Đầu tháng 8/2020, câu chuyện lấy đất làng cấp cho cá nhân bị phát hiện, do “chủ đất” lộ diện rào bao thửa đất trống, tọa lạc thôn Long Thủy, xã An Phú (TP. Tuy Hòa - Phú Yên).
Hơn hai thế kỷ qua, bãi đất trống này, gắn liền với tự do tín ngưỡng và tâm linh của ngư dân Long Thủy, bỗng dưng trở thành đất cá nhân.
Ghi đậm dấu ấn tín ngưỡng tâm linh
Cách đây hơn 200 năm, từ khi lập làng, lập ấp, bà con ngư dân Long Thủy đã xây dựng Lăng Ông Nam Hải tại bờ biển thôn Long Thủy để thờ cúng và thực hiện các nghi lễ truyền thống mỗi lần có cá Ông an vị vào làng.
Đã qua bao lớp thế hệ của Ban Trị sự Lạch Long Thủy, thế hệ hôm nay ngoài việc tiếp tục thờ cúng tại Lăng, còn có trách nhiệm duy trì thực hiện các nghi lễ truyền thống tại bãi đất trống gắn liền mặt tiền của Lăng Ông Nam Hải.
Ông Nguyễn Cho, Lạch trưởng cho biết: Bãi đất trống trước Lăng là bãi đất của Lăng, thường xuyên được sử dụng vào mùa lễ hội hàng năm, như: Hát Bội, hát Chèo, hò Bá trạo, tập múa sưu, tập các nghi lễ thờ cúng,… với đông đảo dân làng và người dân nhiều nơi đến tham gia. Và, thửa đất trống này cũng là nơi cho ngư dân đẩy ghe trốn trú trong mùa mưa bão.
Điều quan trọng hơn, bãi đất buộc phải để trống, để nơi thờ tự Lăng Ông nhìn thẳng ra biển. Mỗi khi cúng tế, làm các nghi lễ, đều hướng ra biển để khấn vái ông Nam Hải. Hơn nữa, mỗi lần cá Ông vào bờ đều đưa cá Ông đi qua bãi đất trống này với đông đảo ngư dân tham gia.
Với mục đích sử dụng ấy, được thực hiện hàng trăm năm qua, nên thửa đất này chiếu dẫn theo một số điều của Luật Đất đai, đặc biệt là Điều 101 và Điều 102 Luật Đất đai 2013 là đất làng. Hơn nữa, với ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh của ngư dân Long Thủy, từ xa xưa đến nay, không một ai dám xây cất, lấn chiếm bãi đất trống này làm việc gì để án chặn trước Lăng Ông nhìn ra biển.
Trước năm 1975, ông Mười Ngon là người có chân trong Ban Trị sự Lạch Long Thủy đã trồng một số cây dừa trên bãi đất trống. Việc trồng dừa của ông không gây cản trở các hoạt động tín ngưỡng của Lăng, nhưng tạo được bóng mát và làm trụ cột để chằng chống ghe thuyền mỗi khi mùa mưa bão.
Sau năm 1975, ông Mười Ngon cũng chỉ là người sử dụng hái trái dừa, chứ không kê khai đăng ký bãi đất trống này. Đời con ông cũng vậy, không kê khai đăng ký bãi đất trống này.
Vậy, ai đã thông đồng với cán bộ địa chính xã để được cấp giấy chứng nhận QSDĐ ở thửa đất ghi đậm dấu ấn tín ngưỡng tâm linh?
Tường rào của ông Trần Chảy bị bà con ngư dân tháo dỡ, trả lại bãi đất trống nhìn ra biển
Vi phạm nguyên tắc cấp đất
Đầu tháng 8/2019, ông Trần Chảy, sinh năm 1932, hiện sinh sống tại thôn Long Thủy, đã thuê người đưa xi măng, sắt thép xây tường rào bãi đất trống mà bà con ngư dân Long Thủy sử dụng hàng trăm năm nay vào mục đích tín ngưỡng tâm linh trong việc thờ cúng Lăng Ông Nam Hải.
Ngay sau đó, bà con ngư dân kéo đến tháo dỡ tường rào của ông Trần Chảy, đồng thời ký đơn khiếu nại đến UBND TP.Tuy Hòa (ngày 23/8/2019). Trong đơn khiếu nại, Ban Trị sự Lạch Long Thủy và bà con ngư dân yêu cầu xác minh làm rõ các nội dung như sau: Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Trần Chảy có thông qua biên bản để Hội đồng xem xét không? Và, biên bản này có thể hiện nguồn gốc đất từ đâu mà ông Trần Chảy có được?
Qua đơn khiếu nại, ngày 26/9/2019, Chủ tich UBND TP. Tuy Hòa ban hành Quyết định số 4715/QĐ-UBND thành lập Đoàn Thanh tra việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của ông Trần Chảy. Ngày 11/3/2020, Đoàn Thanh tra có Báo cáo số 21/BC-ĐTTr với 03 nội dung: Không công nhận nội dung đơn khiếu nại ngày 23/8/2019 của Ban Trị sự Lạch Long Thủy; Công nhận việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ của ông Trần Chảy số W33906 vào sổ số 0229/ QSDĐ/01 do UBND huyện Tuy An cấp ngày 15/6/2004 là đúng quy định; Giao UBND xã An Phú tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai sót mà Đoàn Thanh tra đã nêu.
Ngày 06/5/2020, UBND TP. Tuy Hòa có Công văn số 2201/UBND thống nhất với 03 nội dung nói trên, đồng thời giao Trưởng đoàn Thanh tra tổ chức đối thoại theo Luật Khiếu nại năm 2021 và tham mưu cho UBND thành phố các thủ tục tiếp theo đúng quy định.
Qua văn bản chỉ đạo số 2201 của UBND TP Tuy Hòa thấy, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Trần Chảy là đúng quy định theo hồ sơ trình xét duyệt của UBND xã An Phú. Trong giấy chứng nhận QSDĐ của ông Trần Chảy thể hiện 02 thửa đất: Thửa đất số 829, tờ bản đồ số 08, với đất ở 200m2 và đất vườn 30m2 là đúng; Còn thửa đất số 581, tờ bản đồ số 03 có diện tích đất quả 310m2 là sự gian lận giữa ông Trần Chảy và cán bộ địa chính xã. Việc này, UBND TP Tuy Hòa đã chỉ đạo cho UBND xã An Phú tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong vụ việc đưa vào hồ sơ xét duyệt bãi đất trống ghi đậm dấu ấn tín ngưỡng tâm linh của ngư dân Long Thủy thành thửa đất số 581, tờ bản đồ số 03 để cấp cho cá nhân ông Trần Chảy.
Đến nay, việc tổ chức kiểm điểm và tổ chức đối thoại theo chỉ đạo của UBND TP. Tuy Hòa đã vượt quá thời hiệu luật định, UBND xã An Phú và Trưởng đoàn Thanh tra vẫn phớt lờ chưa thực hiện.
Để giữ nghiêm ý kiến chỉ đạo của UBND TP Tuy Hòa, Ban Trị sự Lạch Long Thủy và bà con ngư dân nơi đây đề nghị UBND xã An Phú công khai những sai sót của tập thể, cá nhân liên quan đến việc đưa thửa đất trống vào hồ sơ cấp đất cho ông Trần Chảy. Đồng thời đề nghị Trưởng đoàn Thanh tra sớm tổ chức đối thoại giữa Ban Trị sự Lạch, những cán bộ có liên quan, đặc biệt là cán bộ địa chính xã và ông Trần Chảy trong việc xác minh làm rõ nguồn gốc của bãi đất trống trước Lăng Ông Nam Hải.
Ông Nguyễn Cho nói: Sau khi làm rõ hai yêu cầu nói trên, bà con chúng tôi đề nghị UBND TP Tuy Hòa giải quyết khiếu nại được dẫn chiếu tại khoản 2, Điều 106 Luật Đất đai 2013. Được biết, với điều, khoản này, Nhà nước buộc phải thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho ông Trần Chảy. Sau đó, làm thủ tục cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Trần Chảy ở thửa đất số 829, tờ bản đồ 08, với diện tích 200m2 đất ở và 30m2 đất vườn; Giao trả lại cho làng (Ban Trị sự Lạch) thửa đất trống số 581, tờ bản đồ số 03, có diện tích 310m2.
Thay lời kết
Trả lại cho làng thửa đất trống là sự ghi nhận dấu ấn các nghi lễ truyền thống tại Lăng Ông Nam Hải, là sự công nhận tự do tín ngưỡng và tâm linh của ngư dân làng biển Long Thủy,… Tất cả được quy tụ tại Bảng xếp hạng: Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh được công nhận vào ngày 22/7/2018.
Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên và TP. Tuy Hòa sớm vào cuộc xử lý dứt điểm vụ việc trên, tránh gây bức xúc dư luận.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.