Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 12 năm 2020 | 15:48

Phát triển nông sản an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm

Hiện nay, việc phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm có vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp, nhằm đảm bảo đầu ra cho  nông sản.

Từ đó, hình thành các chuỗi sản xuất, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản cũng như thu nhập cho người dân.

 

t38.JPG
Ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

Mang lại giá trị cao

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nông nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Năm 2008, giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản chỉ đạt 16,47 tỷ USD thì năm 2019 lên tới 40,05 tỷ USD. Trong 10 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản đạt 33,56 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ 2019.

Còn theo Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, hiện nay, tại Việt Nam, rau quả là ngành sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao trong các ngành sản xuất nông nghiệp. Trung bình 1ha rau trồng tại đồng, ruộng cho thu nhập 150 – 250 triệu đồng/ha/vụ và 500 triệu đồng/ha/vụ khi rau được trồng trong nhà lưới, nhà màng.

Tại Hải Phòng, từ năm 2017 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố đã triển khai xây dựng 47 mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc cho 70 sản phẩm. Trong đó, trồng trọt 19 mô hình với 128,2ha; chăn nuôi 12 mô hình, quy mô 58.800 con gia súc, gia cầm; thuỷ sản 10 mô hình với quy mô 14,94ha ao nuôi và 1.103 bể nuôi di động.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn của Hải Phòng đã từng bước mang lại giá trị kinh tế cao như: Sản xuất nhóm rau ăn lá (tăng 3.000 đồng/kg); nhóm rau ăn quả, ăn củ (tăng 5.000-9.000 đồng/kg sản phẩm); gạo chất lượng (tăng 10.000 đồng/kg); thịt gà (tăng 3.000 đồng/kg); sản phẩm trứng (500 đồng/quả); sản phẩm cá vược (tăng 5.000 đồng/kg)…

Phát triển nông sản, gắn với tiêu thụ

Theo các đại biểu tham dự Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề phát triển sản xuất nông sản an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc vừa diễn ra tại Hải Phòng, việc sản xuất nông sản an toàn còn gặp nhiều khó khăn về đầu ra, lượng tiêu thụ sản phẩm còn thấp, giá thành cao, không cạnh tranh được với các sản phẩm ở chợ truyền thống. Hơn nữa, người dân chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân thực hiện mô hình…

Bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Phú Cường, chia sẻ: “Tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ những việc mà doanh nghiệp không thể làm được như: thành lập chợ chỉ có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP mới được bày bán; tại các chợ lớn của quận, huyện có thể dành riêng khu cho những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Giúp doanh nghiệp đến gần với người tiêu dùng hơn. Như vậy, lợi nhuận cho nhà sản xuất cao hơn, người tiêu dùng cũng được dùng sản phẩm an toàn. Tôi là người Hải Phòng nhưng rất buồn vì toàn bộ sản phẩm VietGAP của công ty đổ về Hà Nội, họ chấp nhận mua giá cao hơn 10.000 - 15.000 đồng/kg để hưởng thực phẩm an toàn”.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Kim Thoa, Giám đốc HTX nông nghiệp Duy Trì (TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), cho biết, để đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất thì việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nông dân cũng như các HTX nông nghiệp là rất quan trọng. Tôi mong có doanh nghiệp đứng ra nhận liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của HTX.

 

t39.JPG
Tham quan mô hình trồng rau của HTX Dịch vụ Chăn nuôi Thái Sơn.

 

Thành lập năm 2016, HTX Dịch vụ Chăn nuôi Thái Sơn (xã Tú Sơn, huyện Kiến Thuỵ, TP. Hải Phòng) hiện có thị trường khá đa dạng, cung cấp sản phẩm cho bếp ăn của các trường học trong thành phố. Bà Đồng Thị Doanh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Chăn nuôi Thái Sơn, cho biết: “HTX Thái Sơn được tiếp cận nguồn hỗ trợ của TP. Hải Phòng trong việc làm nhà lưới, nên được đầu tư bài bản hơn. Trong quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm, HTX được hướng dẫn trồng các loại rau theo tiêu chuyển VietGAP; hỗ trợ về đóng gói, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện nay, HTX đang cung cấp sản phẩm cho một số công ty như: Công ty Thực phẩm tươi ngon cung cấp cho 3 trường tiểu học và 7 trường mầm non; Công ty Thiên Đức cung cấp cho 19 trường học trong thành phố. Chúng tôi đưa vào thực phẩm rau tím, tiêu thụ 3-4 tạ/ngày với giá bán 15.000 đồng/kg. Nhiều khách hàng đã tìm đến với HTX để bao tiêu sản phẩm, tuy nhiên, HTX vẫn còn nhiều khó khăn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường nên tạm thời mới cung cấp được thực phẩm chính cho 3 công ty đã ký kết trước đó”.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhấn mạnh: “Đối với các cơ quan quản lý, cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, kết nối giữa người sản xuất với thị trường, đặc biệt là định hướng cho bà con sản xuất theo mô hình an toàn thực phẩm, an toàn môi trường, hướng tới mô hình hữu cơ. Đối với các cơ quan nghiên cứu, cơ quan chuyển giao, cần tiếp tục chuyển giao các mô hình sản xuất có hiệu quả, nghiên cứu cung cấp cây - con giống có chất lượng, chi phí thấp, thời gian nuôi ngắn, sạch bệnh, kháng bệnh. Đối với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố, cần tập trung xây dựng các mô hình công nghệ cao, mô hình đảm bảo vệ sinh ATTP, mô hình hữu cơ, đặc biệt là mô hình được cấp giấy chứng nhận VietGAP… phù hợp với thị trường trong nước và thế giới”.

 

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
Top