Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 26 tháng 11 năm 2020 | 12:58

Phát triển cây bưởi bền vững: Cần nâng cao chất lượng gắn với tiêu thụ

Mỗi hecta bưởi cho thu nhập 200 - 300 triệu đồng, cá biệt có thể lên tới 700 triệu đồng.

t42.jpg
Các đại biểu dự Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp Giải pháp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi tại Tuyên Quang thăm mô hình bưởi ở xã Phúc Ninh (Yên Sơn - Tuyên Quang).
 

Trước tình trạng diện tích bưởi tăng nhanh, sản xuất còn nhỏ lẻ, tiêu thụ tự phát, vấn đề đặt ra là, làm sao nâng  được chất lượng gắn với tiêu thụ để nâng cao giá trị theo hướng bền vững?

Mang lại giá trị cao

Cả nước hiện có 97,9 nghìn hecta bưởi, sản lượng 818,9 nghìn tấn; trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu bưởi tăng mạnh, đạt 10,9 triệu USD, tăng 246,2% so cùng kỳ 2019. Trong đó, riêng các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc đạt 27,7 nghìn hecta, sản lượng gần 165 nghìn tấn/năm. Các địa phương có diện tích bưởi lớn như: Bắc Giang 5.182ha, Tuyên Quang 4.867ha, Hòa Bình hơn 5.000ha, Phú Thọ 4.346ha, Sơn La 2.198ha, Thái Nguyên 1.761ha…

Những năm gần đây, cây bưởi mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều nhà vườn. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Như Hậu ở thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh Ninh (Yên Sơn - Tuyên Quang), cho biết, gia đình có 5ha bưởi, trong đó hơn 2ha đang cho thu hoạch. Hơn 50% diện tích bưởi được trồng theo quy trình VietGAP và hữu cơ chuyển đổi. Doanh thu từ bưởi sớm hiện đạt hơn 300 triệu đồng, dự kiến thời gian tới bán bưởi Diễn thu thêm khoảng 250 triệu đồng. 

Cũng ở thôn Khuôn Thống, gia đình ông Nguyễn Văn Vinh có 1,5ha bưởi trồng theo quy trình VietGAP, dự kiến đạt 3,5 vạn quả, doanh thu dự kiến đạt khoảng 300 triệu đồng. So với trồng lúa và các loại cây màu khác, cây bưởi mang lại giá trị cao hơn rất nhiều lần.

Ông Đỗ Đức Trường, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình, cho biết, hiện Hòa Bình có hơn 5.000ha bưởi, diện tích cho thu hoạch hơn 3.000ha. Giá trị cây bưởi đạt bình quân 300 - 450 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ lên tới 700 triệu đồng/ha.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, cho biết, diện tích bưởi của Tuyên Quang hiện là 4.867ha, diện tích cho sản phẩm 1.858 ha, năng suất 102,2 tạ/ha, sản lượng đạt 18.992 tấn. Đây là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, năm 2019, tổng số lượng bưởi đạt 49.152.400 quả, giá bán bình quân 10.000 đồng/quả, tổng giá trị thu nhập đạt trên 490 tỷ đồng.

Ông Tuấn cho biết thêm, những năm qua, cây bưởi giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, người dân đã nhận thức được việc sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn. Trung tâm đã giúp bà con liên kết tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn nâng cao chất lượng bằng cách tổ chức tập huấn về sản xuất VietGAP, sản xuất hữu cơ chuyển đổi, cải tạo, đưa giống mới vào để nâng cao năng suất, chất lượng bưởi.

Nâng cao chất lượng, gắn với tiêu thụ

Theo các đại biểu tham dự Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề Giải pháp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi diễn ra tại Tuyên Quang mới đây, phát triển bưởi còn gặp nhiều khó khăn, trình độ thâm canh của người dân còn hạn chế, chủ yếu canh tác theo tập quán, kinh nghiệm; chưa chú trọng đầu tư thâm canh, năng suất không ổn định.

 

t43.jpg
Dự kiến năm nay gia đình ông Nguyễn Như Hậu (người bên phải) có doanh thu khoảng 550 triệu đồng từ bưởi.

 

Khâu chọn giống và kỹ thuật nhân giống chưa đáp ứng được nhu cầu. Diện tích bưởi trồng mới phát triển ồ ạt; chất lượng sản phẩm quả chưa đồng đều, diện tích sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP còn ít. Chưa có nhiều doanh nghiệp liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Có những lúc sản lượng bưởi sản xuất ra nhiều tiêu thụ gặp khó khăn…

Ông Tạ Hữu Quang, Giám đốc HTX Trái cây hữu cơ Phúc Ninh (Phúc Ninh, Yên Sơn, Tuyên Quang) mong muốn, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư về Tuyên Quang, kết hợp cùng HTX tạo thành chuỗi liên kết từ đầu vào đến khâu tiêu thụ để các bên cùng có lợi.

Ông Trịnh Văn Thịnh, thôn Soi Đát, xã Xuân Vân (Yên Sơn), lo ngại, không lâu nữa bưởi sẽ không tiêu thụ được vì diện tích tăng nhanh. Mong muốn các cơ quan chức năng tìm cách để đưa bưởi Xuân Vân, bưởi Tuyên Quang tiêu thụ tại thị trường nước ngoài để nâng cao giá trị sản phẩm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Hậu, thôn Khuôn Thống, Đức Ninh (Yên Sơn), lại mong muốn, các cấp chính quyền hỗ trợ thêm về kỹ thuật để gia đình và nhiều hộ khác chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ. Có như vậy, chất lượng bưởi mới được nâng lên, kéo theo giá bán cũng cao hơn.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, để cây bưởi phát triển ổn định cả về diện tích lẫn năng suất, thời gian tới, Trung tâm thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn cho bà con giữ nguyên diện tích bưởi, tập trung vào cải tạo, nâng cao chất lượng, làm sao trên cùng diện tích nhưng hiệu quả sản xuất được tăng lên. Hướng dẫn bà con cách thu hoạch đảm bảo không bị giập nát, hư hại trong quá trình vận chuyển.

Ông Đỗ Đức Trường, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình, cho biết, khó khăn nhất đối với người dân là chuyển giao kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Để khắc phục hai vấn đề này, các Nghị quyết của tỉnh, Đề án của Sở Nông nghiệp và PTNT xác định ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao từ khâu giống, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản. Liên kết với các siêu thị lớn tại Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, ngành khuyến cáo người dân phải nâng cao chất lượng sản phẩm, trồng theo quy trình VietGAP, hữu cơ, hướng tới xuất khẩu.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, tem nhãn có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa để mỗi sản phẩm của Bắc Giang có đặc trưng riêng, nhãn hiệu riêng dễ nhận biết, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Còn theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái, cần thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị bưởi trồng tập trung; đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch; xây dựng kế hoạch để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho bưởi xuất khẩu.

Để nâng cao chất lượng, các địa phương trồng bưởi cần giám sát chặt vùng trồng, đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân trồng theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Xây dựng thương hiệu, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, có như vậy mới nâng cao được giá trị quả bưởi một cách bền vững.

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top