Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 12 năm 2021 | 15:20

Phục hồi và phát triển kinh tế: Đoàn kết hơn, đồng bộ hơn

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh dự báo, dịch Covid -19 còn tiếp tục kéo dài, khó lường; nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy cơ vượt quá sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp.

Do vậy, nhu cầu cấp bách, khẩn trương hiện nay là tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.

 

02.jpgTheo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV: Kinh tế Việt Nam đang phục hồi theo hình chữ U thay vì chữ V như thế giới.

 

Đề xuất gói hỗ trợ hàng trăm nghìn tỷ đồng

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, trong nhiều năm tới vẫn còn rủi ro vì phục hồi kinh tế trên thế giới không đồng đều, lạm phát tăng dẫn đến phải tăng lãi suất và xu hướng các nước thu hẹp dần gói hỗ trợ; lợi nhuận của DN giảm. Biến thể Omicron tác động tiêu cực, dự báo kinh tế thế giới giảm 0,2-0,4 điểm phần trăm.

“Với kinh tế Việt Nam, tác động của dịch bệnh rất lớn. Năm ngoái chúng ta thực hiện rất tốt nhưng năm nay có vẻ như đang bị “lỡ nhịp”. Về xã hội, thất nghiệp, việc làm, y tế đều bị tác động tương đối mạnh”, ông Cấn Văn Lực lưu ý.

Dẫn số liệu thống kê cho thấy kinh tế Việt Nam đang phục hồi theo hình chữ U thay vì chữ V như thế giới, vị chuyên gia này đề nghị cần lưu ý vì nếu không có chương trình hỗ trợ đặc biệt thì Việt Nam sẽ lỡ cơ hội phục hồi và tụt hậu, tăng trưởng năm 2022 có thể chỉ ở mức 4-4,5%.

Phân tích bài học kinh nghiệm của quốc tế, chuyên gia này cho biết, hiện đại đa số các nước coi dịch bệnh là bệnh đặc hữu chứ không phải đại dịch, từ đó thực hiện đa mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tính đến phát triển lâu bền trong tương lai.

Các nước dùng cả chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khoá là chủ yếu, tiền tệ phải đi kèm. Cơ cấu gói hỗ trợ tập trung cao hơn vào hạ tầng y tế thay vì giãn, giảm, hoãn thuế (chỉ gần 7% tổng lượng hỗ trợ) và cho phép bảo lãnh của Chính phủ với khoản vay vốn của DN, nhất là DN nhỏ và vừa.

Với Việt Nam, ông Cấn Văn Lực cho biết, dư địa chính sách tài khoá tương đối khả quan do mấy năm qua củng cố tương đối tốt, được quốc tế đánh giá thuận lợi để mở rộng trong một vài năm tới. Chính sách tiền tệ tuy ít hơn nhưng vẫn còn một phần dư địa khi có biện pháp cả gián tiếp và trực tiếp để phấn đấu giảm lãi suất 0,5-1% trong thời gian tới.

“Không có chương trình đặc biệt thì chúng ta sẽ “lỡ nhịp”, không thực hiện được các kế hoạch mà Đảng, Quốc hội đề ra”, chuyên gia Cấn Văn Lực một lần nữa nhấn mạnh. Ông gợi ý chính sách cần tác động cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực y tế; hỗ trợ DN và người dân về nghĩa vụ tài chính và tiếp cận vốn, an sinh xã hội, trong đó có hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động quay trở lại, đào tạo nghề; giảm tiền điện, hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ...

Chuyên gia này đề xuất phân theo 3 giai đoạn: Kích hoạt, thúc đẩy và chốt chương trình hỗ trợ vào 2023 với tổng gói tài khoá, tiền tệ, an sinh và chính sách khác ước khoảng 844 nghìn tỷ đồng về danh nghĩa, thực chi tầm 445 nghìn tỷ đồng.

Cần giải pháp đột phá

Nhấn mạnh điều doanh nghiệp hiện cần nhất là vốn, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: Doanh nghiệp thiếu “máu”, cần có sự bơm “máu”.

Ông cũng đặt vấn đề: “Chúng ta đang ở vùng trũng tăng trưởng, phải chăng do can thiệp hỗ trợ chưa đủ?”. Các số liệu thống kê cho thấy, nhiều chỉ số đáng lo sẽ còn “đeo bám”, thể hiện chất lượng tăng trưởng trong cả dài hạn, đáng chú ý là năng suất lao động thấp. “Cuộc đua đường trường ăn nhau ở năng suất, tốc độ, mà năng suất lao động tụt hậu thế thì khả năng đuổi kịp là thách thức rất lớn, là điểm nghẽn khi bàn tăng trưởng dài hạn”.

Việt Nam có những chính sách về chuyển đổi số, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng mới dừng lại ở... chủ trương, chính sách là chính mà thiếu sự quyết liệt về nguồn lực. Bên cạnh đó, việc củng cố nền tảng cho tăng trưởng dài hạn cũng còn vấn đề, nhất là về công nghệ sáng tạo, giáo dục, thu hút nhân tài, tinh hoa...

“Tỷ lệ đầu tư cho KHCN về con số tuyệt đối thì tăng nhưng tỷ lệ giảm, cả trong nghiên cứu, trong khi các nước tăng cả con số và tỷ lệ. Thế thì khó có thể nói phát triển dựa vào KHCN và đổi mới sáng tạo”, ông Tuấn nói.

Liên quan trụ cột cho tăng trưởng dài hạn là tăng trưởng xanh cũng như yêu cầu đặt ra Việt Nam phải bắt nhịp hai xu hướng quan trọng là “phục hồi số” và “phục hồi xanh”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, đang là những thách thức lớn. Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng phân tích số liệu dự báo cho thấy Việt Nam cho dù có thua các lĩnh vực khác thì cũng đang có cơ hội vàng về kinh tế số.

Đề cập giải pháp, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề nghị có gói hỗ trợ đủ lớn, có thể từ 6-8% GDP và chi trực tiếp cho mục tiêu y tế, an sinh xã hội, trong đó chú trọng đối tượng là DN và người lao động. Đồng ý với cách tiếp cận chú trọng cả về cung và cầu, ông Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, cần chú ý tới các động lực tăng trưởng gắn với “phục hồi số” và “phục hồi xanh”, đầu tư công ưu tiên dự án hấp thụ ngay được vốn, tránh “bơm không khéo lại vào chứng khoán, bất động sản thì không đạt mục tiêu tạo độ lan tỏa”.

Dẫn lời của cha đẻ của thuyết tiến hoá Darwin rằng, không phải kẻ mạnh nhất hay thông minh nhất mà kẻ có khả năng thích nghi tốt nhất sẽ tồn tại, PGS.TS Bùi Quang Tuấn đề nghị Việt Nam cũng cần thay đổi quyết liệt, nhanh chóng nhằm thích ứng với những thay đổi nhanh xung quanh để có thể phục hồi và phát triển.

Theo ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục kinh tế - xã hội. Ông Francois Painchaud khuyến nghị, nếu các chính sách tài khóa, tiền tệ triển khai kịp thời, đúng đối tượng và có công cụ tái cơ cấu để hỗ trợ phát triển trong dài hạn..., có thể giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của đại dịch.

5 nhóm nội dung trong gói hỗ trợ tổng thể nền kinh tế

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, tác động từ dịch bệnh là rất lớn. Do vậy, một chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết.

Theo ông Phương, có 5 nhóm giải pháp nhiệm vụ chủ yếu khi bàn về chương trình tổng thể này.

Nhóm thứ nhất là thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch.

Nhóm thứ hai là an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Trong đó có việc hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động đang làm việc trong DN thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên, cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho vay mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Nhóm thứ ba là hỗ trợ phục hồi DN, HTX, hộ kinh doanh.

Nhóm thứ 4 là phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư và phát triển.

Cuối cùng là nhóm giải pháp liên quan tới hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

 

kt.jpg
Tân Cảng - Cát Lái (TP. HCM).

 

Giải pháp trước mắt phải gắn với lâu dài

Phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tác động của đại dịch Covid-19 là bất ngờ, chưa có tiền lệ, không lường trước được, chưa biết bao giờ sẽ chấm dứt. Vì vậy, trong bối cảnh đặc biệt thì cần thiết phải có giải pháp đột phá với cơ chế khác điều kiện bình thường. Theo đó, cần tập trung đạt tổng cung và tổng cầu, ưu tiên nhiều hơn cho tổng cung, phối hợp chặt chẽ, hài hoà cả chính sách tài khoá và tiền tệ cùng các chính sách vĩ mô khác với quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp, có lộ trình khoảng 2 năm (2022 - 2023) và kéo dài sang những tháng đầu năm 2024 với những mục tiêu dài hạn và những dự án đầu tư công.

 

Nền kinh tế thiệt hại 37 tỷ USD vì Covid-19

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết, giả định không có Covid-19 trong năm 2020-2021, GDP Việt Nam tăng trưởng khoảng 7%. Tuy nhiên, trên thực tế, tăng trưởng năm 2020 chỉ là 2,91% và năm 2021 dự kiến 2,5%.

Như vậy, theo ông Nguyễn Thành Phong, năm 2020, thiệt hại khoảng 160.000 tỷ đồng và năm 2021 dự kiến thiệt hại 346.000 tỷ đồng. Tính cả 2 năm, thiệt hại kinh tế là 507.000 tỷ đồng tính theo giá cố định năm 2010 và lên tới 847.000 tỷ đồng (tương đương 37 tỷ USD) tính theo giá hiện hành.

 

Chính sách phải có mục tiêu cụ thể, dễ dàng trong tổ chức thực hiện, đảm bảo tính khả thi, nhanh chóng, kịp thời, vừa đáp ứng việc yêu cầu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế vừa giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và nền tảng cho giai đoạn phát triển mới.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, giữ được ổn định vĩ mô là rất khó, nhưng để mất ổn định vĩ mô thì rất nhanh, rất dễ, mất ổn định vĩ mô là mất hết..., do đó, giải pháp trước mắt phải gắn với lâu dài.

Các chính sách tổng thể tập trung hỗ trợ phục hồi các ngành, lĩnh vực quan trọng và các DN bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội chuẩn bị năng lực đầu tư, tạo điều kiện phục hồi kinh tế, đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn, hướng đến các ngành, lĩnh vực tăng trưởng cao và có tính dài hạn trong việc cải cách thể chế, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, với kết cấu hạ tầng logicstic, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh. Các chính sách cần xác định đúng và trúng đối tượng, tạo ra tác động lan toả, kích thích phục hồi kinh tế và đảm bảo hiệu quả của dòng vốn đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, thông điệp nhất quán và được nhắc đến nhiều nhất là, chúng ta hãy đồng hành với nhau như câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” và muốn đi xa trong điều kiện đường sá khúc khủyu, gập ghềnh, khó khăn, thách thức thì cần phải đoàn kết sát cánh bên nhau trong nước, quốc tế và khu vực.

Cần linh hoạt các giải pháp

Dự diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đối với chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam thực hiện kết hợp chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách khác.

Phát huy mạnh mẽ vai trò dẫn dắt, định hướng phát triển của Nhà nước, trong đó, bảo đảm yêu cầu mang tính nguyên tắc, nhất quán là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung cho an sinh xã hội và con người; phát triển doanh nghiệp; tập trung cho hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số.

Thủ tướng khẳng định, phục hồi hay phát triển thì nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định; ngoại lực có tính chất đột phát. Nội lực bao gồm thiên nhiên, con người, truyền thống lịch sử văn hóa, tính tự lực tự cường, sự đoàn kết toàn dân tộc. Nhưng không thể thiếu ngoại lực bao gồm khoa học, công nghệ, vốn, khoa học quản trị, nhân lực chất lượng cao…

 

01ok.jpgThủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0.

 

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Việt Nam xác định con người vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là động lực, mục tiêu cho sự phát triển; phát huy hài hòa giữa kinh tế và văn hóa.

Hiện nay, Chính phủ đang triển khai xây dựng chương trình tổng thể phát triển văn hóa trong kỷ nguyên số, công nghệ số. Vì trong xã hội số, nền kinh tế số thì phải có công dân số.

Cùng với đó, Chính phủ cũng tập trung xây dựng thể chế, tháo gỡ nút thắt, vướng mắc hay vấn đề mới đặt ra phù hợp tình hình. Trước những diễn biến nhanh, bất định, việc xây dựng thể chế không thể phủ kín ngay mọi góc cạnh của cuộc sống, song tiếp tục nỗ lực với quan điểm cái gì đã rõ, đã chín, được thực tế chứng minh là đúng thì thực hiện.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top