Hiện, thị trường hoa, cây cảnh trâu linh vật của bà con Tây Nguyên, đã sẵn sàng để phục vụ khách, đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Hoa lan Đà Lạt xuống phố chờ Tết
Còn hơn 10 ngày nữa là tới Tết Nguyên đán, vì vậy, những ngày này các nhà vườn trồng hoa lan ở Đà Lạt đang hối hả chuyển hoa xuống phố bày bán, khiến không khí Tết vui hơn, nhộn nhịp hơn. Nhiều tuyến đường như Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ... đã tấp nập không khí mua bán từ mấy ngày qua.
Khách hàng lựa chọn những chậu hoa hồ điệp ưng ý nhất để đón Tết Tân Sửu 2021.
Ông Đỗ Văn Ẩn, chủ cơ sở hoa lan tại đường Tô Hiến Thành cho biết, tuy mới đưa sản phẩm trưng bày khoảng 1 tuần nay, nhưng đã có nhiều khách hàng đến lựa chọn và đặt mua hơn 1/3 lượng hàng.
Nhiều vườn lan khác như Kim Phát, Hữu Lịch, Nhàn Kiệt, Hào Nguyễn… bán trên đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo cũng khá đông khách đến hỏi mua, khiến cho không khí chợ hoa luôn nhộn nhịp.
Theo nhiều chủ vườn lan, giá hoa địa lan năm nay giao động từ 350 ngàn đồng đến 800.000 đồng/cành, cụ thể: Địa lan hoàng hậu vàng và xanh giá từ 700-800 ngàn đồng/cành loại A; loại B giá từ 500-600 ngàn đồng/cành.
Ngoài ra, màu cam lửa, vàng mít, xanh ngọc, tím hột, vàng ba râu có giá từ 300-400 ngàn đồng/cành tùy loại. Hoa lan hồ điệp có giá từ 150-250 ngàn/chậu, tùy loại giống.
Theo ông Đỗ Văn Ẩn, giá địa lan năm nay cao hơn so với năm trước từ 50-100 ngàn đồng/cành. Nguyên nhân khiến địa lan tại các trang trại hoa ở Đà Lạt bung nở sớm trước cả tháng, là do năm 2020 nhuần hai tháng tư Âm lịch, nên Tết cổ truyền đến trễ một tháng.
Do đó, nhiều nhà vườn trồng địa lan tại Đà Lạt đã bung nở sớm, nên nguồn hàng không dồi dào như năm trước.
Ông Nguyễn Đức Cứ - Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt cho biết: Mùa Tết năm nay người dân trồng hoa trên địa bàn TP Đà Lạt xuống giống hoa cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2021 là 1.530 ha. Trong đó, địa lan là 47 ha, phong lan 14,31 ha và một số loại hoa khác.
Lâm Đồng: Phong phú bưởi Tài - Lộc chơi tết Tân Sửu 2021
Năm nay, Tết Tân Sửu 2021, cũng là Tết đầu tiên ông Đỗ Trường Sơn (thôn Xuân Phong, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) đưa ra thị trường những quả bưởi da xanh hình thỏi vàng, tạo chữ Tài - Lộc rất bắt mắt, sẵn sàng phục vụ nhu cầu chơi Tết của khách hàng trên mọi miền Tổ quốc.
Hơn 70 căp bưởi đã được ép khuôn, tạo chữ, sẵn sàng đưa ra thị trường phục vụ Tết Nguyên đán 2021.
Ông Đỗ Trường Sơn đã có gần 15 năm kinh nghiệm trồng bưởi da xanh xen măng cụt trong khu vườn rộng hơn 1 ha. Năm nay là lần đầu tiên ông Sơn thử nghiệm ép bưởi vào khuôn, tạo thành hình thỏi vàng, hồ lô, tạo chữ đẹp mắt.
Để cho ra một trái bưởi đáp ứng nhu cầu của thị trường, từ lúc ra trái đến lúc thu hoạch, ông Sơn phải mất đến 6 tháng chăm sóc. Đến tháng thứ 3, những quả bưởi đạt yêu cầu bắt đầu được cho vào khuôn nhựa.
Công đoạn đầu tiên, cũng là công đoạn khó nhất và đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật cao nhất, đó là chọn quả phù hợp với khuôn.
“Quả ở gần thân và gần ngọn khi chín sẽ có kích thước khác nhau, nên phải chọn quả phù hợp để khi quả lớn sẽ vừa vặn với khuôn. Nếu chọn không cẩn thận, quả khi lớn có kích thước to quá sẽ làm vỡ khuôn” - ông Sơn cho biết.
Ngoài ra, bưởi dùng để ép khuôn còn đòi hỏi quả tròn, cuống trái to, nhiều lá, dầy. Với yêu cầu như vậy, mỗi cây, ông Sơn chỉ chọn được một vài quả để đặt khuôn nhựa. Sau đó, xử lý các giai đoạn như rải phân hữu cơ, xịt thuốc diệt khuẩn và chăm sóc, theo dõi kỹ càng.
Do đây là năm đầu tiên làm thử nghiệm, nên gia đình ông Sơn vừa làm vừa học hỏi và rút kinh nghiệm, tỷ lệ thành công chưa thể đạt 100%. Một số lượng nhỏ bưởi ép khuôn đã được ông bán trước đó, với giá 700 nghìn đồng/cặp.
Tết này, ông Sơn có khoảng 70 cặp bưởi tạo hình độc đáo, sẵn sàng đưa ra thị trường, với giá bán hứa hẹn cao hơn nhiều so với giá ngày thường, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho những người đã đặt hàng.
Ngoài ra, vườn bưởi da xanh của gia đình ông Sơn còn đều đặn cung cấp cho thị trường trên dưới 1 tấn bưởi da xanh mỗi mùa Tết. Điều đặc biệt là 1 ha trồng bưởi và măng cụt của ông đều được tưới nước, phun thuốc tự động và điều khiển bằng điện thoại thông minh.
Năm nay đã 66 tuổi, ông Đỗ Trường Sơn vẫn là một nông dân thời 4.0 đích thực khi chia sẻ rằng: “Tôi vẫn online thường xuyên, lên mạng cập nhật thông tin, kỹ thuật hàng ngày. Diện tích trồng cây tuy rộng, nhưng mọi thứ đều được tự động hóa, tôi đi chơi xa vẫn tưới được vườn ở nhà”.
Cách làm trâu linh vật trang trí Tết ở Phố núi Pleiku
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Những ngày này, các cơ sở điêu khắc, mỹ thuật ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tất bật để sớm hoàn thiện những mô hình linh vật của năm Tân Sửu, với đủ hình dáng và màu sắc, theo nhu cầu của khách đặt hàng.
Cơ sở điêu khắc Nguyễn Vinh (26A Phù Đổng, phường Hoa Lư, TP. Pleiku), là nơi được nhiều khách đến đặt hang, làm trâu linh vật, để trang trí trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Chị Lê Thị Ngọc-chủ cơ sở điêu khắc Nguyễn Vinh-cho biết, bên cạnh sản xuất tượng, phù điêu, non bộ, vẽ tranh trang trí... mỗi dịp Tết đến, cơ sở còn nhận thêm các hợp đồng làm linh vật của năm bằng xi măng, thạch cao, hoặc nhựa tổng hợp composite.
Năm nay, ngoài các nhà hàng, quán cà phê, karaoke, homestay đặt làm trâu vàng trang trí, cơ sở còn hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Công trình đô thị Gia Lai để thực hiện 6 chú trâu hoạt hình, cách điệu trang trí tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku).
Để hoàn thiện một con trâu mất trung bình khoảng 1 tuần và phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, căn cứ vào bản vẽ mẫu, người thợ sẽ tiến hành làm cốt bằng sắt và tre.
Tiếp đến là khâu tạo hình con vật bằng đất sét. Theo chia sẻ của chủ cơ sở, đây là công đoạn khó nhất, vì nó quyết định độ hoàn hảo và hồn cốt cho thành phẩm.
Khi tạo hình đòi hỏi người thợ phải thật tỉ mỉ và khéo léo ở từng chi tiết. Việc này giúp tiết giảm thời gian cho các khâu tiếp theo.
Sau khi đúc khuôn thạch cao sẽ đến công đoạn đổ nhựa, hoặc xi măng, tạo hình hoàn chỉnh cho linh vật. Sản phẩm tiếp theo sẽ được làm mịn bề mặt, để sẵn sàng cho khâu sơn vẽ.
Công đoạn sơn vẽ trang trí cũng không kém phần quan trọng để “thổi hồn” vào linh vật. Tùy theo yêu cầu của khách mà cơ sở tạo hình và màu sắc giống trâu thật, hoặc cách điệu thành trâu vàng, trâu hoạt hình.
Chị Ngọc cho hay, đến thời điểm hiện tại, cơ sở của chị đã hoàn thiện hơn 20 con trâu cho khách hàng ở TP. Pleiku, huyện Đak Đoa và các địa phương như Kon Tum, Đà Nẵng... với giá dao động 4-6 triệu đồng/con tùy theo chất liệu.
Số còn lại sẽ bàn giao từ nay đến 23 tháng Chạp. Linh vật trâu mà cơ sở sản xuất chủ yếu có kích thước 1,5x2,3 m và 1,2x2,3 m. Trâu bằng xi măng nặng khoảng 200 kg, còn trâu bằng nhựa nặng không quá 40 kg.
Hình ảnh con trâu từ xưa tới nay đều rất gần gũi và thân thiết với người Việt Nam. Trâu là biểu tượng cho đức tính hiền lành, chịu khó, sự bền bỉ và mạnh mẽ; đồng thời cũng là hiện thân cho sự no ấm, đủ đầy.
Vì vậy, linh vật của năm này được nhiều người ưa chuộng để trang trí sân vườn đón Tết Tân Sửu sắp đến.
Đắk Nông: Định hướng phát triển 3 vùng sản xuất hoa tập trung
Hiện nay diện tích trồng hoa trên địa bàn Thành phố Gia Nghĩa đã lên đến 100 ha. Phát huy những lợi thế về đất đai, thời tiết phù hợp, Thành phố đã định hướng đến năm 2025 sẽ tăng diện tích lên khoảng 180-200 ha.
Người dân xã Đắk Nia trồng hoa lay ơn phục vụ Tết Tân Sửu 2021.
Phường Nghĩa Phú, xã Đắk R’moan và xã Đắk Nia được xác định là 3 vùng sản xuất hoa tập trung, với các loại hoa được đánh giá là phù hợp và đã được lựa chọn gồm: cúc, ly, hồng, đồng tiền, lay ơn, huệ.
Từ chỗ hình thành các vùng sản xuất, việc liên kết, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cũng sẽ được Thành phố đẩy mạnh, nhằm hình thành các chuỗi giá trị bền vững, cũng như tập trung hỗ trợ nông dân về vật tư, nhà lưới, nhà kính, tập huấn kỹ thuật…để sản xuất hoa bền vững, thu nhập cao.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.