Tối 19/12, tại Hà Nội, diễn ra Lễ khai mạc Hội chợ nông đặc sản vùng miền, Tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang, quýt Bắc Kạn năm 2018.
Hội chợ có quy mô 200 gian hàng của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề đến từ các địa phương trên cả nước cùng nhiều mặt hàng nông đặc sản vùng miền, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ… Đây là cơ hội để hai sản phẩm đặc sản cam sành Hà Giang và quýt Bắc Cạn được quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm thông tin, tư vấn khoa học công nghệ, mở rộng quan hệ xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư vào các dự án phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của địa phương.
Hà Giang nổi tiếng với sản phẩm cam sành, với hơn 8,7 nghìn hecta trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc, năm 2018 cho sản lượng trên 62 nghìn tấn.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang cho hay, hiện tỉnh đang triển khai mạnh mẽ việc xúc tiến thương mại, đầu tư, chuẩn bị tổ chức Tuần lễ cam sành Hà Giang tại TP. Hồ Chí Minh, hướng tới xuất khẩu trong thời gian tới.
Không khuyến khích mở rộng thêm diện tích trồng cam, Hà Giang sẽ nâng cao chất lượng để tạo thương hiệu cho cây cam sành, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để nâng cao vị thế sản phẩm chủ lực trên thị trường, hướng tới xuất khẩu. Tết Nguyên đán sắp tới cũng là dịp để tiêu thụ mạnh sản phẩm cam sành Hà Giang, Hà Giang cũng đang nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường trong nước cho đặc sản này.
Trong khuôn khổ hội chợ sẽ diễn ra các sự kiện như: Hội nghị Kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam sành và đặc sản Hà Giang niên vụ 2018 - 2019; Lễ trao giải thưởng VietFarm - Tự hào nông sản Việt 2018; Hội nghị Giới thiệu sự kiện Tuần lễ cam, quýt và các đặc sản Bắc Kạn.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Nông nghiệp và PTNT, cho hay, Hội chợ nông đặc sản vùng miền, Tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang, quýt Bắc Cạn năm 2018 là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng được Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp UBND tỉnh Hà Giang và Bắc Kạn tổ chức từ ngày 19 đến 26/12 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Cam, quýt nằm trong nhóm năm sản phẩm chủ lực của Việt Nam có diện tích trồng lớn. Năm nay, tỉnh Hà Giang, Bắc Cạn và một số tỉnh khác đã chủ động phối hợp các bộ ban ngành xúc tiến thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh là cách làm hay nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.