Được thiên nhiên ưu đãi, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển cây có múi, trong đó quýt hồng là một trong những loại cây ăn trái có tiếng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, cây quýt hồng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ sản xuất cho tới thị trường tiêu thụ.
Quýt hồng là một trong những loại cây ăn trái có tiếng ở Lai Vung.
Quýt hồng Lai Vung là loại trái cây đặc sản có tiếng vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là niềm tự hào của người dân Đồng Tháp khi thương hiệu quýt Lai Vung đã “phủ sóng” tại nhiều thị trường trong nước. Là sản phẩm đặc trưng, mỗi năm chỉ cho thu hoạch một vụ vào dịp Tết Nguyên đán nhưng cây quýt hồng Lai Vung lại cho hiệu quả kinh tế khá cao. Với diện tích khoảng 800 ha, cây quýt hồng đem lại thu nhập từ 700 - 800 tỷ đồng/năm.
Ông Lưu Văn Tín, Giám đốc HTX Quýt hồng Lai Vung, cho biết: “Gia đình tôi có 6 công (1 công = 1.000m2) đất trồng quýt hồng, mỗi năm cho thu hoạch 50 - 60 tấn. Với giá bán dao động 20.000 - 28.000 đồng/kg, tùy thời điểm, gia đình tôi thu về hơn 600 triệu đồng”.
Cây quýt hồng phân bố rộng khắp địa bàn huyện Lai Vung nhưng tập trung ở các xã ven sông Hậu như: Tân Thành, Tân Phước, Long Hậu, Vĩnh Thới, Hòa Long. Nhờ vào tên gọi và màu sắc đẹp, quýt hồng Lai Vung đáp ứng được thị hiếu của thị trường, dùng để trưng bày trong dịp Tết.
Theo Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Lai Vung Nguyễn Hữu Dũng, trong những năm gần đây, giá quýt hồng không ổn định. Đơn cử như dịp Tết Nguyên đán năm 2016, giá quýt xuống mức 18.000 - 22.000 đồng/kg, hàng tồn đọng rất khó bán. Nguyên nhân chủ yếu là do quýt hồng Lai Vung phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm trái cây nhập ngoại vừa phong phú về chủng loại, màu sắc lại bắt mắt. Bên cạnh đó, các loại trái cây có múi nhập ngoại có độ ngọt cao, mọng nước, giá thành lại rẻ. So sánh với các sản phẩm cùng loại thì quýt hồng được ưa chuộng chủ yếu dựa vào màu sắc đặc trưng. Tuy nhiên, yếu tố này lại lệ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Hai năm trở lại đây, thời tiết bất lợi khiến mẫu mã không đẹp, kém bắt mắt dẫn đến giá thành giảm. Bên cạnh đó, người dân Lai Vung đang trồng quýt theo kiểu lấp đầy chỗ trống, chỗ nào có ánh sáng là trồng cây, dẫn đến mật độ trồng quá dày. Tỷ lệ chuẩn mỗi cây phải cách nhau khoảng 5m trong khi người dân trồng chen chúc, cá biệt có những cây chỉ cách nhau hơn 1m. Hầu hết các vườn quýt để tán quá cao, nhiều cành thứ cấp, không tỉa quả, dẫn đến chất lượng quả nhỏ, khô đầu và vị chua. Bên cạnh đó, việc lạm dụng phân bón hóa học dẫn đến đất thoái hóa, ảnh hưởng đến chất lượng quả.
Phó chủ tịch UBND huyện Lai Vung Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với người trồng quýt hồng ở Lai Vung hiện nay là vấn đề đầu ra cho sản phẩm, quýt hồng chỉ bán vào dịp Tết nên người dân không trồng rải vụ và chủ yếu tiêu thụ ở trong nước. Nhiều vườn quýt già cỗi, năng suất, chất lượng đều giảm. Bên cạnh đó, cứ từ 3 - 4 năm, người trồng quýt phải thay lớp đất mặt cho cây, lấy miết cũng hết đất, trong khi chi phí thay đất rất tốn kém.
Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam Võ Hữu Thoại, quýt hồng là loại cây đặc sản, do đó các đơn vị liên quan cần có sự phối hợp tập trung nghiên cứu để cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, yếu khâu nào khắc phục khâu đó. Quýt hồng có nhược điểm nhiều hạt, chưa đạt độ ngọt như mong muốn, vỏ mỏng cần phải nghiên cứu tìm ra các giống mới không hạt, ngọt, tăng độ dày cho vỏ. Có cải thiện được chất lượng thì mới tăng được khả năng cạnh tranh.
Trước thực trạng sản xuất hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch xây dựng vườn quýt theo mô hình kiểu mẫu với kỳ vọng tạo ra được mô hình đạt chuẩn về năng suất, chất lượng, từ đó có cơ sở nhân rộng ra toàn vùng. Mục tiêu đã có, nhưng để quýt hồng Lai Vung giữ vững được vị thế, địa phương cần phải quyết tâm hơn nữa và có những định hướng, chiến lược lâu dài trong việc quy hoạch cũng như tổ chức lại sản xuất cho nông dân. Song song với quá trình thực hiện mô hình phải từng bước xây dựng được thị trường tiêu thụ ổn định.
Huệ Anh
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.