Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 5 năm 2019 | 15:19

Phát wifi miễn phí truy xuất nguồn gốc tại lễ hội vải thiều Thanh Hà

Theo Ban Tổ chức Ngày hội vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), đơn vị đã chuẩn bị phát sóng wifi miễn phí để phục vụ khách tham dự Ngày hội vải thiều Thanh Hà truy cập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm vải.

Huyện Thanh Hà sẽ tổ chức Ngày hội vải thiều Thanh Hà năm 2019 vào ngày 26/5, thời điểm này chính quyền và nhân dân huyện Thanh Hà đã chuẩn bị cơ bản các hoạt động phục vụ cho ngày hội. Đặc biệt, trong ngày hội, Ban tổ chức đã bố trí các thiết bị phát sóng wifi miễn phí cho khác tham dự để truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng.

Ngày hội vải thiều Thanh Hà năm 2019 sẽ có 30 gian hàng trưng bày nông sản đặc trưng của các xã, thị trấn.

Trung tâm Viễn thông huyện Thanh Hà đã chuẩn bị 2 bộ phát sóng wifi miễn phí tại khu vực quảng trường Thanh Bình để phục vụ khách tham dự Ngày hội vải thiều Thanh Hà truy cập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm vải.

Ngoài ra, nhà mạng cũng chuẩn bị các phương án bảo đảm an toàn mạng, dự phòng phân tải để bảo đảm liên lạc thuận lợi khi ngày hội diễn ra. Đài Phát thanh huyện Thanh Hà tạo điều kiện cho phóng viên các cơ quan báo chí sử dụng cơ sở vật chất phục vụ tuyên truyền, quảng bá vải thiều Thanh Hà.

Do các triền sông không có nhiều vải như năm trước nên trong Ngày hội vải thiều Thanh Hà năm nay, huyện sẽ không tổ chức dẫn tour trải nghiệm ở khu vực đồng Mẩn (xã Thanh Khê) và trên sông Hương. Tuy nhiên, Ban tổ chức ngày hội đã giao Phòng Văn hóa - Thông tin, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp đưa du khách đến những điểm có nhu cầu tham quan. Các điểm tham quan, trải nghiệm sẽ tập trung ở một số vườn vải sớm tại khu Hà Đông, khu vực cây vải tổ và một số di tích như chùa Đồng Ngọ (xã Tiền Tiến), chùa Minh Khánh (thị trấn Thanh Hà).

4.jpg
Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc vải bằng điện thoại. (Ảnh: Hoàng Văn).
 

Vải thiều xuất khẩu và phục vụ nhu cầu trong nước

Công ty TNHH Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Thanh Hà ở xã Cẩm Chế vừa xuất khẩu 500 kg vải sớm sang Anh. Theo UBND huyện Thanh Hà, đây là lô vải xuất khẩu đầu tiên sang thị trường các nước EU từ đầu vụ tới nay. Vải xuất khẩu là u trứng trắng, được công ty thu mua ở xã Thanh Bính với giá 65.000 đồng/kg. Dự kiến trong tuần này, công ty sẽ xuất khẩu 1 tấn vải u hồng sang Nga.

Hiện công ty đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu sang các nước Anh, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Indonesia... Công ty đang tính toán số lượng vải xuất khẩu phù hợp với giá thu mua và chất lượng quả vải.
 
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã kết nối với 10 doanh nghiệp để tiêu thụ quả vải cho nông dân Hải Dương gồm: Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tập đoàn Central Group Việt Nam (doanh nghiệp sở hữu hệ thống Big C), Tập đoàn An Việt, hệ thống siêu thị Saigon Co.op mart, các Công ty: TNHH Rồng Đỏ, TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, CP Nhất Nam, CP Thực phẩm Tinh Túy, CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Liên Hưng Phát. Các doanh nghiệp này đã được Sở Công thương cung cấp các thông tin liên quan đến sản lượng, chất lượng cũng như danh sách các vùng trồng, nhà vườn sản xuất quả vải đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP để doanh nghiệp chủ động liên hệ ký kết tiêu thụ.

Một số doanh nghiệp có năng lực tiêu thụ, xuất khẩu nông sản lớn sẽ được mời tham gia Ngày hội vải thiều Thanh Hà năm 2019 để ký kết hợp đồng, biên bản ghi nhớ cam kết thu mua ngay tại ngày hội.

Theo thông tin từ đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), hiện mỗi ngày chợ tiếp nhận từ 50-60 tấn vải sớm, chủ yếu là vải u hồng và u trứng, trong đó khoảng 40% có xuất xứ từ Hải Dương, giảm khoảng 20% so với vụ vải năm trước. Nguyên nhân do giá bán khá cao và nguồn cung cũng chưa nhiều. Hiện giá bán buôn vải sớm tại các chợ đầu mối từ 70.000-80.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Sau khi tập kết tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, vải sớm được chuyển đi các cửa hàng, chợ dân sinh tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận với giá từ 90.000-100.000 đồng/kg, cao hơn từ 10.000-20.000 đồng/kg so với vụ vải trước.

Vải được đóng gói trong các thùng xốp, thùng gỗ và được bảo quản lạnh để vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh nên chất lượng, mẫu mã bảo đảm. 

5.jpg
Ảnh minh họa.

 

Hưng Yên: Vải lai chín sớm Phù Cừ tăng giá


Hiện nay, nhà vườn huyện Phù Cừ đang bước vào mùa thu hoạch vải chín sớm. Năm nay vải lai chín sớm được giá nên người dân rất phấn khởi.

Vụ thu hoạch vải lai chín sớm ở Tam Đa kéo dài khoảng 25 ngày, từ nay đến khoảng mùng 10.6 (dương lịch). Ông Doãn Thanh Luận, Phó chủ tịch UBND xã Tam Đa cho biết: “Hiện tại vải chưa chín đều nên bà con chủ yếu thu hoạch tỉa những cây vải chín sớm. Năm nay, vải Tam Đa thu hoạch sớm hơn vụ năm 2018 từ 7 – 10 ngày, cách xa thời điểm vải chính vụ của các địa phương khác thu hoạch, thuận lợi cho bà con tiêu thụ sản phẩm”.

Theo ghi nhận của PV, thời điểm này, vải lai chín sớm đã bắt đầu được nông dân trong huyện thu hoạch, được thương lái bày bán tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh và xuất bán đi Hà Nội, Hải Phòng... Hiện nay, giá bán lẻ vải lai chín sớm đầu vụ tại các chợ dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái gấp 2 – 3 lần.

Người trồng vải ở Phù Cừ cho biết, vụ mùa năm nay quả vải to, mẫu mã đẹp, không sâu đầu, mặc dù đầu vụ nhưng ăn không bị chát, kể cả những quả còn xanh vỏ.

Bên cạnh vải lai chín sớm, vải u trứng cũng được dự báo sẽ khan hiếm và tăng giá. Hiện nay, theo các hộ trồng vải u trứng ở xã Phan Sào Nam, giá bán vải tại vườn là 50.000 – 60.000 đồng/kg và sản lượng không đủ để bán.

Năm nay, tỷ lệ cây vải lai chín sớm đậu quả đạt từ 50 – 70% so với vụ năm 2018. Giải thích nguyên nhân, các hộ trồng vải đều cho rằng do thời tiết biến đổi thất thường, nhất là vào thời kỳ ra hoa thì thời tiết không đủ độ rét để ủ mầm hoa, nên hoa ít, tỷ lệ đậu quả thấp... 

Huyện Phù Cừ hiện có khoảng 750ha trồng vải, chủ yếu là giống vải lai chín sớm, tập trung chủ yếu ở các xã: Tam Đa, Minh Tiến, Tống Trân, Nhật Quang, Phan Sào Nam...

Theo khuyến cáo của Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Cừ, thời điểm này vải lai chín sớm đang cho thu hoạch. Tuy nhiên, thời tiết những ngày gần đây nắng nóng kèm theo sâu bệnh gây hại có thể ảnh hưởng đến chất lượng và mẫu mã quả vải. Vì vậy, các chủ vườn cần thường xuyên theo dõi để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Đối với diện tích đang cho thu hoạch ngừng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tưới đủ nước để tăng chất lượng quả.

Mặt khác, các địa phương và bà con nông dân cần tích cực tìm kiếm thị trường, phối hợp với các ngành liên quan tìm kiếm, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp có uy tín trong thu mua, tiêu thụ vải quả cho nông dân; quản lý tốt nhãn hiệu của vải lai chín sớm Phù Cừ… để tăng thu nhập cho các hộ trồng vải.

7.jpg
Nông dân xã Tam Đa phấn khởi vì vải lai chín sớm được giá. 

 

Thanh Hóa: OCOP cơ hội bứt phá cho các sản phẩm truyền thống

Chương trình OCOP mở ra nhiều cơ hội cho người dân tỉnh phát triển những sản phẩm truyền thống lợi thế, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Thanh Hóa có 155 làng nghề với 25 nghề truyền thống; trong đó, có 23 nghề truyền thống, 20 làng nghề và 47 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Ngoài 3 hiệp hội ngành hàng được thành lập, hiện có 4 huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của địa phương, 10 làng nghề đã được công nhận thương hiệu, nhãn mác; 10 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ...

Những thống kê trên cho thấy, tỉnh có lợi thế và tiền đề để phát triển những sản phẩm của chương trình OCOP. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng sản phẩm truyền thống đa dạng, phong phú song các sản phẩm này còn bộc lộ nhiều hạn chế, như: Chất lượng đa phần các sản phẩm chưa đáp ứng được các yêu cầu; mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, chưa tạo được sức hút với khách hàng. Ngoài số ít sản phẩm có thương hiệu thì sức cạnh tranh các sản phẩm làng nghề trong tỉnh vẫn còn yếu, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu vẫn bó hẹp phạm vi trong tỉnh, trong nước, chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu.

Đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Thanh Hóa phấn đấu trong năm 2019 xây dựng 30% sản phẩm lợi thế của địa phương trở thành sản phẩm OCOP, do đó, tỉnh đã đề ra mục tiêu lộ trình phát triển, hỗ trợ cụ thể dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng nhóm sản phẩm. Trong đó, đối với sản phẩm nghề truyền thống cần tạo ra những chuỗi sản phẩm, không ngừng sáng tạo trong khâu sản xuất để có những sản phẩm mới từ chất liệu, nguyên liệu cũ. Khi đã có sản phẩm thì công tác tuyên truyền, quảng bá cần được cả người sản xuất lẫn chính quyền địa phương đẩy mạnh. Đồng thời, để phát triển trở thành sản phẩm OCOP cần quan tâm đến thị hiếu người tiêu dùng, hướng đến thị trường nhiều vùng miền trong nước, thậm chí hướng tới xuất khẩu. Hàng hóa làm ra phải có xuất xứ rõ ràng, thậm chí phải gắn cho nó những giá trị văn hóa, ý nghĩa nhân văn để thu hút khách hàng.

6.jpg
Sản phẩm nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, xã Hải Thanh (Tĩnh Gia) được lựa chọn hỗ trợ, phát triển trở thành sản phẩm OCOP. (Ảnh: Thanh Hòa)./.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top