Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 12 năm 2017 | 9:2

Ồ ạt chặt vải trồng cam ở Lục Ngạn: Đáng lo ngại!

KTNT - Vải  thiều được coi là cây “vàng” trong xóa đói giảm nghèo ở huyện miền núi Lục Ngạn, Bắc Giang, thương hiệu của loại trái cây này đã trở nên nức tiếng. Nhưng hiện nay, hàng nghìn hecta vải đang bị chặt phá để chuyển sang trồng cam, bởi hiện thu nhập từ cam gấp 10 lần so với trồng vải.

Đây là một hiện tượng đáng lo ngại, không chỉ phá vỡ cơ cấu cây trồng của tỉnh mà còn có thể dẫn đến nguy cơ “khủng hoảng thừa” cam như nhiều cây trồng trước đó.

Ông Trần Duy Hà trong vườn cam cho thu nhập tiền tỷ.

Nhân dịp “Ngày hội trái cây huyện Lục Ngạn” vừa qua, chúng tôi được các đồng chí cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Lục Ngạn hướng dẫn đến thăm vườn cam lòng vàng rộng hơn 1ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Trần Duy Hà, ở thôn Trường Sinh, xã Tân Quang. Đi trong vườn cam rộng 1ha, với 1.100 cây cam, cây nào cũng trĩu quả vàng rực, vô cùng thích mắt.

Lợi nhuận 800 triệu đồng/ha

Ông Trần Duy Hà phấn khởi cho biết: Bình quân mỗi cây cho 1,5 - 2 tạ quả, những cây sai quả nhất cho tới 3 tạ. Hiện, thương lái đến thu mua buôn tại vườn với giá 20.000 đồng/kg, mỗi cây thu được 3-4 triệu đồng. Ước tính cả vườn cam năm nay sẽ cho doanh thu 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận 900 triệu đồng.

Vốn là hộ dân năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế nên cách đây 14 năm, khi thấy giá cả quả vải thiều không ổn định, gia đình ông Hà đã quyết định mua 150 cây giống cam lòng vàng về trồng khảo nghiệm, thay thế cho diện tích vải thiều kém chất lượng. Nhận thấy cam lòng vàng có thể sinh trưởng, phát triển tốt trên đất đồi Lục Ngạn, thị trường tiêu thụ sản phẩm thuận lợi nên khi đã làm chủ được khoa học kỹ thuật, gia đình ông Hà tiếp tục mua giống mở rộng vườn cam lên 1ha với trên 1.100 cây. Trong 3 năm gần đây, vườn cam lòng vàng nhà ông Hà luôn cho thu hoạch ổn định với sản lượng đạt từ 30  - 35 tấn quả/năm, giá trị thu về đạt từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng.

Năm 2012, gia đình ông Trần Duy Hà tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 1 mẫu vườn nữa để trồng cam đường Canh. Những năm vừa qua, vườn cam này cũng cho ông Hà thu lãi 200 – 300 triệu đồng/năm. Như vậy, tính tổng thu nhập cả 2 loại cam, mỗi năm gia đình ông Hà thu lãi trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, trong vụ cam năm 2017, được sự hỗ trợ của cán bộ Trạm Khuyến nông Lục Ngạn, gia đình ông Hà đã thực hiện thành công mô hình sản xuất cam lòng vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đầu tháng 11/2017, mô hình trồng cam lòng vàng của gia đình ông Hà đã được nghiệm thu, đánh giá đạt tiêu chuẩn quy trình VietGAP, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Ở Lục Ngạn, giờ không thiếu những triệu phú, tỷ phú nhờ trồng cây có múi như ông Hà. Nhưng sức hấp dẫn từ loại cây này cũng đang dự báo những hệ lụy cho tương lai khi cơ cấu cây trồng của huyện có nguy cơ bị phá vỡ; cùng với việc hình thành nhiều vùng chuyên canh cây có múi ở các địa phương có thể dẫn đến một cuộc “khủng hoảng thừa”.

Ồ ạt chặt vải trồng cam

Đến xã Hồng Giang, nơi đang nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới mang đặc trưng riêng của vùng trọng điểm cây ăn quả của cả nước, chúng tôi cảm nhận rõ nét cuộc sống sung túc của người dân nơi đây. Tuy nhiên, trước đây, vườn đồi thuần sắc lá vải thiều, nay nhiều ruộng, vườn được phủ xanh bởi những loại cây có múi. Gia đình chị Trần Thị Thật, thôn Kép có hơn 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) vải thiều trồng hơn 10 năm vừa được chặt bỏ thay thế bằng cây cam. Chị Thật cho hay, mấy năm gần đây, cây cam ở Hồng Giang cho trái sai, được giá, thương nhân khắp nơi về tận vườn thu mua nên không những chị Thật mà nhiều hộ trong xã vội “bỏ vải theo cam”.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Hồng Giang, ông Bùi Đức Văn, từ năm 2013, xã chủ trương chuyển đổi toàn bộ đất lúa sang cây ăn quả. Cùng với đó, mấy năm qua, trên địa bàn xuất hiện một số tỷ phú từ cam khiến phong trào trồng cam, bưởi, quýt diễn ra mạnh mẽ. Đến nay, toàn bộ 99,5ha lúa được bà con thay thế bằng cây có múi, chủ yếu là cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi Diễn, chưa kể diện tích vải thiều chuyển đổi hàng chục hecta. Ngoài ra, có 60ha vải thiều đã được các hộ gia đình chuyển đổi sang trồng cam.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, trước đây khách chỉ biết đến Lục Ngạn qua vải thiều. Thời kỳ đỉnh cao, toàn huyện có khoảng 22.000ha vải thiều, nay thu gọn chỉ còn 16.200ha và người dân tiếp tục chuyển sang trồng cây có múi, nhất là cam. Từ diện tích trồng cam chỉ vài trăm hecta, đến nay, toàn huyện đã có 11.000ha trồng các loại cây có múi như cam, bưởi… sản lượng cây có múi hiện  lên tới gần 30.000 tấn. Trong đó, riêng diện tích trồng cam đạt gần 6.000 ha. Nay Lục Ngạn đã và đang hình thành vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc với diện tích trên 26.000ha cây ăn quả các loại, thu nhập từ trồng cây ăn quả hơn 3.000 tỷ đồng/năm.

Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ cây ăn quả có múi trên địa bàn, những năm gần đây, huyện Lục Ngạn, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đã phối hợp nghiên cứu, đánh giá các giống cây ăn quả như cam đường Canh, cam V2, cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi da xanh… Thực tế cho thấy, các giống cây ăn quả có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trên địa bàn và mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Từ cơ sở này, tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đã lên quy hoạch và triển khai Đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, thúc đẩy phát triển trồng cây có múi.

Tuy vậy, ông Liêu Xuân Hòa, từng là Chủ tịch Hội Nông dân huyện kiêm Chủ tịch Hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn nêu băn khoăn: Cây vải từng được coi là cây “vàng” đã gắn bó mấy chục năm với người dân Lục Ngạn, có vị ngọt, màu sắc đặc trưng không nơi nào có được. Tình trạng vải thiều ra hoa ít, năng suất kém đã diễn ra liên tục vài năm trở lại đây. Nhiều người trong các xã nhân vải mất mùa đã chặt bỏ trồng cam. Nhưng tôi nghĩ không thể năm nào cây vải cũng mất mùa, cũng chưa ai khẳng định được đưa cây cam vào hiệu quả có bền như cây vải? Nếu làm kinh tế mà chạy theo phong trào thì rủi ro rất lớn. Trước mắt, cây cam có thể hợp với đất Lục Ngạn nhưng về lâu dài, bệnh vàng lá từng hủy hoại cả vùng cam sành Bố Hạ (Yên Thế) nổi tiếng mà đến nay chưa có thuốc đặc trị vẫn là mối nguy hại lớn.

Một tỷ phú trồng cam ở Hồng Giang khẳng định, cam chỉ thích hợp đất vàn cao, nếu dùng cây chiết chỉ mấy năm cho thu hoạch là phải thay thế, không dễ làm.

Không có năm nào người dân vùng “kinh đô vải thiều” rơi vào tình cảnh tỷ lệ vải ra hoa thấp như năm nay. Cũng chưa khi nào, phong trào trồng cây có múi ở Lục Ngạn nở rộ như hiện nay. Trong bối cảnh ấy, nhiều chuyên gia cảnh báo vòng luẩn quẩn “trồng chặt, chặt trồng”, hệ lụy của việc phá vỡ quy hoạch là nhiều diện tích vải chất lượng tốt bị thu hẹp nhanh chóng, người dân giảm đầu tư thâm canh cho cây trồng này. Nếu việc chuyển đổi không được kiểm soát chặt chẽ, Lục Ngạn sẽ khó giữ được lợi thế sản xuất tập trung cũng như uy tín, thương hiệu của vải thiều. 

Chu Khôi

 

 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top