Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 1 năm 2016 | 1:8

Phát triển chăn nuôi ở Hà Nội: Những điểm nhấn ấn tượng

Năm 2015, Hà Nội tiếp tục thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ sinh học; xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm...

Những điểm nhấn

Với những định hướng phát triển rõ ràng, năm 2015, đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội phát triển cả về số lượng và chất lượng, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 53% giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiện, tổng đàn trâu đạt 24.800 con; đàn bò 141.700 con, đàn lợn 1,45 triệu con, đàn gia cầm 26,7 triệu con.

Trại chăn nuôi gà ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội).

Năm 2015, Hà Nội tiếp tục thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Theo đó, đã phát triển được 15 vùng chăn nuôi tập trung gồm 2 vùng chăn nuôi bò sữa, 4 vùng chăn nuôi lợn và 9 vùng chăn nuôi gia cầm. Phát triển 2 vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm gồm Ba Vì và Gia Lâm, tổng đàn tại 2 huyện là 11.545 con, chiếm 75,5% tổng đàn toàn thành phố; sản lượng sữa đạt 32.975 tấn/năm. Phát triển 4 vùng chăn nuôi lợn gồm các xã Cổ Đông, Kim Sơn (Sơn Tây); Vạn Thái, Sơn Công (Ứng Hòa); Yên Bình, Thạch Hòa (Thạch Thất); Tân Ước, Kim Thư (Thanh Oai) với tổng đàn 222.292 con, chiếm 15,6% tổng đoàn toàn thành phố; 9 vùng chăn nuôi gia cầm gồm 6 vùng chăn nuôi gà tập trung và 3 vùng chăn nuôi vịt trọng điểm.

Phát triển trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Đến nay, đã phát triển 42 trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn ngoài khu dân cư, nuôi 907 con, sản lượng sữa là 7.039 tấn/năm. Phát triển 835 trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư với tổng đàn 385.752 con. Về gia cầm, đã phát triển 2.381 trại gia cầm (tiêu chí 1.000 gà đẻ/hộ; 1.000 gà thịt/hộ; 500 gà thả vườn hoặc vịt/hộ) với tổng đàn là 7.094.767 con.

Khi phát triển trang trại quy mô lớn, cái được lớn nhất là ứng dụng công nghệ cao vào thực tiễn sản xuất. Như với phát triển chăn nuôi bò sữa, hệ thống chống nóng (78%); máy vắt sữa (85%); máy thái cỏ (100%); hố, túi ủ thức ăn thô xanh (68%); máy trộn thức ăn hỗn hợp TMR (5%); sử dụng thức ăn công nghiệp (98%); hầm biogas (75%); chế phẩm xử lý môi trường (65%).

Tại các trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư, có tới 40% ứng dụng chăn nuôi trong chuồng kín; 80% sử dụng máng ăn, uống tự động; 83% sử dụng thức ăn công nghiệp; 13% sử dụng thức ăn sinh học; 64% có hầm biogas; 29% sử dụng chế phẩm trong chăn nuôi; 16 trang trại sử dụng phần mềm quản lý sinh sản, quản lý chăn nuôi.

Tại các trại chăn nuôi gà quy mô lớn, có 35% ứng dụng chăn nuôi trong chuồng kín, 29% sử dụng máng ăn tự động, 40% sử dụng máng uống tự động, 83% sử dụng thức ăn công nghiệp, 5% sử dụng thức ăn sinh học, 34% sử dụng chế phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi, 31 trang trại sử dụng phần mềm quản lý sinh sản, quản lý chăn nuôi.

Công tác phát triển giống gia súc gia cầm được đặc biệt quan tâm và đã thu những kết quả lớn. Trong năm 2015, bò sữa đã phối giống cho 10.751 lượt con (đàn bò sữa tỷ lệ TTNT đạt 100%). Tỷ lệ thụ thai đạt 68,18%. Bò thịt  đạt 34.975 lượt con, tỷ lệ 47,3% tổng số bò sinh sản. Đặc biệt giống bò BBB đã phối giống 32.000 liều, số bò phối giống đã khám có chửa 18.000 con, số bê sinh ra trên 10.000 con. Chất lượng bê sinh ra đạt trọng lượng cao, bê sơ sinh trung bình đạt 28-35 kg. Bê sinh trưởng nhanh, bán giá giống (lúc 4 tháng tuổi) có giá bán 13-15 triệu đồng/con, cao hơn bê nhảy trực tiếp 2-3 triệu đồng/con cùng lứa tuổi.

Đưa tinh phân lý giới tính bò sữa phối 1.325 liều, kết quả bê sinh ra từ tinh phân ly giới tính có trọng lượng tốt, đạt 89,9% là bê cái. Kết quả này sẽ giúp việc cải tiến chất lượng giống bò sữa trên địa bàn thành phố để nâng cao năng suất, chất lượng trong chăn nuôi bò sữa.

Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Một số mô hình điển hình như trang trại Bảo Châu (Sóc Sơn), HTX chăn nuôi Hoàng Long (Thanh Oai), trang trại chăn nuôi ông Hưng (Thường Tín), ông Thình (Phúc Thọ). Điển hình có 1 hộ nuôi lợn theo hướng hữu cơ, quy mô bình quân 400 con/lứa x 2 lứa/năm; 1 hộ sử dụng thức ăn sinh học dưới dạng thảo dược với quy mô bình quân 500 con/lứa x 2 lứa/năm.

Ngành chăn nuôi Hà Nội phát triển theo hướng quy mô lớn.

Công tác xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm được TP.Hà Nội xác định là hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi. Từ năm 2013 đến nay, Hà Nội tập trung vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu đã hình thành, phát triển 21 chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm (gồm 8 chuỗi liên kết về lợn thịt; 8 chuỗi liên kết về gia cầm; 4 chuỗi liên kết gồm cả lợn và gia cầm; 01 chuỗi liên kết về bò sữa). Một số sản phẩm của chuỗi đã tạo được uy tín, được nhiều người tiêu dùng biết đến như trứng gà Tiên Viên, trứng gà 729, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, thịt lợn sinh học. Riêng năm 2015, đã hình thành thêm 3 chuỗi chăn nuôi - tiêu thụ thịt lợn an toàn được nuôi bằng thức ăn sinh học tại các xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ),  Cấn Hữu (Quốc Oai), Vân Tảo (Thường Tín). Với sự vào cuộc của các huyện, UBND các xã nhằm gắn chăn nuôi với giết mổ và tiêu thụ ngay tại địa phương, phối hợp với các doanh nghiệp ký kết tiêu thụ sản phẩm để bán tại các cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm an toàn ở các quận nội thành. Mô hình này đã được hàng vạn người dân Thủ đô tin dùng và đông tình ủng hộ về phương thức, cách làm để sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. 

Năm 2015, Hà Nội đã thành lập 5 Hội chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm gồm gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, trứng vịt Liên Châu, vịt Vân Đình. Việc thành lập các hội là một bước quan trọng nhằm bảo tồn, phát triển ổn định và đưa sản phẩm “đặc sản” của Thủ đô ra tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Hội chăn nuôi tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, gà đồi Ba Vì đã lập kế hoạch sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp tiêu thụ. Tổng sản lượng sản phẩm của các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản xuất ra trong năm 2015 đạt 4.500 tấn thịt lợn; 3.100 tấn thịt gia cầm; 140 triệu quả trứng gia cầm; 29.000 tấn sữa tươi.

Hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành chăn nuôi Thủ đô hiện còn bộc lộ những hạn chế:  năng suất sản phẩm chăn nuôi còn thấp so với các nước tiên tiến trên thế giới do công nghệ chăn nuôi chưa được đầu tư áp dụng công nghệ cao từ chuồng trại, thiết bị chăn nuôi, con giống, xử lý môi trường. Các khu chăn nuôi tập trung ở các huyện, xã đều đã được quy hoạch, tuy nhiên việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư công nghệ cao chưa có. Chất lượng giống vật nuôi đã được cải thiện nhưng chưa cao, còn thiếu các trại chăn nuôi lợn giống ông bà, bố mẹ thuần chủng. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, sơ chế, chế biến bảo quản sản phẩm chăn nuôi quy mô lớn; Công tác giết mổ gia súc, gia cầm còn nhiều bất cập, số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn quá lớn (trên 2.000 điểm) nên việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm số lượng chưa nhiều, người tiêu dùng chưa có nhiều địa chỉ tin cậy khi sử dụng thực phẩm an toàn hàng ngày.

Phát triển chăn nuôi theo vùng

Năm 2016, với xu thế hội nhập toàn cầu, ngành chăn nuôi Hà Nội tiếp tục tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm quy mô lớn ngoài khu dân cư. Trong đó tập trung đưa công nghệ cao vào các trang trại quy mô lớn, cải tiến chất lượng giống, cải tiến đồng bộ điều kiện chăn nuôi để nâng cao năng suất. Tập trung nâng cao số cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp đảm bảo vệ sinh, thú y để giảm nhanh các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan làm tốt công tác kiểm soát giết mổ đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đảm bảo lợi ích người tiêu dùng. Tăng cường tuyên truyền để người dân sử dụng thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh thú y, rõ nguồn gốc xuất xứ. Phối hợp với các tỉnh, thành phố cả nước trong việc xây dựng vùng phát triển giống gia súc gia cầm, vùng nguyên liệu thực phẩm và thực hiện tốt việc phát triển và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời thực hiện đề án chuỗi liên kết từ chăn nuôi - giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm.

Hy vọng với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành, sự đồng thuận của người chăn nuôi, người tiêu dùng, ngành chăn nuôi Hà Nội tiếp tục có bước khởi sắc góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

Nguyễn Ngọc Sơn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top