Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 9 năm 2021 | 10:50

Cần linh hoạt các giải pháp thích ứng trong phục hồi kinh tế

Hơn 4 tháng kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, nhiều doanh nghiệp cần được “hồi sức tích cực”.

Thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ và nhiều địa phương đang xây dựng kế hoạch từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới.

 

01.jpg
Quy trình sản xuất tại một cơ sở chế biến thủy sản của tỉnh Đồng Tháp trong những ngày dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN.

 

Đứt gãy chuỗi cung ứng

Báo cáo của Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới đây đã chỉ ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng đang diễn ra trong nhiều ngành sản xuất. Đó là chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến chế tạo như: điện, điện tử, máy móc, thiết bị,…đứt gãy liên quan tới các khu vực bị nhiễm dịch mạnh như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Đặc biệt, chuỗi cung ứng cho các ngành công nghiệp công nghệ cao (điện, điện tử, ôtô…) bị ảnh hưởng về đáp ứng điều kiện lao động.

Chuỗi cung ứng các mặt hàng nông, thủy sản bị đứt gãy do lao động phải cách ly, giãn cách, đình trệ lưu thông. Nhiều vùng sản phẩm đến kỳ thu hoạch nhưng không có đầu ra và khó vận chuyển.

Riêng chuỗi cung ứng hàng dệt may lại đứt gãy do thiếu lao động; điều kiện sản xuất theo quy định “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” cũng chưa phù hợp với tất cả các doanh nghiệp, các địa phương...

 

02.jpg
Doanh nghiệp “vùng xanh” khởi động.
Công nhân Nhà máy Nhôm Đô Thành (Gia Lâm - Hà Nội) sản xuất tại chỗ. Ảnh: TTXVN

 

Không thể không mở cửa kinh tế

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam, sau đợt giãn cách lần thứ tư này, doanh thu của nhiều DN đã giảm 50% và giảm mạnh trên diện rộng. Nhu cầu các ngành hàng cũng giảm mạnh. Trong khi đó, chi phí đầu vào, vận chuyển ngày càng tăng, nguyên vật liệu bị thiếu hụt, dẫn đến hậu quả là DN bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông Nam cho rằng, sự thiệt hại đối với nền kinh tế đã rất rõ ràng, thể hiện qua một loạt các chỉ số như: phát triển công nghiệp, bán lẻ hàng hoá, hàng tiêu dùng... đều suy giảm. Ngoài ra, còn nhiều thiệt hại trong trung và dài hạn như: áp đặt biện pháp hành chính chưa hợp lý, còn quá nhiêu khê, cồng kềnh, phức tạp làm xói mòn lòng tin của các doanh nghiệp. Càng kéo dài các biện pháp giãn cách thì sự ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất càng lớn.

Đồng quan điểm, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ–ASEAN (USABC), cho rằng, mục đích của các biện pháp giãn cách, phong tỏa mạnh chưa từng có tiền lệ như ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam là để “làm phẳng” đỉnh dịch, giảm thiểu thiệt hại về người. Trong thời gian đó, đương nhiên phải cắt giảm các hoạt động sản xuất kinh doanh để hạn chế sự di chuyển và tụ tập số đông người lao động. Tuy nhiên, việc tạm dừng hoặc cắt giảm công suất, sản lượng này không thể kéo dài quá lâu vì khi quá ngưỡng, DN sẽ không thể phục hồi, sẽ mất thị trường và hàng vạn lao động cũng sẽ mất việc, dẫn đến đổ vỡ về kinh tế.

“Việt Nam bắt buộc phải tính đến tái mở cửa, tái hoạt động, không phải là sắp tới, mà ngay từ bây giờ và có kế hoạch rõ ràng”, ông  Thành nêu quan điểm.

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, mục tiêu kép vẫn luôn đúng, kể cả trong bối cảnh hiện nay. Bởi chúng ta không thể chống dịch mà không có nguồn lực, và chúng ta cũng không thể tạo ra nguồn lực nếu như dịch bệnh hoành hành. Tuy nhiên, “thị trường không thể đợi chúng ta đóng - mở nền kinh tế để chống dịch. Nếu họ không an tâm khả năng hoàn tất đơn hàng, họ sẽ tìm đối tác mới”, ông Bình lo ngại.

“Chúng ta có thể có nhiều mô hình chống dịch và tăng trưởng khác nhau và áp dụng linh hoạt tại các địa phương. Có những lúc phải hy sinh lợi ích kinh tế để ưu tiên chống dịch, nhưng chống dịch cũng cần tạo không gian, dư địa cho phát triển kinh tế”, ông Bình nêu quan điểm.

DN thủy sản lo đứt gãy chuỗi cung ứng

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho biết, do giãn cách xã hội kéo dài, chuỗi cung ứng tôm của công ty gần như bị đứt gãy. Trong bối cảnh khu vực châu Âu, Mỹ… đã khôi phục hoạt động nên nhu cầu về thủy sản khá cao. Tuy nhiên, DN không thể đáp ứng được do thiếu lao động, chưa kể đơn hàng tồn nợ còn rất nhiều.

Các tỉnh Nam Bộ có 449 nhà máy chế biến thủy sản hoạt động, nhưng đến đầu tháng 9 đã có 176/449 nhà máy ngừng sản xuất, do không đáp ứng được gánh nặng chi phí duy trì “3 tại chỗ”.

Đáng chú ý, theo ông Quang, hiện ngành tôm đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu trầm trọng. Vừa qua, người dân nuôi trồng nhưng đến lúc thu hoạch không có đầu ra, giá giảm mạnh nên không dám xuống giống đợt mới.

“Chúng tôi lo từ nay đến cuối năm không có nguyên liệu để trả các đơn hàng cho các đối tác. Trong khi khách hàng khóc lóc, năn nỉ công ty làm sao giao hàng cho họ sớm. Chúng tôi đề nghị các địa phương khuyến khích, vận động người dân thả nuôi tôm ngay từ bây giờ để cuối tháng 11, đầu tháng 12 có tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu”, ông Quang chia sẻ.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, cho biết, ngành cá tra cũng đang gặp áp lực rất lớn. Hàng nghìn tấn cá tra quá lứa nằm chờ dưới ao, nông dân nguy cơ thua lỗ nhưng công nhân thu hoạch cá tra dù đảm bảo điều kiện phòng chống dịch, khi vào địa phương vẫn bị bắt buộc phải cách ly 14 ngày, dẫn tới đứt gãy cả chuỗi sản xuất.

“Vô lý nhất là việc công nhân ra đường để đi xét nghiệm Covid-19. Sau khi giãn cách, hầu hết công nhân trở về nhà, nay DN muốn huy động để đi thu hoạch cá thì phải có giấy xét nghiệm Covid-19, nhưng khi ra đường đi xét nghiệm cũng bị các lực lượng ở các địa phương ngăn cản”, bà Khanh nói.

Ngoài ra, theo bà Khanh, quy định về thời gian, tần suất xét nghiệm Covid-19 giữa các tỉnh cũng có sự khác nhau, dẫn đến xảy ra hiện tượng công nhân vừa xét nghiệm ở tỉnh này nhưng sang tỉnh khác bị yêu cầu xét nghiệm lại, hoặc không chấp nhận giấy xét nghiệm đó.

“Nếu tình hình này còn tiếp diễn, ngành cá tra sẽ còn bị ảnh hưởng đến cả năm 2022. Hiện, chúng tôi vẫn may mắn duy trì 50% công suất, nhưng để khôi phục 100% như trước, công ty còn chưa biết đến khi nào”, bà Khanh cho hay.

Lộ trình mở cửa của các DN ĐBSCL

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, đơn vị đã cùng nhóm chuyên gia và DN, Hiệp hội các DN xây dựng 3 nhóm đề xuất và kiến nghị giải pháp mở cửa theo các giai đoạn, điều kiện tái sản xuất, kinh doanh và lộ trình mở cửa các nhóm ngành thích ứng bối cảnh dịch bệnh.

Giai đoạn I (14 ngày): Cần tập trung khoanh vùng dịch bệnh theo hướng chặt hơn, không chỉ theo khung phường, xã mà tiến tới theo cụm dân cư, khu phố hoặc tổ dân cư nhằm xác định rõ hơn các khu có khả năng lây nhiễm bệnh để cách ly theo dõi. Địa phương cần cấp thẻ “Công dân xanh” dành cho nhóm người lao động trong “vùng xanh” để có thể tham gia hoạt động, làm việc tại DN. Xem xét thay thế phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” bằng giải pháp 3 xanh “lao động xanh - con đường xanh - nhà máy xanh”.

Giai đoạn II (60 ngày, từ 30/9): Đánh giá tình hình diễn biến dịch bệnh, tiếp tục khoanh vùng theo giai đoạn I, sàng lọc để mở rộng/thu hẹp vùng dịch bệnh để tái cấp thẻ “công dân xanh” cho người lao động đi làm việc. Giai đoạn này sẽ xem xét quyết định nếu tình hình, diễn biến dịch có kết quả tích cực, kiểm soát tốt, lượng lây nhiễm không đáng kể cho việc mở rộng cho phép vùng xanh từ Chỉ thị 15/15+ sang Chỉ thị 19, vùng đang áp dụng Chỉ thị 19 sang trạng thái bình thường mới nếu khả năng khống chế dịch bệnh và tạo được nhiều vùng xanh an toàn. Giai đoạn này cần mở rộng với các địa phương lân cận để bảo đảm lưu thông nguồn nguyên-vật liệu sản xuất và lao động đi lại giữa các địa phương, các vùng không có dịch.

Đối với khu vực sản xuất, tiếp tục mô hình 3 xanh; đồng thời, bổ sung “lao động xanh” với điều kiện được tiêm vaccine. Giai đoạn này có thể nới giới hạn lên 60 – 80% lao động được làm việc tại DN.

Đối với “cung đường xanh”, DN phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn về phòng chống dịch. Giấy đi đường sẽ do DN tự cấp và tự chịu trách nhiệm với thời gian đi – về cụ thể.

Đối với “nhà máy xanh”, thực hiện như giai đoạn I, về điều kiện công nhân nhà máy chưa từng nhiễm Covid-19, phải chia ca sản xuất, đảm bảo số công nhân thay ca, ca trước và ca sau cách nhau 60 phút…

Giai đoạn III, mở rộng sản xuất kết nối ĐBSCL với TP.HCM và Đông Nam Bộ (thời gian thực hiện từ tháng 12/2021 hoặc từ 1/2022): Các DN đã sản xuất kinh doanh ổn định, gia tăng năng suất, công suất, tạo ra lượng hàng hóa thành phẩm cao. Vì vậy, giai đoạn này cần tính tới việc liên kết thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, trong đó TP.HCM và Đông Nam Bộ sẽ là thị trường nội địa tiêu thụ lớn cho hàng hóa chế biến lương thực, thực phẩm và nông, thủy sản của ĐBSCL; doanh nghiệp đã sản xuất đủ lượng hàng hóa tham gia xuất khẩu cần kết nối cảng biển lớn tại Long An, TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu một cách thuận lợi nhất.

Một số chính sách hỗ trợ của Chính phủ

Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, nhất là đợt dịch lần thứ tư khiến nhiều tỉnh, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội tăng cường, doanh nghiệp đã khó càng khó hơn. Hiểu rõ khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều buổi gặp gỡ, trao đổi để hiểu rõ hơn yêu cầu của doanh nghiệp, trên cơ sở đó có quyết sách tháo gỡ kịp thời. Có thể nêu một số nhóm giải pháp của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Hỗ trợ kết nối đầu ra cho nông sản đến vụ thu hoạch; Chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để phục vụ phòng chống dịch; Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất thủy sản do dịch bệnh; Giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến vận tải, lưu thông hàng hóa...

Đồng hành cùng Chính phủ và người dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/9 đã thông qua Nghị quyết ban hành một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Theo đó, Quốc hội đưa ra 4 giải pháp: Giảm 30% thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng của các tháng trong quý III và IV năm 2021 đối với hộ kinh doanh. Giảm thuế giá trị gia tăng từ 1/10/2021 đến 31/12/2021 đối với DN trong một số lĩnh vực. Miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuế đất phát sinh trong năm 2020 và 2021. Tính chung 4 giải pháp, khoảng 140 nghìn tỷ đồng được miễn giảm cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ động điều chỉnh hợp lý các kế hoạch

Nghị quyết 107/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021 nêu rõ, quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia; có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo và phù hợp thực tế của địa phương, thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Phải tổ chức thực hiện nghiêm ngặt, thực chất hơn giãn cách xã hội với tinh thần “ai ở đâu ở đó”; giữ vững “vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng, thu hẹp vùng đỏ”; cách ly, phong tỏa triệt để, chặt chẽ các ổ dịch, nguồn lây trong thời gian nhanh nhất, phạm vi nhỏ nhất và xét nghiệm nhanh nhất, không được để lây nhiễm chéo trong khu cách ly, phong tỏa, gắn với xét nghiệm thần tốc, cuốn chiếu theo quy định; đưa dịch vụ y tế đến gần người dân nhất, ngay tại xã, phường, thị trấn, ưu tiên hàng đầu việc điều trị giảm tử vong.

 

Trong 8 tháng của năm 2021, hơn 85.500 doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động , tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hai tháng trở lại đây, hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại đều sụt giảm mạnh. Trong đó, sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh hơn 85% giá trị xuất khẩu từ các ngành công nghiệp chế biến thì khó khăn của ngành này đã kéo theo những hệ lụy không nhỏ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 giảm 6% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Thâm hụt thương mại gia tăng, nhập siêu 8 tháng lên tới hơn 3,71 tỷ USD…

Nguyên nhân căn bản được chỉ ra chính là do các điều kiện phòng chống dịch Covid-19 quá cứng nhắc đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của DN và thị trường, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh.

 

Khuyến khích, hỗ trợ tối đa DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn thì mới sản xuất. Nghiêm cấm việc ban hành các quy định không phù hợp, không đúng thẩm quyền gây cản trở, ách tắc giao thông, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Chủ động xây dựng phương án phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương sau khi dịch bệnh được kiểm soát theo kịch bản thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh.

Về sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động chỉ đạo điều chỉnh hợp lý kế hoạch sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi, thủy sản để tránh thiếu hụt nguồn cung trong thời gian tới. Tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Nắm chắc tình hình sản xuất, tiêu thụ các loại nông sản đến kỳ thu hoạch, nhất là tại những vùng chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp trọng điểm (như vùng ĐBSCL, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ...) và phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, các địa phương bảo đảm điều kiện tạo thuận lợi, thông suốt cho vận chuyển, tiêu thụ nông sản, đặc biệt tại các địa phương đang giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
Top