Những cam kết mà tỉnh Quảng Bình công bố tại Hội nghị Xúc tiến đầu năm 2022 là những thông điệp không xa lạ. Đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp sẽ là điểm tựa vững chắc cho Quảng Bình tăng trưởng bền vững hơn trong tương lai gần.
Thay đổi chính sách thu hút đầu tư sau Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025, hàng loạt dự án được chính quyền tỉnh Quảng Bình tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai sớm nhất, như dự án Trung tâm hội nghị và khách sạn du lịch nghỉ dưỡng FLC, khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang (huyện Lệ Thủy), dự án Fusion Resort tại Bảo Ninh (TP Đồng Hới), dự án điện mặt trời Dohwa, Cụm trang trại điện gió B&T, …
Tiếp đến Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng cho biết, tiềm năng, thế mạnh của một địa phương luôn là cố định, bất biến; Quảng Bình cũng không phải ngoại lệ. Bởi vậy, chỉ có ý chí và quyết tâm chính trị cao của bộ máy mới là nguyên nhân chủ quan để tỉnh giúp các nhà đầu tư sớm triển khai dự án.
“Chúng tôi chưa quên trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt cuối năm 2021 xung quanh giải pháp phục hồi kinh tế, kiến tạo đổi mới trong trạng thái bình thường mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng chỉ đạo: Quảng Bình có nhiều cơ hội nổi trội, tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, có cơ bản những điều kiện cần và đủ để phát triển. Bởi vậy, cụm từ “khát vọng” có lẽ đúng và trúng nhất với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình vào lúc này tìm ra lối đi bền vững”, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng chia sẻ.
Quan điểm cho thấy tỉnh sẽ không ngồi chờ nhà đầu tư đến mà sẽ chủ động tìm đến doanh nghiệp. Theo giải thích của Bí thư Vũ Đại Thắng, sau đại dịch Covid - 19, số lượng doanh nghiệp cần cơ hội đầu tư kinh doanh để bù đắp lại những tổn hại do dịch bệnh gây ra là rất lớn. Thành phố này cũng hội tụ những nhà đầu tư năng động nhất trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ, du lịch... Quảng Bình muốn xúc tiến, thu hút những đồng vốn thực chất. Tỉnh trân trọng từng đồng vốn, từng nhà đầu tư và cũng mong muốn được các nhà đầu tư tôn trọng địa phương.
Tổng giám đốc Công ty Điện gió B&T Nguyễn Nam Thắng – chủ đầu tư cụm trang trại điện gió BT tại 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy chia sẻ lại quá trình triển khai đầy khó khăn do ảnh hưởng của trận lũ lịch sử tháng 10/2020 và đại dịch Covid-19: Thiên tai, dịch bệnh từng ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác vận chuyển, làm đứt gãy chuỗi cung ứng thiết bị suốt 2020 và nửa đầu 2021. Tuy vậy, vượt qua tất cả, dự án BT vẫn hoàn thành chi trong vòng chưa tới 1 năm, xong trước thời điểm 31/10/2021 để kịp hưởng chính sách ưu đãi của mua giá điện FIT theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ.
Nói về dự án trên, ông Hoàng Đức Thiện, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, cho biết: Để đưa dự án về đích, đạt được kết quả kỳ tích, ngoài năng lực và quyết tâm cao độ của chủ đầu tư thì sự đồng hành, quyết liệt và chủ động của các cấp chính quyền địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng. Còn nhớ thời điểm đỉnh cao tiến độ cũng chính là khi cả nước giãn cách toàn xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Do vậy, nguy cơ thiếu hụt lao động, chuyên gia và thiết bị đã hiện ra trước mắt tất cả chủ đầu tư. Sau khi Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tham mưu, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất hàng tuần giao ban trực tuyến với tất cả chủ đầu tư đang có dự án triển khai để cùng giải quyết khó khăn, tháo gỡ công việc.
Để giải quyết bàn toán nhân lực, khi chuyên gia của nhà đầu tư về đến Việt Nam, tỉnh đều bố trí xe công vụ hỗ trợ nhà đầu tư đưa về thẳng TP Đồng Hới và thiết lập “một cung đường, hai điểm đến” cho từng dự án. Cứ 3 ngày/lần, 100% người lao động được test nhanh Covid-19, đồng thời trực tiếp lãnh đạo tỉnh tới động viên tất cả 3-tại-chỗ để dự án đảm bảo tiến độ. Do vậy, không chỉ cụm trang trại điện gió BT, mà các dự án khác triển khai trong thời gian giãn cách xã hội cũng đều đảm bảo thời gian, tiến độ và chất lượng.
Còn trên lĩnh vực trụ cột của địa phương - dịch vụ, du lịch - một dự án khác là Fusion resort Quảng Bình bên biển Bảo Ninh (TP Đồng Hới) cũng đang hối hả về đích. Dự kiến tháng 10/2022, dự án sẽ hoàn thiện và chuẩn bị kế hoạch đón khách vào dịch nghỉ lễ Noel và Tết Dương lịch 2023.
Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Hồ An Phong, có thể Hội An, cố đô Huế, vịnh Hạ Long hay ruộng bậc thang Mù Cang Chải chưa là gì nếu so với Angkor Wat, Tử Cấm Thành hay một số địa danh ở Vân Nam, Quý Châu (Trung Quốc), nhưng Sơn Đoòng là số 1 và duy nhất của Việt Nam cũng như nhân loại. Vì thế, doanh nghiệp nhận thấy du lịch mạo hiểm và du lịch trải nghiệm trong quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng…
Với chủ đề "Quảng Bình - Thích ứng - Đồng hành - Phát triển", Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 tỉnh Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh được tổ chức ngày 25/3 vừa qua, với 23 danh mục các dự án tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022 - 2024. Tỉnh cũng xác định, xúc tiến đầu tư mới là bước đầu, còn sau đó là cả một quá trình mà quan trọng nhất là thuyết phục nhà đầu tư đến đầu tư, xây dựng dự án, cùng địa phương phát triển. Và để làm được điều đó, các sở, ngành phải thay đổi nhận thức, đồng hành với nhà đầu tư…
Trong một lần chia sẻ với lãnh đạo tỉnh, người viết vẫn nhận thấy sự lo lắng đối với chất lượng công vụ, đặc biệt là ở cấp phòng và chuyên viên. Tỉnh ủy muốn thấy rằng, bộ máy chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố phải thực sự hành động quyết liệt. Năm 2020, dư luận Quảng Bình vẫn chưa quên vụ một vị trưởng ngành liên quan nhiều đến nhà đầu tư bị điều chuyển chỉ sau… 6 tháng nhậm chức. Nguyên nhân là vì vị này chậm trễ xử lý công việc và có dấu hiệu gây khó dễ cho nhà đầu tư vào lĩnh vực trụ cột mà tỉnh đang dồn lực thu hút đầu tư.
Được biết, để tránh tình trạng trên và tránh mất cán bộ, nhiều sở, ngành tỉnh Quảng Bình đã chủ động ban hành quy định, tiêu chí công vụ nội bộ với nội dung rất cụ thể và yêu cầu toàn cơ quan ký cam kết thực hiện khi tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân. Trong năm 2022, tỉnh sẽ tăng tốc hơn, tập trung cao độ hơn trong việc kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ở tất cả các lĩnh vực, nhưng cách tiếp cận sẽ có đổi mới. Trong đó, tập trung vào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, đặc biệt là thủ tục hành chính.
Các dự án trọng điểm Quốc gia như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không Đồng Hới… đang được triển khai mạnh mẽ. Với cam kết đổi mới tư duy lề lối, phong cách, thái độ làm việc, nói đi đôi với làm của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, địa phương…, tỉnh Quảng Bình sẽ là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư tạo ra các cơ hội phát triển tiềm năng, thúc đẩy cho kinh tế địa phương và quốc gia phát triển trong thời gian sắp tới.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.