Di dân lên đất Hải Lưu, xã Quảng Tiến (Quảng Trạch - Quảng Bình) khai hoang, lập nghiệp năm 1990, do cần cù, chịu khó, ông Phan Xuân Chiệu đã biến 21,5 ha diện tích đất khô cằn, thành trang trại tổng hợp, thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.
Ông Chiệu tâm sự, ông ở xã Quảng Hải, nhưng do cuộc sống khó khăn phải "khăn gói" lên Quảng Tiến làm nghề gạch ngói.
Chẳng bao lâu, HTX gạch ngói giải thể, vợ chồng phải lên vùng đồi thôn Hải Lưu, không một bóng người, khai hoang, lập nghiệp.
“Nhiều lúc loay hoay không biết làm gì với vùng đất khô cằn, sỏi đá này. Nhưng rồi tôi quyết tâm khai hoang, trồng trọt, chăn nuôi", ông Chiệu chia sẻ.
Sau nhiều năm bỏ công sức, trang trại tổng hợp của ông dần hình thành. Hiện, với 21,5 ha cây ăn quả như: xoài, bưởi, đến thông, tràm... và 5 hồ cá nước ngọt.
Nhờ trang trại này, vợ chồng ông đã nuôi 6 con ăn học, sắm sửa máy cày, máy múc, xe vận tải để phục vụ canh tác, sản xuất.
Ông cho biết, cách đây mấy năm, thấy cây cao su và tràm vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa phù hợp đất đồi, ông đã dồn hết vốn liếng, công sức để trồng cao su, tràm.
Song, đợt bão năm 2017, đã phá hủy hàng chục diện tích cao su, tràm. Không nản lòng, ông bà lại động viên nhau tiếp tục tìm cây trồng mới phù hợp, để vực lại kinh tế.
Thấy cây hiệu quả, phù hợp chất đất, ông lại hào hứng thử nghiệm. Ông đã chuyển 4 ha kém hiệu quả sang trồng dứa, khá phù hợp vùng đồi và thời tiết ở đây. Không ngờ, thu lãi 70 triệu đồng.
Hiện, ông đang thử nghiệm: bưởi da xanh, cam, lựu và bơ. Đặc biệt, ông sẽ chuyển toàn bộ diện tích trồng lạc, ngô sang cây sâm Bố Chính. Đây là cây trồng hứa hẹn đem lại hiệu quả cao.
Không chỉ nghiên cứu, tìm tòi cây trồng phù hợp, để tăng hiệu quả sản xuất, ông cùng người con trai út, áp dụng công nghệ tưới hiện đại qua mạng Internet.
Anh Phan Đình Nguyên, con trai ông cho hay: "Ngoài chọn cây gì để trồng, thì nước tưới là yếu tố quan trọng, quyết định năng suất cây trồng.
Vì vậy, tôi đã gợi ý bố đầu tư 180 triệu đồng, mua hệ thống súng phun nước, bán kính rộng về lắp. Ưu điểm của hệ thống này là có thể tiết kiệm nguồn nước, và không tốn công như tưới thủ công.
Đường kính súng bắn nước rộng 120m, có thể tưới diện tích nhiều hơn".
Trước đó, ông cũng đã áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, công nghệ Israel, nhưng không phù hợp diện tích trang trại lớn.
Từ cách nghĩ, cách làm năng động, ông Chiệu không chỉ làm giàu cho mình, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều người dân trong vùng.
Quảng Trị: Những vườn ổi cho thu nhập cao
Anh Lê Hữu Hiện, thôn Bình Hải, xã Gio Bình (Gio Linh) kể, trước đây, nhiều hộ trồng cây cao su tiểu điền, tuy hiệu quả cao, nhưng giá trị không ổn định. Mùa mưa bão, cây gãy đổ nhiều, vì vậy, họ đã hoán đổi đất với công ty cao su để trồng cây ăn quả.
Sau khi được tư vấn, năm 2017, khi đến chu kì tái sinh, trồng mới cây cao su, anh Hiện đã chuyển dần sang trồng cây ổi lê Đài Loan.
Với diện tích 1ha, theo mật độ cây cách cây, hàng cách hàng 3 m, ông trồng hơn 1.000 gốc. Những ngày đầu, cây ổi phát triển tốt, ít bị gãy cành như ổi địa phương.
Ổi lê Đài Loan bắt mắt, ít hạt, quả giòn, ngọt nên được thị trường ưa chuộng. Với diện tích 1 ha, năm đầu, thu hoạch 2 lứa, trừ chi phí, thu lãi 200 - 250 triệu đồng/năm.
Không chỉ sử dụng giống mới, anh Hiện còn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, đầu tư hàng rào chắn, đến tưới nhỏ giọt, tổng số vốn hơn 200 triệu đồng.
Hiện, vườn ổi của anh trên 3 ha. Nói về kĩ thuật trồng ổi Đài Loan, anh chia sẻ: “Điều quan trọng là phải đào rãnh thoát nước, vun gốc, xới tơi đất, cho rễ phát triển.
Đặc biệt, để quả không bị cháy nắng, hình dáng đẹp, cần dùng túi nylon bọc quả. Ngoài ra, nên dùng phân bò ủ hoai bón cho cây, không cần phun thuốc BVTV”.
Chủ tịch UBND xã Gio Bình Tạ Quang Lộc, cho biết, nhiều hộ đã chuyển diện tích cao su thu nhập bấp bênh, sang trồng cây ăn quả, phù hợp đất đai, khí hậu, đem lại hiệu quả cao.
Anh Lê Hữu Hiện là một trong những người tiên phong cải tạo vườn tạp, để trồng ổi, năng suất cao, đảm bảo sạch, an toàn, hiệu quả . Hiện, đã có nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi để nhân rộng.
Quảng Ngãi: Hàng ngàn cây thông 30 năm tuổi bị triệt phá
Hàng loạt rừng thông hơn 30 năm tuổi, đường kính 20-40cm, nằm dọc Quốc lộ 24, đoạn qua các xã Ba Thành, Ba Cung, Ba Động (Ba Tơ) đang bị người dân đốn hạ, lấn chiếm đất trồng keo.
Rừng thông này do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ và Ban quản lý rừng phòng hộ khu Đông huyện Ba Tơ quản lý. Do nằm gần nương rẫy, xen với rừng của bà con, nên một số hộ đã lấn chiếm để trồng keo.
Họ dùng dao, rựa… để vạt vỏ quanh gốc thông, làm cho cây chết dần.
Riêng khoảnh rừng sát Quốc lộ 24, đoạn qua xã Ba Cung, có ít nhất 20 cây thông, bị người dân phá hoại, cạnh đó, những cây keo vài ngày tuổi đã mọc lên xanh tốt.
Những cây thông hơn 30 năm tuổi, cao khoảng 20m, đường kính 20-40cm nằm ngổn ngang trên sườn đồi. Ngoài những cây bị đốt cháy, nhiều gốc còn vết vạt vỏ rất mới.
Ở đồi đối diện, hàng chục cây thông lâu năm cũng đang dần chết, vì bị rựa, rìu…vạt vỏ quanh gốc. Nhiều cây khô chết dần, cành lá chuyển sang màu đỏ, bắt đầu rụng, không thể cứu chữa.
Ước tính, đã có hàng chục cây đang chết dần, nằm san sát nhau. Theo thống kê từ Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ, từ năm 2009 đến nay, tổng diện tích rừng thông bị phá, lấn chiếm trên 160.000m2, hơn 1.200 cây thông bị phá hoại.
Ông Phạm Mân, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ thừa nhận, diện tích này, trước là rừng thông hết. Nay, người dân đã vạt cây chết, lấn đất, bằng nhiều thủ thuật như: cứa bỏ phần vỏ gốc thông, chờ cây chết dần rồi đốn hạ.
Công ty đã nhiều lần làm việc với địa phương, nhưng tình trạng trên vẫn chưa dứt điểm, người dân vẫn tiếp tục lấn chiếm.
Huyện Ba Tơ đã trồng hàng ngàn hecta thông. Nhưng nay, diện tích còn lại chỉ hơn 14ha.
Ông Đàm Minh Tâm, Phó Hạt trưởng kiểm lâm Ba Tơ cho biết: “Một số hộ dân cố tình phá rừng thông, bằng nhiều thủ thuật như cứa bỏ vỏ gốc thông, chờ chết dần rồi lấn đất.
Lãnh đạo hạt đã chỉ đạo kiểm tra đối tượng phá rừng. Thế nhưng, theo quy định của pháp luật, các hành vi này chỉ có thể xử lý hành chính, mức phạt 3-5 triệu đồng, chưa đủ răn đe.
Có được những cánh rừng thông hàng chục năm tuổi như huyện Ba Tơ là điều quý giá, và hiếm có, nhưng rừng thông đang chết dần, nhường chỗ cho cây keo nguyên liệu.
Nếu các ngành chức năng không sớm vào cuộc, rừng thông có nguy cơ "xóa sổ". Đồng thời, những cánh rừng thông, vẫn được ví von “đẹp như cung đường Đà Lạt” sẽ không còn.
Quảng Nam: Phòng cháy rừng từ xử lý thực bì
Hạt kiểm lâm Trung Quảng Nam vừa phối hợp với xã Bình Trị (Thăng Bình) tổ chức trình diễn xử lý thực bì, đảm bảo công tác phòng, chữa cháy rừng.
Tình huống giả định: tại lô rừng trồng, hộ ông Nguyễn Văn Hùng thôn Châu Lâm, đang xảy ra cháy, do bất cẩn khi đốt thực bì. Mặc dù ông Hùng và một số hộ, tích cực cứu chữa nhưng vẫn không thể dập tắt đám cháy, và có nguy cơ cháy lan sang các lô liền kề.
Ngay sau khi nhận được tin, Hạt kiểm lâm Trung Quảng Nam đã báo với huyện Thăng Bình, triển khai ngay lực lượng, dụng cụ dập lửa, để ứng cứu. Chỉ 15 phút sau đám cháy được dập tắt.
Cũng tại buổi trình diễn, Hạt kiểm lâm Trung Quảng Nam đã hướng dẫn cho bà con cách xử lý thực bì, thời gian đốt thực bì, hướng dẫn tạo đường băng xung quanh, nhằm hạn chế vật liệu cháy, không lây lan sang rừng liền kề.
Lần đầu tham gia thử nghiệm, anh Nguyễn Chinh, thôn Châu Lâm, có 5ha rừng trồng tại hồ Đông Tiển, cho hay, lâu nay, các hộ vẫn xử lý thực bì theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Nhất là đốt thực bì được thực hiện mọi thời điểm trong ngày, do đó rất dễ xảy ra cháy rừng, và lây lan sang diện tích khác. Khi được quan sát cách xử lý thực bì, do cán bộ kiểm lâm trình diễn, bà con có thêm kiến thức để hạn chế cháy rừng.
Ông Nguyễn Văn Tần, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Trung Quảng Nam, cho hay: “Diễn tập lần này, chúng tôi mong muốn cung cấp cho bà con kiến thức xử lý thực bì an toàn, trước khi trồng rừng, cũng như sau khi khai thác rừng, đảm bảo không để cháy rừng”.
Xã Bình Trị có 450ha rừng phòng hộ, hơn 503ha rừng sản xuất. Là một trong 6 xã nằm trong vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao. Do vậy, công tác PCCCR là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương.
Hiện, xã Bình Trị đã tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm, mở nhiều đợt tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng, các văn bản liên quan đến rừng, nhất là vận động 250 hộ dân sống gần rừng, tham gia ký cam kết bảo vệ rừng.
Ông Hoàng Châu Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, cho hay, rừng và đất rừng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phòng hộ, chắn sóng, chắn cát bay ở vùng đông, và phòng hộ đầu nguồn của các hồ như Phước Hà (Bình Phú), Cao Ngạn (Bình Lãnh), Đông Tiển (Bình Trị).
Do đó, công tác bảo vệ, PCCCR được ngành chức năng, huyện Thăng Bình hết sức quan tâm.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.