Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 10 năm 2019 | 8:49

Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi ong

Hôm nay (10/10), tại TP. Hòa Bình đã diễn ra Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi ong tại các tỉnh miền núi phía Bắc”.

20191009_152007.jpg

 Từ nuôi ong mật, gia đình ông Lại Văn Tăng, ở tổ 14, phường Đồng Tiến (TP. Hòa Bình, Hòa Bình), lãi hơn 200 triệu đồng/năm.

 

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hết năm 2018, cả nước có 1.258.578 đàn ong, sản lượng 49.084 tấn. Ong nuôi tập trung chủ yếu ở miền núi và trung du miền núi phía Bắc với trên 442 ngàn đàn, Tây Nguyên trên 361 ngàn đàn, đây là những vùng sinh thái được đánh giá là nơi có tiềm năng để trở thành vùng sản xuất mật ong tập trung.

Năm 2018, nước ta xuất khẩu 43.938 tấn, trị giá 76,5 triệu USD. Trong đó, Hoa Kỳ và EU là 2 thị trường chính.

Thông qua cơ chế, chính sách, các chương trình dự án trong và ngoài nước hỗ trợ về mặt kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật giúp cho người dân phát triển chăn nuôi ong có nhiều thay đổi tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Nhiều hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã mạnh dạn đầu tư nuôi ong đặt kết quả tốt.

Người nuôi ong nhận thấy, nghề nuôi ong mật không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là nghề góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đem lại lợi ích cho cây trồng. Việc phát triển cây trồng cũng là tăng cường nguồn thức ăn tự nhiên cho đàn ong mật.

Hiện nay, tại các tỉnh nghề chăn nuôi ong từ hình thức chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ đã chuyển dần sang hình thức đầu tư nuôi ong tập trung với số lượng và đã hình thành các mô hình câu lạc bộ, hợp tác xã hoạt động rất có hiệu quả và nhanh chóng nhân rộng ra khắp các tỉnh.

Một số tỉnh như: Hà Giang, Sơn La đã xây dựng thương hiệu, được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong bạc hà “Mèo Vạc”; cấp Giấy chứng nhận đăng lý nhãn hiệu tập thể “mật ong Sơn La”... Chất lượng sản phẩm tạo ra từ nuôi ong mật như mật ong, sữa ong chúa, sáp ong, keo ong, phấn hoa... được nâng lên, được người tiêu dùng trong và ngoài nước quan tâm.

 

20191010_081409.jpg

 Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó piám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn.

 

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong 2 năm trở lại đây một thách thức đang đặt ra cho xuất khẩu mật ong của Việt Nam ra thị trường thế giới là yêu cầu chất lượng mật ong của các thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn. Bên cạnh đó, thị trường mật ong quốc tế cũng có tác động lớn đến xuất khẩu mật ong của Việt Nam, với việc thị trường thế giới bão hòa, lượng mật ong Việt Nam xuất khẩu cũng giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, sản xuất mật ong trong nước vẫn còn nhiều bất cập.

Công tác chọn lọc và nhân giống ong mật khó và tốn kém hơn nhiều so với chọn lọc và nhân giống vật nuôi khác. Trong những năm qua công tác nghiên cứu về ong còn hạn chế về tiến bộ kỹ thuật, giống ong chưa được cải tiến, trong sản xuất giống ong có sự pha tạp của nhiều phân loài và được nuôi giữ qua nhiều thế hệ nên tỷ lệ cận huyết cao.

Phần lớn người nuôi ong chỉ chọn giống ong theo cảm quan, chọn các đàn mẹ tốt tại thời điểm tạo chúa mà không chú ý theo dõi, ghi chép lý lịch trong thời gian dài và không chú trọng đến chọn đàn làm bố.

Những hạn chế về kiến thức của người nuôi ong và việc không tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng, quy trình khai thác, chế biến, bảo quản do nhà nước ban hành đã làm giảm chất lượng sản phẩm, nhiều lô hàng mật ong xuất khẩu có tồn dư thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật đã bị trả về ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sản phẩm và gây thiệt hại kinh tế lớn.

Sự liên kết giữa các hộ nuôi ong và khai thác mật trong nước rất kém, không đồng nhất về chất lượng, quy trình áp dụng và giá bán sản phẩm thậm chí còn cạnh tranh nhau; tại một số địa phương, người dân thiếu thông tin và kiến thức về thụ phấn cây trồng dẫn đến đốt, xua đuổi ong, phun thuốc trừ sâu vào đàn ong vì cho rằng ong phá hoại mùa màng. Điều này cũng gây thiệt hại cho ngành ong và phá vỡ đi hệ sinh thái, mối liên kết bền vững giữa con ong và cây trồng.

 

20191010_081442.jpg
Diễn đàn thu hút hàng trăm các chuyên gia, hộ nuôi ong ở các tỉnh phía Bắc.

Để nâng cao hiệu quả và giá trị mật ong xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng, cần kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn thực phẩm, đặc biệt là tồn dư thuốc kháng sinh, thuốc BVTT trong mật ong.

Xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm tái cơ cấu ngành ong theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đẩy mạnh áp dụng Quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) trong chăn nuôi ong an toàn, GMP trong chế biến, đóng gói mật ong xuất khẩu và việc mở rộng liên kết sản xuất giữa các đối tác trong ngành ong.

Tại vùng sản xuất cần xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ nuôi ong, liên kết giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến, xuất khẩu, tiêu dùng thành chuỗi hàng hóa, cần đầu tư cho nghiên cứu công nghệ, khuyến nông để phát triển bền vững nghề ong theo hướng xuất khẩu, hình thành hệ sinh thái bền vững.

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top