Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 7 năm 2020 | 14:56

Nuôi ong Ý: Lợi ích ngoài mật

Anh Bùi Gia Hạnh không chỉ nuôi ong lấy mật mà còn xây dựng điểm trình diễn cho khách tham quan hàng ngày trên tuyến du lịch xã Tà Nung (Đà Lạt) và xã Mê Linh (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà).

tr16.JPG
Cô Leonie Hofsaess (người Đức, sáng lập viên của Dự án bảo tồn loài ong trên thế giới) với hộ gia đình nuôi ong Ý tại đường Vạn Hạnh, Đà Lạt.

 

Hàng chục năm nuôi ong giống gốc từ nước Ý, anh Bùi Gia Hạnh (54 tuổi) cùng những thành viên trong gia đình ở đường Vạn Hạnh (TP. Đà Lạt)  không chỉ đưa đàn ong “du mục” khắp nơi trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng lấy mật từ hoa, lá, mà còn xây dựng điểm trình diễn cho khách tham quan hàng ngày trên tuyến du lịch xã Tà Nung (Đà Lạt) và xã Mê Linh (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà).

Thu hút khách tham quan trải nghiệm

Dưới chân đèo Tà Nung,  Nông trại Ong - Dalat Bee Farm mới hơn một năm mở cửa đã thu hút ngày một đều đặn khách du lịch đến tham quan trải nghiệm, thưởng thức, mua quà đặc sản các sản phẩm mật ong, sữa ong chúa, phấn ong… sản xuất tại chỗ.

Đến đây một ngày tháng 6, phóng viên gặp đoàn khách đến từ một thành phố phía Bắc háo hức tìm hiểu, khám phá ngay từ những lời thuyết minh đầu tiên của chủ nhân trẻ Bùi Quốc Hải (sinh năm 1992): “Đây là một tổ ong được tổ chức ổn định với các thành phần ong thợ, ong chúa và ong đực. Trong đó  98,9% là ong thợ, 0,01% ong đực và duy nhất 1 ong chúa. Hiện tại, nông trại 2.000m2 bố trí gần 40 thùng ong, khách tự do tham quan hoàn toàn không thu phí…”.

Vừa thuyết minh, Bùi Quốc Hải vừa nhanh tay mở nắp thùng gỗ, nhấc lên một “chiếc cầu” cho khách tiếp xúc cận cảnh tấp nập những con ong đi - về chăm chỉ làm mật. Mọi người khách đều không lo ngại bị ong “chăm sóc” vì đều được đội mũ lưới bảo hộ của nông trại cấp phát trước khi vào trong tham quan. 

Nhìn bao quát 2.000m2 nông trại, phóng viên ghi nhận không gian ngập đầy các loại hoa đinh hương, ngũ sắc, cúc họa mi, dâm bụt, lavender, sim Úc… vừa khoe sắc, vừa cung cấp “nguyên liệu” tại chỗ cho đàn ong chuyển hóa thành mật ngọt.

Dạo bộ quanh đường hoa rồi nghỉ chân bên trong showroom rộng hàng trăm mét vuông, du khách được chủ nông trại tư vấn cách sử dụng từng loại sản phẩm mật ong đặc trưng của phố núi Đà Lạt.

Chị Tâm Phương,  nhà đầu tư nông nghiệp đến từ một thành phố phía Bắc đánh giá: “Lần đầu tiên tham quan Dalat Bee Farm, tôi và những người bạn cùng đi cảm thấy thật thú vị. Không chỉ được tận mắt xem đàn ong tạo mật mà còn chụp khá nhiều ảnh lưu niệm những loài hoa đẹp, đồng thời chọn mua các dòng sản phẩm mật ong có chất lượng, dán tem nhãn ghi rõ địa chỉ sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, giá cả phù hợp.

Nông trại tọa lạc mặt tiền đường nhựa lớn, thuộc tuyến đường kết nối các điểm du lịch đã có thương hiệu về sản xuất, chế biến cà phê, nuôi dế thương phẩm, chế biến rượu, trồng dâu nuôi tằm, se tơ dệt lụa… nên khá thuận lợi cho du khách chúng tôi bố trí một ngày tham quan nhiều điểm ở Đà Lạt và vùng phụ cận”.

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Phóng viên đề nghị và được chủ nông trại Bùi Quốc Hải đưa đến đường Vạn Hạnh,  để tận mắt chứng kiến những “đàn ong chủ” vừa “du mục” từ Bình Phước trở về. Anh Bùi Gia Hạnh (sinh năm 1966, ba của Bùi Quốc Hải) nhiệt tình mở nắp những thùng ong (trong tất cả 250 thùng) để phóng viên trải nghiệm theo từng câu chuyện kể.

 

tr17.JPG

Du khách trải nghiệm quy trình nuôi ong Ý lấy mật tại Nông trại Ong -Dalat Bee Farm ở xã Tà Nung.

 

Chuyện bắt đầu từ hơn 10 năm trước, anh Hạnh trở lại nghề nuôi ong Ý sau bao năm làm nhiều công việc khác nhau. Với quy trình kỹ thuật thực hành tương đối hoàn chỉnh từ những năm 80 của thế kỷ trước, năm 2010, anh Hạnh không mấy khó khăn khi chia tách 3 con ong chúa giống Ý để tái nuôi 3 thùng. Hàng năm vừa nuôi “du mục” khắp nơi lấy mật, vừa nhân đàn, đến nay, anh Hạnh ổn định số lượng kinh doanh 290 thùng ong. Trong đó gồm 40 thùng ong trình diễn tại Nông trại Ong Đà Lạt cho con trai Bùi Quốc Hải quản lý, chăm sóc kết hợp phục vụ khách tham quan theo nhu cầu. Còn lại 250 thùng theo bước chân anh Hạnh đi lấy mật từ hoa, lá khắp vùng Đà Lạt xuống các huyện trong tỉnh Lâm Đồng, rồi xuống các tỉnh Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương…

Anh Hạnh chia sẻ: “Hàng năm, đàn ong Ý chỉ lấy mật hoa quỳ vàng Đà Lạt từ tháng 10 - 12. Còn lại 9 tháng di chuyển lấy mật từ hoa cà phê các huyện trong tỉnh Lâm Đồng đến hoa thanh long Bình Thuận rồi hút mật trên phiến lá tràm, lá cao su của Bình Phước, Bình Dương. Mỗi đợt “du mục” kéo dài 1-2 tháng… “.

Theo đó, chăm sóc đàn ong Ý đúng kỹ thuật về phòng bệnh, cân đối dinh dưỡng thì doanh thu mật ong trung bình đạt khoảng 300.000 đồng/thùng/tuần. Trong khi vốn đầu tư ban đầu chỉ 700.000 đồng/thùng. Đến nay, với quy mô 290 thùng ong Ý, anh Bùi Gia Hạnh cùng con trai Bùi Quốc Hải dự kiến tiếp tục mở rộng mô hình tham quan, trải nghiệm và trao đổi kinh nghiệm sản xuất mật, phấn, sữa…, ổn định năng suất và chất lượng an toàn thực phẩm, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước.

Cùng với phóng viên nghe kể chuyện gây dựng tái đàn ong Ý ở đường Vạn Hạnh, còn có cô Leonie Hofsaess (người Đức), sáng lập viên Dự án nghiên cứu bảo tồn loài ong trên thế giới. Cô Leonie Hosfsaess góp chuyện: “Thật tuyệt vời! Dalat Bee Farm rất đáng khuyến khích phát triển để góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn loài côn trùng thụ phấn hiệu quả cho cây trồng, từ đó chung tay bảo vệ bền vững môi trường sinh thái tự nhiên …”.

 

 

Văn Việt
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top