếp tục ngày làm việc thứ 2

 

Thảo luận tại hội trường, trên cơ sở thực tế của tỉnh, của ngành, đơn vị, địa phương mình đang công tác, các đại biểu HĐND tỉnh làm rõ hơn kết quả đạt được của tỉnh trong 6 tháng đầu năm, đề xuất giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm.

Đại biểu Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT đề xuất một số nội dung cụ thể: Đề nghị các huyện tập trung chỉ đạo phát triển vùng vùng mía nguyên liệu, sắn nguyên liệu, vùng trồng luồng, nứa, vầu để bảo đảm nguyên liệu cung cấp cho nhà máy đường, 5 nhà máy sắn, 57 cơ sở chế biến tre luồng và 15 nhà máy chế biến gỗ.

Đối với cây gai xanh, việc tiêu thụ sản phẩm đã có nhà máy lo, việc chăm sóc khá nhàn, chu kỳ không dài, bình quân mỗi năm 4 lứa mà không phải trồng lại như các cây ngắn ngày khác. Đặc biệt, cây gai xanh giúp cải thiện môi trường sinh thái do không phải sử dụng thuốc trừ cỏ và sản phẩm phụ cải tạo đất rất tốt. Vì vậy, đề nghị tỉnh chỉ đạo các huyện tập trung trồng cây gai xanh bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức diện tích trồng trong năm 2022.

 

cao-van-cường.jpg
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT có những đề xuất, kiến nghị về việc phát triển nghành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh

 

Các huyện vào cuộc, cùng với Sở NN&PTNT xác định các vùng chuyên canh phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương để phát triển và xây dựng các thương hiệu nông sản của tỉnh như: Vùng lúa nếp các loại như nếp Cáy nọi ở huyện Mường Lát (350 ha), nếp cái hoa vàng, nếp cái hạt cau (250 ha) ở huyện Hà Trung, huyện Thạch Thành, huyện Ngọc Lặc, huyện Vĩnh Lộc, huyện Cẩm Thủy, huyện Thiệu Hóa (1.500 ha), vùng lúa chất lượng cao khoảng 30.000 ha, trong đó có vùng lúa - cá huyện Hà Trung, vùng lúa - rươi huyện Quảng Xương, huyện Nông Cống. Ngoài vùng lúa, Thanh Hóa còn vùng quế ngọc huyện Thường Xuân, vùng cam Vân Du huyện Thạch Thành, vùng cói thuộc các huyện Nga Sơn, Quảng Xương, Nông Cống, vùng rau trái vụ ở huyện Bá Thước, vùng bưởi Luận Văn huyện Thọ Xuân.

Cùng với sản xuất vùng nguyên liệu, sản xuất chuyên canh, tỉnh cần có các giải pháp để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, có những giải pháp phù hợp để ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển có hiệu quả hơn.

Đại biểu Cao Văn Cường mong muốn, trong quá trình sản xuất, người dân cần giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ. Cần tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ để tạo ra nông sản sạch, sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và đưa đi tiêu thụ trên địa bàn toàn quốc.

 

 

 

Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
Top