Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 28 tháng 9 năm 2024  
Thứ hai, ngày 11 tháng 7 năm 2016 | 12:19

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: Sẵn sàng mở rộng cửa đón các nhà đầu tư

Từ ngày 11 - 15/7/2016, Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC – Hậu Giang 2016) với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long - chủ động hội nhập và phát triển bền vững” sẽ được tổ chức tại TP. Vị Thanh (Hậu Giang). Đây được coi là cơ hội lớn để Hậu Giang giới thiệu những tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư. Xung quanh sự kiện này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL Hậu Giang 2016 (MDEC- Hậu Giang 2016) sẽ tổ chức nhiều sự kiện lớn nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư trong nước và quốc tế, qua đó, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa của vùng. Ảnh: DĐDN

Ông có thể đánh giá những thành tựu kinh tế Hậu Giang đạt được trong giai đoạn 2011 -2015?

Trong 5 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng khá với tốc độ bình quân 13,5%/năm, các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, thực hiện tốt chính sách đối với người có công, giảm nghèo tích cực, an sinh phúc lợi xã hội được đảm bảo. Quá trình đô thị hóa khá nhanh, tỷ lệ đô thị hóa tăng dần từ 21,3% (năm 2010) lên 24,7% (năm 2015), bình quân mỗi năm tăng 0,68%, đạt mức trung bình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đời sống của nhân dân đã có bước cải thiện khá rõ nét, giá trị thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 36,5 triệu đồng/người (tương đương 1.699 USD), gấp 2,3 lần năm 2010 và bằng 81% mức bình quân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn có nhiều chuyển biến, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tăng, nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển khá toàn diện, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch dần theo hướng tích cực; giá trị sản xuất khu vực I tăng bình quân 6,64%/năm; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới đạt 14.233 tỷ đồng; 12 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm 22,2% tổng số xã trong tỉnh. Đặc biệt, thị xã Ngã Bảy được công nhận “đạt chuẩn nông thôn mới”.

Đ hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020, UBND tỉnh có những giải pháp đột phá gì trong thời gian tới, thưa ông?

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Nghị quyết năm 2016 của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và 04 chương trình hành động giai đoạn 2016 – 2020, theo đó mục tiêu chính là tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chất lượng tốt, gắn với công nghiệp chế biến để đủ sức cạnh tranh trên thị trường, không ngừng nâng cao giá trị sản xuất. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ; mở rộng liên kết sản xuất, xây dựng hợp tác xã kiểu mới, xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa một cách hài hòa. Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên những ngành có nhiều lợi thế, trước hết là công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản. Coi trọng phát triển các ngành nghề truyền thống ở nông thôn. Phát triển các ngành dịch vụ, nhất là thương mại, du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tích cực huy động, khai thác các nguồn lực để từng bước đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển.

Được biết, năm 2016, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chọn Hậu Giang để tổ chức “Diễn dàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC)”. Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh,  tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Hậu Giang. Xin ông vui lòng cho biết các thế mạnh đó là gì?

Trước hết, điểm mạnh tạo nên sự phát triển nhanh thời gian qua là hệ thống chủ trương, chính sách và hệ thống thể chế của tỉnh đã được các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm và luôn điều chỉnh phù hợp. Chính vì vậy, năng lực cạnh tranh của tỉnh trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển khu vực ngoài nhà nước luôn tăng lên trong nhóm khá.

Hậu Giang có vị trí địa lý rất thuận lợi nằm trên các trục tuyến giao thông thủy bộ quan trọng của tiểu vùng Tây Nam sông Hậu, có những điểm giao lưu kinh tế lớn với các huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang và với đô thị trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là TP.Cần Thơ. Từ vị trí thuận lợi, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển đồng bộ các khu vực kinh tế, xây dựng các khu công nghiệp chế biến nông sản, khu cảng vệ tinh và trung chuyển cho cảng Cái Cui, khu dân cư đô thị và khu thương mại tập trung tương ứng với nhịp độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TP.Cần Thơ và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hậu Giang đa dạng về tài nguyên đất nông nghiệp, có khả năng hình thành các vùng chuyên canh lúa, cây ăn trái…, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cao và tập trung, có khả năng thâm nhập thị trường xuất khẩu.

Hậu Giang có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch, với đặc điểm tự nhiên đặc sắc, bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên như khu sinh thái rừng, kênh rạch,  miệt vườn, cây trái. Đặc biệt là Khu sinh thái Tây Đô có thể hình thành khu du lịch hệ sinh thái cây trái nhiệt đới với động vật và chim quý; khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là vùng trũng ngập nước nổi tiếng mang đậm nét đặc thù hoang dã, các loài thực vật ngập nước theo mùa với nhiều loài. Du lịch có chợ nổi Ngã Bảy và nhiều di tích lịch sử có ý nghĩa quốc gia và của vùng, của tỉnh như di tích chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch, di tích lịch sử văn hoá đền thờ Bác Hồ, di tích khu Trù Mật (Vị Thanh-Hoả Lựu), di tích chiến thắng Tầm Vu,….

Kết cấu hạ tầng đã được cải thiện một bước, xây dựng cầu, cải tạo mở rộng đường quốc lộ, đường tỉnh, đặc biệt giao thông nông thôn đã từng bước phát triển rất rõ nét. Điện được phát triển nhanh, bước đầu thoả mãn nhu cầu phát triển sản xuất và dịch vụ. Đặc biệt hệ thống bưu chính viễn thông và các phương tiện nghe nhìn phát triển mạnh, bước đầu thoả mãn nhu cầu sản xuất, dịch vụ và đời sống nhân dân trong tỉnh.

Tại MDEC - Hậu Giang 2016, tỉnh tập trung kêu gọi vào 5 dự án trọng điểm. Đó là dự án chế biến nước khóm cô đặc xuất khẩu; dự án chợ nông sản chất lượng cao; dự án nhà máy bảo quản, chế biến trái cây; dự án kêu gọi vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dự án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Tổng mức đầu tư dự kiến 263 triệu USD, các dự án này đều đã được phê duyệt quy hoạch.

Đ tỉnh xây dựng nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững và chủ động hội nhập, Hậu Giang đã đề ra những mục tiêu, giải pháp gì cho năm 2016 và những định hướng đến năm 2020?

Mục tiêu tổng quát chúng tôi hướng đến là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển hài hòa các lĩnh vực văn hóa – xã hội, môi trường; nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phấn đấu đến năm 2020 Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững; đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là các cây, con thế mạnh của tỉnh. Khai thác hiệu quả thế mạnh và tiềm năng về nông nghiệp, tạo bước đột phá về công nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ; cải thiện môi trường đầu tư. Phát triển có trọng tâm trọng điểm vào các khu vực có thể tạo ra sự đột phá và phát triển nhanh như các khu, cụm công nghiệp tập trung, các đô thị trọng điểm, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để thực hiện được các mục tiêu này, chúng tôi tập trung vào các nhóm giải pháp như: Nâng cao chất lượng tăng trưởng; khai thác thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn; phát triển công nghiệp quy mô lớn; nâng cao chất lượng dịch vụ và xuất khẩu; huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và liên kết vùng, hội nhập quốc tế có hiệu quả.

Xin  chân thành cảm ơn ông!

Thái Đào (thực hiện)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà còn vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống là mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

  • Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

  • Hiệu quả từ nguồn kinh phí của Quỹ hỗ trợ nông dân tại Quảng Nam

    Hiệu quả từ nguồn kinh phí của Quỹ hỗ trợ nông dân tại Quảng Nam

    Từ nguồn vốn vay tín chấp của Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) Quảng Nam, thông qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh, nhiều nông dân đã có điều kiện đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Top